Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam: Tư duy mới và một số kiến nghị


Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội ở nước ta.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách thu hút FDI, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có sự thống nhất về đánh giá tác động của FDI đối với phát triển kinh tế và các biện pháp cần thực thi để phát huy tác động của FDI đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Một trong những nguyên nhân là do có những vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được làm sáng tỏ. Bài viết phân tích, góp phầm làm rõ một số điểm liên quan.

Tư duy mới và nhận thức về tác động của FDI đối với tăng trưởng kinh tế

Đây là một yêu cầu cấp bách. Ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế là một quá trình phức tạp mà nó thể hiện ở nhiều chiều cạnh khác nhau (Hình 1). Qua Hình 1 cho thấy, FDI ảnh hưởng lớn đến phát triển các ngành nghề, phát triển các doanh nghiệp và từ đó dẫn tới tăng việc làm và tăng thu nhập cùng với tăng sức mua rồi dẫn đến thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Đối với nước ta, thu hút vốn FDI và phát triển doanh nghiệp FDI có mục đích tối thượng là thực hiện tiếp nhận công nghệ hiện đại, kinh nghiệp quản trị tiên tiến và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam có điều kiện tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và các mạng phân phối toàn cầu; đồng thời tạo tiền đề để các doanh nghiệp mở rộng thị trường ra thế giới.

Nhờ đó gia tăng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, làm cho sản xuất phát triển hơn; cũng tức là làm cho nền kinh tế tăng trưởng hơn cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng như rất có thể tạo ra những sự phát triển bứt phá cho nền kinh tế. Khi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, có chất lượng lại tạo ra tiền đề để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, cải thiện đời sống người dân, gia tăng sức mau dân cư và làm cho nền kinh tế phát triển một cách ổn định hơn.

Đối với một địa phương cũng như đối với một quốc gia, đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài là hai bộ phận quan trọng của đầu tư phát triển. Chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Hiệu quả của đầu tư trong nước hoặc của đầu tư nước ngoài đều thể hiện rõ ràng ở hiệu quả phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển kinh tế đều do đầu tư góp phần đem lại.

Thực tế chỉ ra rằng, FDI tác động lớn tới sự phát triển kinh tế của nước ta cũng như của các địa phương, làm xuất hiện công nghệ tiên tiến, xuất hiện nhiều sản phẩm mới, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế (doanh nghiệp) trong nước, mở rộng thị trường và hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng nghề cao… Đó cũng là quan điểm cần làm rõ để đánh giá hiệu quả kinh tế của FDI ở một địa phương.

Bên cạnh mặt ảnh hưởng tích cực từ đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế như đã nói ở trên thì còn cần nói đến ảnh hưởng tiêu cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế. Trước hết phải kể đến do việc chuyển giá, chuyển ngoại tệ do lợi nhuận về nước sẽ gây ra tình trạng thất thoát giá trị tăng thêm của nền kinh tế cũng như gây ra sự tăng ảo của nền kinh tế. Sau đó phải nhắc tới ảnh hưởng xấu tới môi trường và nền kinh tế phải chi một khoản kinh phí để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ấy.  

Ở góc độ khác, có thể biểu đạt ảnh hưởng của FDI tới tăng trưởng kinh tế theo chiều ngang như Hình 2. Thực tế cho thấy, FDI vừa tác động trực tiếp qua sự phát triển của các doanh nghiệp FDI, vừa tác động gián tiếp thông qua kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước tới tăng trưởng kinh tế. Cũng trong qúa trình phát triển FDI tới tăng trưởng kinh tế theo hai chiều: tích cực và tiêu cực.

Chiều tích cực là nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài tác động tới phát triển sản xuất kinh doanh và dẫn tới gia tăng tăng trưởng kinh tế. Còn tác động theo chiều tiêu cực chủ yếu thông qua việc chuyển giá, rủi ro về thị trường ngoài nước và gây ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nếu nhà đầu tư FDI chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà quên lợi ích của nước tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì trước mắt là làm tổn hại cho nước chủ nhà và sau đó là làm tổn hại cho bản thân mình.

Nhà nước bao gồm cả chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương. Nhà nước với tư cách là nhà quản lý có vai trò quyết định tới hiệu quả của khu vực FDI. Đây là điều hiển nhiên nhưng không dễ thuyết phục đối với những người có trách nhiệm. Tác giả muốn chỉ rõ rằng, ai là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với hiệu quả phát triển nói chung và hiệu quả đầu tư nói riêng? Từ cách đặt vấn đề như vậy, tác giả cho rằng người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước hay người tổng chỉ huy có vai trò quyết định đối với đường lối đầu tư cũng như hiệu quả ĐTPT, trong đó có hiệu quả kinh tế của FDI. Nhà nước ban hành đường lối phát triển cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lãnh thổ cũng như cơ cấu thành phần kinh tế; rồi từ đó quyết định đường lối đầu tư chung, tạo lập môi trường đầu tư, tìm cách giảm chi phí đầu vào, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI.

Một vấn đề quan trọng khác phải làm rõ nữa là: yếu tố chi phối tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế là gì? Từ lý thuyết và phân tích thực tế FDI ở Việt Nam tôi cho rằng, tác động của FDI đối với tăng trưởng kinh tế chịu sự chi phối của những yếu tố quan trọng như: Nhà nước (gắn với thể chế kinh tế, chinh sách kinh tế và quản lý nhà nước); đội ngũ doanh nghiệp (cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thị trường (gắn với quốc tế hóa và hội nhập kinh tế quốc tế)...

Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam: Tư duy mới và một số kiến nghị - Ảnh 1

Các doanh nghiệp FDI không tồn tại độc lập mà tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn và ngoài địa bàn. Vì thế hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp FDI có liên quan chặt chẽ với hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp trong nước vừa như các đối tác sân sau của khu vực FDI nhưng cũng vừa như các đối tác hỗ trợ các doanh nghiệp FDI.

Nói như thế, cũng đồng nghĩa với việc muốn các doanh nghiệp trong nước hoạt động có hiệu quả thì các doanh nghiệp trong nước phải phối hợp với các doanh nghiệp FDI; đồng thời, các doanh nghiệp FDI muốn hoạt động có hiệu quả thì cũng phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước. Đây là nguyên tắc quan trọng mà các doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương các tỉnh cần quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Đổi mới tư duy và nội dung chiến lược thu hút vốn FDI

Từ nhận thức và tư duy như trên, tôi cho rằng để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI, Nhà nước cần thi hành một số giải pháp vừa có tính chiến lược và vừa có tính chiến thuật như sau:

Thứ nhất, Nhà nước sớm xây dựng và ban hành chiến lược thu hút vốn FDI cho thời kỳ 15-20 năm. Việc thu hút vốn FDI phải theo phương châm tăng suất đầu tư trên mỗi ha đất mà nhà đầu tư xin cấp. Nếu như hiện nay ở nước ta suất đầu tư trung bình chỉ khoảng 3-3,5 triệu USD/ha và ở các thành phố lớn cũng chỉ khoảng 4,5-5,5 triệu USD/ha đã không đem lại hiệu quả như mong muốn, thì nước ta phải có chính sách mới để thu hút được những dự án FDI có suất đầu tư cao hơn (đồng nghĩa với những dự án có công nghệ cao) và cụ thể là đối với các thành phố lớn phải ở mức khoảng từ 10 triệu USD/ha trở lên.

Nói như thế cũng đồng nghĩa với việc thu hút các dự án FDI có công nghệ cao và công nghệ xanh, thân thiện với môi trường cũng như khuyến khích những dự án có khả năng tạo điều kiện để nước ta có doanh nghiệp có năng lực tham gia các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Có như vậy nước ta mới thực hiện được chủ trương hiện đại hóa nền kinh tế như mục tiêu đã đề ra.

Muốn vậy, một mặt Nhà nước phải có quy hoạch thu hút vốn FDI cho cả trước mắt và lâu dài; mặt khác Nhà nước phải có chính sách ưu tiên các dự án công nghệ cao thuộc các lĩnh vực điện tử, cơ khí chế tạo, cơ điện tử như sản xuất máy tính, máy móc thiết bị tin học, viễn thông, quang học; sản xuất thiết bị toàn bộ phục vụ sản xuất điện, lọc hóa dầu, hóa lỏng khí thiên nhiên, sản xuất vật liệu, phân bón, hàng tiêu dùng, thuốc chữa bệnh… Đồng thời, có kế hoạch và biện pháp hữu hiệu thu hút các nhà công nghiệp phụ trợ đến từ các nước phát triển trong khu vực châu Á và EU.

Chính quyền các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cần phối hợp với các Bộ ngành chức năng lập quy hoạch thu hút vốn FDI cho thời gian dài, Trên cơ sở đó tiến hành lập các dự án kêu gọi FDI rồi quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời phối hợp với các Bộ ngành hữu trách ở trung ương để triển khai xúc tiến đầu tư một cách có hiệu quả.

Thứ  hai, Nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện luật pháp về FDI một cách kịp thời, có hiệu lực, hiệu quả. Các cơ chế chính sách này cần phải có những quy định cụ thể, chi tiết, đủ sức khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư FDI. Đồng thời, một mặt có kế hoạch đáp ứng yêu cầu về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực có chất lượng cao; mặt khác có kế hoạch và biện pháp thỏa đáng để mở rộng mối quan hệ hợp tác chiến lược với những quốc gia nắm công nghệ nguồn và có tiềm lực tài chính lớn cũng như với các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia.

Trước hết, cần chú trọng tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước EU, Nga và Ấn Độ. Các quốc gia có tiềm năng về công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất thuốc chữa bệnh cũng cần được quan tâm đúng mức. Sau nữa là chú ý tới các quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh ở Đông Á, châu Mỹ và ở Trung Đông.

Nhà nước nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý về FDI, thực hiện kiểm tra giám sát và cấp phép một cách có hiệu quả; xây dựng lực lượng cán bộ chuyên trách FDI có năng lực và có đạo đức công vụ. Hình thành Trung tâm thông tin về FDI trên phạm vi cả nước và ở mỗi địa phương cần có đơn vị xử lý thống tin FDI. Nhà nước nên có kế hoạch đổi mới thống kê về FDI với phương châm coi trọng những chỉ tiêu chất lượng.

Thứ ba, Nhà nước nên có kế hoạch xây dựng lực lượng tình báo kinh tế ở nước ngoài để nắm chắc các thông tin về mạng lưới doanh nghiệp của các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia; về các vấn đề kinh tế, giá cả, đầu tư để phục vụ việc đấu tranh chống chuyển giá và nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu, hàng hóa với giá không hợp lý mà, từ đó gây thiệt hại cho nền kinh tế. Nhà nước cần sử dụng có hiệu quả lực lượng cán bộ của các Đại sứ quán của nước ta tại các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, Nhà nước cần có kế hoạch phát triển quan hệ hợp tác quốc tế có lợi cho việc thu hút vốn FDI trong những năm tới.

Thứ tư, đánh giá lại đội ngũ cán bộ chuyên về FDI trên phạm vi cả nước cũng như ở các địa phương. Nhanh chóng có kế hoạch xây dựng đội ngũ chuyên gia FDI. Hình thành các cơ sở đào tạo bậc đại học chuyên đào tạo chuyên gia về FDI đáp ứng yêu cầu thu hút FDI và quản lý FDI ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê, Tình hình doanh nghiệp FDI giai đoạn 2006-2012, 2013;
  2. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê các năm từ 2006 đến 2017;
  3. Quốc hội (1998), Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia;
  4. Tống Quốc Đạt (2004), Những biện pháp chủ yếu nhằm điều chỉnh cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài theo ngành kinh tế ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ;
  5. Lâm Thùy Dương (2011), Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài - Quy hoạch phát triển đúng phải được thể hiện bằng hiệu quả, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 15/2011.