Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh điều tiết thu nhập công bằng giữa các tầng lớp dân cư

PV.

Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Có khá nhiều quan điểm khác nhau về đề xuất này của Bộ Tài chính. Để xem xét đề xuất này có hợp lý không, cần hiểu sâu sắc ý nghĩa của giảm trừ gia cảnh.

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh điều tiết thu nhập công bằng giữa các tầng lớp dân cư.
Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh điều tiết thu nhập công bằng giữa các tầng lớp dân cư.

Giảm trừ gia cảnh là số tiền trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân khi xác định thu nhập tính thuế dựa trên hoàn cảnh gia đình của người nộp thuế. Theo thông lệ các nước, giảm trừ gia cảnh thường được áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công hoặc/và thu nhập từ kinh doanh của cá nhân cư trú.

PGS., TS. Lê Xuân Trường.
PGS., TS. Lê Xuân Trường.

Quy định giảm trừ xuất phát từ quan điểm đánh thuế thu nhập cá nhân phải đảm bảo sau khi nộp thuế, người nộp thuế có thu nhập để trang trải cuộc sống ở mức trung bình của xã hội. Điều này có nghĩa là, xác định mức giảm trừ sao cho sau khi nộp thuế cho nhà nước thì người nộp thuế đảm bảo cuộc sống ở mức trung bình xã hội. Từ đó, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của dân cư và đảm bảo đời sống cho người nộp thuế.

Tức là, phần thu nhập còn lại để đảm bảo cuộc sống của người nộp thuế là phần giảm trừ gia cảnh cộng với phần thu nhập còn lại sau khi nộp thuế của phần vượt trên mức giảm trừ gia cảnh. Ví dụ: Một người độc thân, có mức thu nhập một tháng là 16 triệu đồng.

Sau khi giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng thì thu nhập tính thuế là 5 triệu đồng. Với mức thu nhập này, số thuế thu nhập cá nhân người này phải nộp là 250.000 đồng. Như vậy, thu nhập sau khi nộp thuế của cá nhân này là 15.750.000 đồng. Vì thế, nếu nói rằng mức giảm trừ gia cảnh như đề xuất của Bộ Tài chính “chưa đủ sống làm sao nộp thuế được” là chưa hiểu đúng bản chất của giảm trừ gia cảnh.

Hầu hết các quốc gia đều xác định mức giảm trừ bản thân người nộp thuế ở mức tương đương từ 0,6 đến 1,5 lần thu nhập bình quân đầu người; nếu tính thêm giảm trừ cho người phụ thuộc thì mức giảm trừ gia cảnh thường tương đương khoảng từ 1 đến 2 lần thu nhập bình quân đầu người.

Ở Thái Lan, mức giảm trừ bản thân người nộp thuế bằng khoảng 0,6 lần thu nhập bình quân đầu người, mức giảm trừ gia cảnh bằng 1,66 lần thu nhập bình quân đầu người. Ở Indonesia, giảm trừ bản thân người nộp thuế bằng khoảng 0,53 lần thu nhập bình quân đầu người, mức giảm trừ gia cảnh tương đương 1,88 lần thu nhập bình quân đầu người. Ở Malaysia, giảm trừ bản thân người nộp thuế bằng khoảng 0,3 lần thu nhập bình quân đầu người, mức giảm trừ gia cảnh tương đương 0,66 lần thu nhập bình quân đầu người.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính thì mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế của Việt Nam tương đương khoảng 2,1 lần thu nhập bình quân đầu người năm 2019, tức là khá cao khi so sánh với mức giảm trừ gia cảnh của một số nước trong khu vực.

Xét từ bản chất của giảm trừ gia cảnh và điều kiện thực tế của Việt Nam, đối chiếu với thông lệ quốc tế cho thấy, đề xuất của Bộ Tài chính là phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập. Theo đó, người có thu nhập từ mức trên trung bình trở lên phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thu nhập cao phải nộp thuế nhiều hơn.