Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với các dịch vụ công

PV.

Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Đây là mốc tiếp theo đẩy mạnh thực hiện nền kinh tế không dùng tiền mặt.

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tập trung cho các giao dịch thu, nộp ngân sách. Nguồn: Internet
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tập trung cho các giao dịch thu, nộp ngân sách. Nguồn: Internet
 

Theo đó, Quyết định hướng tới đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, Chính phủ xác định rõ hai mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020 đạt được 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, trực thuộc tỉnh được thực hiện qua ngân hàng; Và 70% công ty điện lực, công ty nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện, nước qua ngân hàng.

Cụ thể, với dịch vụ thu ngân sách, 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước.

Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện, 70% công ty điện lực chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng; tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phấn đấu 70% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng; Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước, 70% công ty nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng…

Việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt không những là chủ trương của Chính phủ mà còn là xu hướng mang tính thời đại nên rất cần chiến lược bài bản và sự vào cuộc của nhiều bên.

Theo các chuyên gia, xét theo các tiêu chí để xác định một quốc gia có nguy cơ bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền thì Việt Nam có nguy cơ khá cao. Vì thế, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp tăng cường sự kiểm tra lẫn nhau giữa các cá nhân, tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, phương thức này cũng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý kiểm soát dòng tiền trong nền kinh tế cũng như các hành vi liên quan đến hoạt động buôn lậu, tham nhũng, hoạt động kinh tế ngầm…

Vì vậy, để thực hiện được các mục tiêu đặt ra, Đề án đã đưa ra các giải pháp cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán; Triển khai các hình thức hiện đại phục vụ cho việc thu phí; Nâng cấp và đồng bộ hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu về thu nộp ngân sách giữa các đơn vị như: Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước để áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu.

Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tập trung cho các giao dịch thu, nộp ngân sách.

Đồng thời, giao Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai kết nối hạ tầng dịch vụ thuế điện tử với hạ tầng thanh toán điện tử để phục vụ việc nộp thuế điện tử; Thống nhất các giải pháp trao đổi thông tin, dữ liệu thuế điện tử giữa hệ thống ngân hàng, các cơ quan Thuế, Hải quan và Kho bạc Nhà nước để hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức, hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng để phục vụ cho việc thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội; Chỉ đạo các ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ kết nối với các đơn vị cung ứng dịch vụ công; Đa dạng các dịch vụ, phương thức thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội.

Đẩy mạnh phát triển thêm các thẻ ngân hàng đa năng, đa dụng cho phép thực hiện giao dịch thu, nộp thuế, phí cầu đường, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán như thanh toán trực tuyến, thanh toán trên di dộng, thanh toán không tiếp xúc…; Hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ, nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán 24/7 của tổ chức, cá nhân…

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, Thuế là một trong những ngành đi tiên phong triển khai nhiều dịch vụ điện tử hỗ trợ cho doanh nghiệp như dịch vụ khai thuế qua mạng Internet, dịch vụ nộp thuế điện tử. Hiện trên cả nước đã có 99,82% tổng số doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử.

 

Trong lĩnh vực hải quan, chỉ sau 1 tháng thực hiện đề án nộp thuế điện tử 24/7, đã có hơn 1.500 giao dịch thành công với hơn 200 tỷ đồng tiền thuế được nộp qua Cổng thanh toán điện tử của Tổng cục Hải quan và đang tiếp tục tăng theo từng ngày.