Điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng phát triển bền vững ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 9/2020

Cơ cấu thu ngân sách nhà nước là nói đến các bộ phận hợp thành, cách thức tổ chức và sắp xếp các chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ở Việt Nam, trong các năm gần đây, cơ cấu thu ngân sách nhà nước dần được cải thiện theo hướng tích cực hơn, nhưng để đảm bảo tính bền vững, đồng thời phát huy được vai trò tích cực của thu ngân sách nhà nước đến các hoạt động kinh tế - xã hội thì cần phải tiếp tục hoàn thiện, đổi mới cơ cấu thu ngân sách nhà nước.

Cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) chịu ảnh hưởng của các nhân tố khác nhau như cơ cấu nền kinh tế; cơ chế, chính sách thu; nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia và công tác quản lý thu. Cơ cấu thu NSNN hợp lý có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đảm bảm cho NSNN có số thu bền vững, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy các quốc gia đều dành sự quan tâm nhất định đến cơ cấu thu NSNN. Xuất phát từ yêu cầu thực tế trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh để thay đổi cơ cấu các bộ phận trong tổng thu NSNN, đảm bảo cho NSNN ngày càng bền vững, an ninh tài chính quốc gia phù hợp với những điều kiện cụ thể về phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn phát triển.

Thực trạng cơ cấu thu ngân sách nhà nước ở Việt Nam

Từ năm 2015, cơ cấu thu NSNN của Việt Nam đã huyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, từng bước phát huy được vai trò của NSNN với tư cách là phương tiện và công cụ để Nhà nước thực hiện điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế-xã hội. 

Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không cao như những năm trước đó, nhưng thu NSNN vẫn tăng trưởng và chiếm tỷ lệ cao trong tổng GDP. Các số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 2015 tổng thu NSNN đạt 996.870 tỷ đồng thì đến năm 2019 ước đạt 1.457.300 tỷ đồng, tăng 46,2% so với năm 2015. Đóng góp vào sự tăng trưởng về số thu NSNN có vai trò quan trọng từ thu nội địa. Cụ thể: thu nội địa năm 2019 ước đạt 1.195.500 tỷ đồng, tăng 61,5% so với năm 2015. Thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu có tốc độ tăng năm sau so năm trước nhưng với tốc độ tăng thu hàng năm không cao (năm 2019 ước thu được 211.000 tỷ đồng, trong khi năm 2015 thu được 177.293 tỷ đồng). Thu từ dầu thô có xu hướng giảm, năm 2015 thu từ dầu thô đạt 67.510 tỷ đồng thì đến năm 2019 ước đạt 46.800 tỷ đồng (số thu năm 2019 chỉ bằng 69,3% của năm 2015). Thu từ viện trợ không hoàn lại trong 5 năm gần đây có xu hướng giảm, năm 2015 thu đạt 12.005 tỷ đồng, đến năm 2019 thu đạt  4.000 tỷ đồng. 

Căn cứ theo nguồn hình thành, cơ cấu thu NSNN bao gồm: thu nội địa, thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thu từ dầu thô và thu từ viện trợ không hoàn lại.

 Có thể thấy, cơ cấu thu NSNN có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng thu nội địa ngày càng tăng lên, năm 2015 tỷ trọng thu nội địa chiếm 74,24% tổng thu NSNN, năm 2019 tăng lên 82%. Điều này có nguyên nhân là do hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế hiệu quả hơn, số lượng doanh nghiệp (DN) mới thành lập gia tăng, Nhà nước áp dụng các ưu đãi thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển thuận lợi. Cũng cần nói đến một nguyên nhân rất quan trọng là cơ quan thu NSNN, đặc biệt là cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chống thất thu nên cũng góp phần tăng thu nội địa.

 Tỷ trọng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong các năm gần đây ngày càng giảm là do Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình. Thu từ dầu thô và tỷ trọng trong tổng thu NSNN các năm 2015-2019 giảm là do giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm. Khoản thu từ viện trợ không hoàn lại chiểm tỷ lệ cực kỳ nhỏ trong tổng thu NSNN, năm 2015 chiếm 1,2% trong tổng thu NSNN, đến năm 2019 chỉ chiếm 0,3% trong tổng thu NSNN.

 Trong thu nội địa thì thu từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất, tuy tỷ trọng trong tổng thu NSNN giảm trong các năm gần đây. Năm 2015 thu từ DNNN là 227.022 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng thu NSNN. Năm 2019 thu từ DNNN ước đạt 292.024 tỷ đồng, tăng 28,6% so với năm 2015, nhưng tỷ trọng trong tổng thu NSNN giảm xuống còn 23,5%. Số lượng các DNNN trong các năm gần đây giảm do kết quả của quá trình cổ phần hóa, hiệu quả hoạt động của các DNNN cũng chưa cao nên tốc độ tăng thu từ DNNN cũng thấp hơn so với tốc độ tăng thu NSNN nói chung.

Thu từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ trọng trong tổng thu NSNN lớn đứng thứ hai, sau thu từ DNNN. Với tốc độ tăng thu khá nhanh vả tăng cả về tỷ trọng trong tổng thu. Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài năm 2015 đạt 141.019 tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng thu NSNN, nhưng đến năm 2019, ước đạt 251.789 tỷ đồng, tăng 78,5% so với năm 2015 và chiếm 20,3% tổng thu NSNN. Thu từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng một phần là do vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây, bên cạnh đó, cơ quan thuế đã tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế chống chuyển giám phát hiện các trường hợp gian lận, giảm lỗ nên cũng góp phần tăng thu cho NSNN. Tuy nhiên, nếu so với quy mô, tiềm năng thì thu từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn, cần quan tâm quản lý để khai thác tăng thu.

Điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng phát triển bền vững ở Việt Nam - Ảnh 1

Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế và đóng góp số thu cho NSNN. Trong giai đoạn 2015-2019 thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng cả về số tuyệt đối và tỷ trọng. Năm 2015 thu từ khu vực ngoài quốc doanh là 129.585 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16% tổng thu NSNN, đến năm 2019 ước đạt 237.012 tỷ đồng, tăng 82,9% so với năm 2015 và chiếm tỷ trọng 19,1% trong tổng thu NSNN. Nhờ các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh nên số lượng các DN mới thành lập tăng lên, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh cũng cải thiện, nên số thu NSNN từ khu vực này tăng.

Tuy nhiên, đặc trưng của khu vực kinh tế này phần lớn là DN quy mô nhỏ và vừa, khả năng chấp hành quy định về kế toán, hóa đơn chứng từ cũng còn hạn chế, khá nhiều DN chưa tuân thủ tốt việc thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN, thất thu từ khu vực này còn tương đối lớn, nếu áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả hơn thì sẽ góp phần tăng số thu, tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực ngoài quốc doanh trong tổng thu NSNN.

Giai đoạn 2015-2019, thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hàng năm chiếm tỷ trọng từ 7-9% tổng thu NSNN. Do mức giảm trừ gia cảnh tưởng đối cao, phạm vi giảm trừ còn áp dụng cho nhiều đối tượng, số người nộp thuế chưa lớn, việc quản lý thu nhập của cá nhân còn gặp nhiều khó khăn, khả năng thất thu lớn nên số thu thuế TNCN chưa đạt kết quả như mong muốn. Khoản thu từ đất chiếm tỷ lệ trong các năm gần đây trên 10% tổng thu NSNN, đây là khoản thu tiềm năng, nếu có chính sách thu hợp lý và có biện pháp quản lý thu thích hợp sẽ đem lại số thu đáng kể cho NSNN.

Khoản thu có tốc độ tăng rất cao năm 2016 so với 2015 là thuế bảo vệ môi trường, do từ 01/5/2015 mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 1.000 đồng/lít trước đây lên thành 3.000 đồng/lít, năm 2016 thu được 43.632 tỷ đồng tiền thuế môi trường, tăng 61,5% so với năm 2015. Năm 2019 số thuế bảo vệ môi trường thu được là 61.554 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2015. Tỷ trọng thuế bảo vệ môi trường trong tổng thu NSNN tăng từ 3,3% năm 2015 lên 4,9% năm 2019.

Trong cơ cấu thu thuế từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, các số liệu thông kê cho thấy, hai sắc thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu NSNN từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đó là thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tỷ trọng thu thuế nhập khẩu có xu hướng giảm, năm 2015 thu thuế nhập khẩu chiếm 41,4% trong tổng thu NSNN từ hoạt động xuất, nhập khẩu nhưng đến năm 2019 giảm xuống, chỉ chiếm 31%. Việc giảm tỷ trọng thu thuế nhập khẩu trong các năm gần đây là do Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với cam kết giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu.

Việc đẩy nhanh hội nhập quốc tế, giảm thuế nhập khẩu đã làm gia tăng lượng hàng hóa nhập khẩu, kéo theo thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu cũng tăng cả về số tuyệt đối lẫn tỷ trọng. Nếu như năm 2015, thu thuế GTGT chiếm 43,7% trong tổng thu NSNN từ hoạt động xuất, nhập khẩu, thì đến năm 2019 đã tăng lên, chiếm 52,2% trong tổng NSNN từ hoạt động xuất, nhập khẩu.

Điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng phát triển bền vững ở Việt Nam - Ảnh 2

Thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng nhập khẩu cũng gia tăng trong các năm gần đây, do mặt hàng ô tô vẫn được nhập khẩu với số lượng lớn, đặc biệt trong năm 2016, 2019, dẫn đến tỷ trọng thu thuế TTĐB trong NSNN từ hoạt động xuất, nhập khẩu chiếm lần lượt là 12,5% và 12,7%. Tỷ trọng thu từ thuế xuất khẩu chiếm rất nhỏ, và giảm dần, điều này là hợp lý vì để khuyến khích xuất khẩu, đại bộ phận hàng hàng xuất khẩu có thuế suất thuế xuất khẩu 0%. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu đánh thuế xuất khẩu đối với nguyên liệu thô và khoáng sản khai thác chưa qua chế biến nhằm mục đích hạn chế, kiểm soát xuất khẩu.

Như vậy, nhìn chung cơ cấu thu NSNN của Việt Nam thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên cũng còn một số vấn đề cần quan tâm

Một là, cơ cấu thu NSNN chưa thực sự bền vững. Nguồn thu trong nước tăng chậm do hiệu quả nền kinh tế còn thấp; nguồn thu NSNN chưa bắt nguồn từ kết quả sản xuất, kinh doanh, từ hiệu quả chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, một số khoản thu không ổn định như thu từ bán dầu thô, thu thuế xuất nhập khẩu, thu từ đất… Điều này làm cho thu NSNN nhạy cảm với tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới và giá dầu thô trên thị trường quốc tế.

Hai là, về chính sách thu NSNN nói chung, chính sách thuế nói riêng cũng còn có những hạn chế. Phạm vi điều tiết vĩ mô của các chính sách thu NSNN, nhất là các sắc thuế còn hẹp, chưa bao quát được các hoạt động kinh doanh của nền kinh tế đã và đang phát sinh, phát triển rất đa dạng trong nền kinh tế thị trường. Diện chưa thu thuế, ưu đãi thuế còn nhiều. Bên cạnh đó, danh mục đối tượng không chịu thuế GTGT còn rộng; còn nhiều trường hợp được miễn giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; có quá nhiều ưu đãi thuế TNDN và có nhiều khoản thu nhập chưa đưa vào danh mục chịu thuế TNCN, cũng như còn quá nhiều đối tượng được giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN... đã làm cho cơ sở tính thuế bị thu hẹp, phức tạp về chính sách. Điều này có thể dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng, gây khó khăn trong kiểm soát và quản lý thu thuế do phải xác định diện thu thuế và diện miễn thu thuế.

Ba là, công tác quản lý và điều hành thu NSNN còn tồn tại tình trạng thất thu, trốn thuế, lậu thuế, chuyển giá. Tình trạng thất thu còn khá phổ biến, hiệu quả kiểm soát nguồn thu ngân sách còn hạn chế. Không chỉ thất thu thuế, Việt Nam còn thất thu trong việc giao đất, giao rừng, giao mỏ khoáng sản…

 Một số khuyến nghị

Xuất phát từ những hạn chế của cơ cấu thu NSNN hiện hành, việc đổi mới cơ cấu thu là hết sức cần thiết. Mục tiêu của việc đổi mới cơ cấu thu là đảm bảo tính bền vững của NSNN, đảm bảo số thu cần thiết cho NSNN để đáp ứng nhu cầu chi tiêu, khắc phục tình trạng thâm hụt NSNN lớn, đồng thời góp phần phát huy tác dụng tích cực của thu NSNN đối với các hoạt động kinh tế-xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản để đổi mới cơ cấu thu NSNN bao gồm:

Điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng phát triển bền vững ở Việt Nam - Ảnh 3

Một là, hoàn thiện chính sách thuế theo hướng mở rộng cơ sở thuế, rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế. Cụ thể:

- Đối với thuế GTGT, cần thu hẹp đối tượng không chịu thuế: Hiện nay, danh mục đối tượng không chịu thuế GTGT còn nhiều, theo Luật thuế GTGT gồm 25 nhóm đối tượng. Do vậy, trong thời gian tới cần rà soát danh mục hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT, nghiên cứu chuyển dần một số hàng hóa dịch vụ hiện nằm trong danh mục không chịu thuế sang chịu thuế GTGT. Trước mắt, có thể nghiên cứu và chuyển các nhóm hàng hóa, dịch vụ sau từ không chịu thuế sang chịu thuế GTGT: Phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng chưa được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác…

Việc chuyển các nhóm này sang đối tượng chịu thuế không chỉ góp phần mở rộng cơ sở thuế, tạo thu cho NSNN mà còn nhằm đảm bảo công bằng giữa các hoạt động sản xuất kinh doanh và sẽ giúp cho hoạt động bảo hộ sản xuất nội địa tốt hơn do các hàng hóa này chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu. 

- Mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB: Hiện nay, ở Việt Nam có khá nhiều mặt hàng là tiêu dùng cao cấp nhưng chưa bị đánh thuế TTĐB như: mỹ phẩm cao cấp, vàng bạc, đá quý, dịch vụ thẩm mỹ viện... Do vậy, cần có sự nghiên cứu để đưa dần các hàng hóa, dịch vụ này vào diện chịu thuế TTĐB, bởi đây là những loại hàng hóa, dịch vụ cao cấp mà thành phần sử dụng đa số là những người có thu nhập cao trong xã hội. Việc mở rộng diện chịu thuế  TTĐB với những hàng hóa dịch vụ này sẽ góp phần điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng, mở rộng thêm được nguồn thu, góp phần tăng tỷ trọng thu thuế TTĐB trong tổng thu NSNN.

Điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng phát triển bền vững ở Việt Nam - Ảnh 4

- Bổ sung một vài mặt hàng vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Thời gian tới nên nghiên cứu để đưa mặt hàng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Hiện nay, ở Việt Nam, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu được sử dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp. Nếu sử dụng không đúng quy định sẽ gây đột biến gien, dị dạng, ung thư đối với con người, gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Việc đánh thuế bảo vệ môi trường đối với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu sẽ góp phần tác động đến người sử dụng các hàng hóa này, giúp hạn chế sử dụng, và qua đó động viên số thu NSNN để sử dụng cho mục đích bảo vệ môi trường.

- Thu hẹp diện miễn thuế nhập khẩu: Đối với những trường hợp có rủi ro gian lận cao thì không nên miễn thuế nhập khẩu. Nên nghiên cứu bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho giáo dục; hàng hóa nhập khẩu để phục vụ bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh vì trên thực tế các trường hợp này rất khó kiểm soát mục đích sử dụng thực tế ngay ở khâu nhập khẩu, có thể bị người nộp thuế lợi dụng để gian lận thuế. Thay vì quy định miễn thuế nhập khẩu đối với các trường hợp này, Nhà nước có thể thực hiện chi ngân sách hỗ trợ các hoạt động này.

- Đối với thuế TNDN: Để mở rộng cơ sở thuế TNDN cần hoàn thiện chính sách như sau:

Hiện nay, ở Việt Nam có khá nhiều mặt hàng là tiêu dùng cao cấp nhưng chưa bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như mỹ phẩm cao cấp, vàng bạc, đá quý, dịch vụ thẩm mỹ viện... Do vậy, cần có nghiên cứu để đưa dần các hàng hóa, dịch vụ này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi đây là những loại hàng hóa, dịch vụ cao cấp mà thành phần sử dụng đa số là những người có thu nhập cao trong xã hội.

+ Giảm bớt đối tượng được hưởng ưu đãi thuế theo thời hạn: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc áp dụng hình thức ưu đãi này có khá nhiều hạn chế và có thể là động cơ gây ra các hiện tượng chuyển giá nhằm trốn thuế. Vì vậy, các nước thường có xu hướng thay thế dần bằng việc áp dụng các hình thức ưu đãi chi phí. Việc áp dụng hình thức miễn giảm thuế có kỳ hạn chỉ được áp dụng trong lĩnh vực sản xuất vật chất thay vì kinh doanh thương mại và phải kết hợp với quy định về chuyển lỗ phù hợp mới có thể phát huy được tác dụng mong muốn. Thay vì miễn giảm thuế có kỳ hạn, có thể sử dụng các ưu đãi thuế cho đầu tư thông qua việc áp dụng một số biện pháp như: chiết khấu đầu tư, khấu trừ thuế đầu tư, kết hợp với quy định về chuyển lỗ. Vì vậy, trong tương lai, có thể thay thế việc miễn giảm thuế có thời hạn bằng hình thức khấu trừ thuế đầu tư - cho phép khấu trừ một tỷ lệ % nhất định trên tổng giá trị tài sản mới đầu tư trực tiếp vào số thuế TNDN phải nộp trong năm tính thuế. Hình thức ưu đãi này có tác dụng tương tự như việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp một phần vốn cho DN, tương ứng với khả năng tạo vốn và tạo thu nhập trên cơ sở kinh doanh có lãi và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước

+ Hạn chế ưu đãi thông qua quy định về khấu hao nhanh tài sản cố định: Đối với khấu hao nhanh, cần có quy định nhóm tài sản có tính chất đặc thù được tính khấu hao nhanh thay vì áp dụng chung cho các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ" có hiệu quả kinh tế cao" như hiện nay.

+ Rà soát giảm bớt các nhóm thu nhập được miễn thuế cho các đối tượng chính sách, hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội vào chính sách ưu thuế TNDN.

- Đối với thuế TNCN: Nhằm góp phần mở rộng cơ sở thuế TNCN cần hoàn thiện chính sách như sau:

+ Một số khoản phụ cấp, trợ cấp có bản chất là tiền công nói chung, không phải là khoản thu nhập mang tính chất bù đắp chi phí cần được soát xét và loại bỏ ra khỏi danh mục những khoản phụ cấp, trợ cấp không chịu thuế.

 + Thu hẹp đối tượng được giảm trừ gia cảnh, chỉ nên giới hạn là con, bố mẹ, anh chị em ruột không nơi nương tựa. Nên hạn chế quy định đối tượng là người phụ thuộc là cô dì, chú bác, các cá nhân khác để đơn giản trong kê khai, nộp thuế, thuận tiện cho công tác quản lý và tránh việc bị người nộp thuế lợi dụng.

- Đối với thuế đánh vào tài sản: Nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách thuế đánh vào tài sản hiện có như thuế đánh vào đất, vào tài nguyên để khai thác, động viên hợp lý đối với những người nắm giữ tài sản có giá trị lớn.

Mặc dù, cơ cấu thu ngân sách nhà nước của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, thích ứng với bối cảnh kinh tế - xã hội trong các năm gần đây, tuy nhiên nhìn chung cơ cấu thu NSNN của Việt Nam chưa thực sự hợp lý, thiếu bền vững. Trong thời gian tới cần điều chỉnh cơ cấu thu NSNN theo hướng mở rộng cơ sở thu NSNN để góp phần tạo số thu bền vững, tăng cường quản lý, hạn chế tình trạng gian lận, chống thất thu hiệu quả.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai khai hoạch cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công;

2. Trương Bá Tuấn, 2017, Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và định hướng cải cách, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;

3. Jane G. Gravelle, Thomas L. Hungerford, (2012), The Challenge of Individual Income Tax Reform: An Economic Analysis of Tax Base Broadening, Congressional Research Service, USA;

4. Gangadha Prasad Shukla, Phạm Minh Đức, Michael Engelschalk, Lê Minh Tuấn,(2011), Cải cách thuế ở Việt Nam: hướng tới một hệ thống hiệu quả và công bằng hơn, Ngân hàng Thế giới;

5. Rechard M. Bird and Milka Casanegra de Jantscher (1992), Improving Tax Administration In Developing Countries, International Monetary Fund.