Điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt


Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, quyết liệt hơn nữa trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, sâu sát thực tiễn, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách.

Điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt.
Điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt.

Theo đó, tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 là nỗ lực phấn đấu cao nhất, thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2020, năm cuối của nhiệm kỳ, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Nghị quyết nêu rõ, nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2019 còn rất nặng nề, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó lưu ý không được chủ quan, phải thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình trong nước và thế giới để kịp thời có đối sách hiệu quả, phù hợp, không để bị động, bất ngờ.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục coi đây là nhiệm trọng tâm, ưu tiên hàng đầu.

Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chồng chéo, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất phục vụ người dân, doanh nghiệp và thu hút các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách, bắt kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để kịp thời ứng phó, đồng thời tạo thêm dư địa cho điều hành, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những tác động bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành khung khổ thử nghiệm chính sách mới cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo các Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch phát triển các ngành để tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí và không hiệu quả. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2020 của bộ, ngành mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát các biến động của thị trường trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; điều hành tỷ giá phù hợp. Tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; triển khai sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giám sát, cảnh báo, ngăn ngừa các rủi ro về hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng. Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử.