“Điểm sáng” trong công tác quản lý, điều hành giá của ngành Tài chính

M. Hà

(Tài chính) Trước diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than… biến động liên tục và phức tạp, thời gian qua, Bộ Tài chính đã theo sát tình hình giá cả thị trường để đưa ra những biện pháp quản lý giá công khai, minh bạch và nhất quán thực hiện theo cơ chế giá thị trường có sự giám sát và quản lý của Nhà nước.

Điều hành giá linh hoạt, nhất quán theo cơ chế thị trường.
Điều hành giá linh hoạt, nhất quán theo cơ chế thị trường.

Điều hành giá theo cơ chế thị trường

Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong những tháng cuối năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế còn có nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa mấy sáng sủa. Lạm phát có khả năng tăng cao do các nước đều có chính sách nới lỏng tiền tệ và áp dụng các gói hỗ trợ kích thích kinh tế để đẩy mạnh tăng trưởng…

Trước tình hình đó, ngoài việc tiếp tục triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường… Bộ Tài chính đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai ngay Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012; trong đó các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần chú trọng các giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá. Theo đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá hàng nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, thuốc lá, khoáng sản; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 84/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế, trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá; bên cạnh đó, cần chú trọng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không được để thiếu nguồn, cũng như không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tình trạng bất ổn cho thị trường trong nước; thực hiện tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện giãn tần suất và biên độ tăng giá khi giá thế giới tăng. Việc điều chỉnh giá than bán cho sản xuất điện thực hiện theo hướng bảo đảm bằng giá thành toàn bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành than, bảo đảm ổn định việc làm và đời sống người lao động; Tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống; triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giá.

Minh chứng cụ thể nhất, từ đầu năm đến nay, liên Bộ Tài chính - Công thương đã thống nhất điều chỉnh giá linh hoạt, có tăng, có giảm theo cơ chế thị trường kết hợp với sử dụng các công cụ tài chính (thuế, Quỹ bình ổn giá). Đặc biệt, từ đầu tháng 9 đến nay, giá xăng dầu tiếp tục dao động ở mức cao. Để giữ ổn định giá bán xăng, dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp không tăng giá, sử dụng các công cụ để bình ổn giá đồng thời không tính lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng dầu trong giá cơ sở. Tương tự, việc điều chỉnh giá than bán cho điện được thực hiện theo từng bước có lộ trình với nguyên tắc có kiềm chế, gắn với lộ trình điều chỉnh giá điện, có tính đến điều kiện kinh tế - xã hội tại thời điểm điều chỉnh, và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động đến sản xuất và đời sống xã hội…

Như vậy, trong thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã công bố công khai điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Có thể thấy rằng, trong những năm qua, việc điều hành kinh doanh xăng dầu đã theo đúng các quy định tại Nghị định 84/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đó là điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm bảo chia sẻ hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Siết chặt quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm

Ngày 02/11/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ ký ban hành Chỉ thị 04/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013, trong đó chú trọng các công việc theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung - cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn để chủ động tham mưu trình ủy ban nhân dân tỉnh có phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường.

Đối với các địa phương có triển khai Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, cần tăng cường giám sát và tổ chức thực hiện Chương trình theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 222/TB-VPCP ngày 21/6/2012 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá và Công văn số 13038/BTC-QLG ngày 25/9/2012 của Bộ Tài chính về tăng cường kiểm tra, giám sát Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá trên địa bàn (sau đây gọi tắt là Chương trình), trong đó lưu ý:

 Một là, thường xuyên kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bán hàng hóa với giá cả và chất lượng theo đúng cam kết của Chương trình; có biện pháp nhằm tăng cường đưa hàng bình ổn giá đến khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư; kết hợp với tổ chức bán hàng lưu động, các hình thức khuyến mãi để kích thích tiêu dùng, tăng sức mua...

Hai là, triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu dùng nhằm chủ động tạo nguồn hàng ổn định, lâu dài và bảo đảm chất lượng; thực hiện các biện pháp thích hợp để khuyến khích doanh nghiệp tham gia Chương trình đi đôi với kiểm tra giám sát doanh nghiệp thực hiện cam kết, bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình và quy định của pháp luật.

Ba là,  tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, phí trông giữ xe đạp, ô tô, xe máy và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ động, thực vật, thức ăn chăn nuôi....

 Bốn là, thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, rượu bia, đường; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu.

Năm là, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng theo Chỉ thị này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ yêu cầu Cục trưởng Cục thuế chỉ đạo, tăng cường quản lý thu, kiểm soát thu NSNN; kiểm tra thực hiện pháp luật về thuế, kết hợp với kiểm tra thực hiện pháp luật về giá; kiểm tra, kiểm soát kê khai thuế, quyết toán thuế của các đơn vị, đặc biệt đối với đơn vị vừa qua được hưởng chính sách gia hạn, miễn, giảm, giãn thuế theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ mà không có biện pháp tiết giảm chi phí để giảm giá; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tại địa phương tăng cường kiểm soát chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả, đúng tiêu chuẩn, chế độ định mức theo quy định; Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan; tập trung tăng cường lực lượng thực hiện tốt công tác chống buôn lậu tại các địa bàn trọng điểm góp phần bình ổn giá thị trường trong nước; Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cứu đói cho dân trong thời gian giáp hạt và cho các vùng bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh...