Doanh nghiệp nào sử dụng tốt hỗ trợ của Nhà nước sẽ trụ vững và phát triển bền vững

PV.

GS.,TS. Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tham gia chương trình đối thoại trực tuyến“Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời
Bộ trưởng Vương Đình Huệ trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời

Tại buổi trực tuyến, hàng trăm độc giả gửi ý kiến thắc mắc đã được Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời đầy đủ, xác đáng, trong đó nội dung đang được người dân quan tâm nhất hiện nay là các giải pháp của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường. Tài chính & Đầu tư trân trọng giới thiệu những nội dung quan trọng trong chương trình trực tuyến nói trên. Tít bài do Toà soạn đặt.

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ – CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đã nhận được những phản ứng rất tích cực không chỉ của DN mà cả người dân. Xin Bộ trưởng có thể nói rõ hơn gói giải pháp này sẽ hỗ trợ, tác động như thế nào tới DN nói riêng và nền kinh tế nói chung?

Tình hình kinh tế - xã hội trong quý I và tháng 4/2012 có nhiều chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, do chúng ta điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ, nên hoạt động của DN còn gặp khó khăn về đầu vào, đầu ra cũng như tiếp cận, huy động và sử dụng vốn. Vì vậy trong Nghị quyết 13/NQ - CP của Chính phủ, các giải pháp về tiền tệ và tài chính, đặc biệt là các giải pháp về tài chính đều tập trung tháo gỡ, hỗ trợ cho DN ở cả 3 khâu: chi phí đầu vào, bán hàng (đầu ra) và tiếp cận vốn.

Đối với đầu ra của DN: Chính phủ xác định phải tăng được tổng cầu giúp DN bán được hàng, giảm tồn kho, nhất là với mặt hàng có lượng tồn kho cao, như: xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng. Để gần được mục tiêu đó, Chính phủ chú trọng nhóm giải pháp liên quan đến đẩy mạnh chi tiêu công.

Cụ thể là trong  quý này và quý sau, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh phân bổ, giao vốn giải ngân cho các dự án đầu tư công từ NSNN, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ nhanh chóng, kịp thời và đúng địa chỉ sao cho tốc độ giải ngân của kỳ này tăng vượt trội so với quý I. Bộ Tài chính đang tập trung chỉ đạo Kho bạc Nhà nước có thể giải ngân nhanh nhất, kể cả ứng trước vốn theo quy định để đẩy nhanh tiến độ, tạo thị trường tiêu thụ hàng hóa cho DN. Chính phủ cũng cho phép thực hiện các biện pháp bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng đầu tư từ vốn vay ưu đãi kiên cố hóa kênh mương, hạ tầng giao thông nông thôn, hạ tầng thủy sản, trạm bơm lớn cho cánh đồng mẫu lớn ở miền Nam; Cho phép mua sắm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đối với các khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng được chuyển sang năm 2012 để giải ngân (số tiền này ước tính gần 1.700 tỷ đồng) - đây là những giải pháp nhằm tăng tổng cầu bằng đẩy mạnh chi tiêu công làm cho tính thanh khoản được nâng lên. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch trong và ngoài nước để mở rộng thị trường cho DN. Về chi phí đầu vào: Mục tiêu giúp DN giảm chi phí tài chính, chi phí hoạt động bằng các giải pháp giãn, gia hạn nộp thuế tiền sử dụng đất, gia hạn nộp đối với thuế TNDN từ 2011 trở về trước, cải cách thủ tục hành chính về thuế được đẩy nhanh hơn giúp DN giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, hải quan. Đáng chú ý, trong năm nay, các bộ đề xuất và Chính phủ đồng ý lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ 7 tháng, tạo điều kiện cho DN và người dân tiết giảm chi phí (ước tính chi từ 3000-3300 tỷ đồng). Gói giải pháp đã hỗ trợ DN trên tất cả những khâu đang gặp khó khăn nhất và không chỉ tập trung cho DN sản xuất mà còn chú trọng đến cả đối tượng DN hoạt động trong lĩnh vực phân phối và lưu thông.

Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã có những giải pháp nào để các chính sách này đến được với đúng đối tượng một cách nhanh chóng, kịp thời, phát huy hiệu quả trong thời gian ngắn nhất?

Ngay khi Nghị quyết 13/NQ - CP được Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng soạn thảo Thông tư và văn bản hướng dẫn để ngay sau khi ban hành, tổ chức tập huấn cho các cơ quan, cán bộ thuế ở địa phương để triển khai với tinh thần nhanh chóng, đúng đối tượng và kịp thời nhất. Bộ Tài chính sẽ đăng tải rộng rãi Thông tư này để giúp DN xem mình thuộc đối tượng nào, hưởng cái gì và giúp ngành Tài chính có thể kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện biện pháp này theo quy định của Chính phủ. Tôi cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh này tất cả những hành vi thiếu trách nhiệm, gây khó khăn cho DN, kể cả những hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức của Ngành sẽ bị xử lý rất nghiêm minh.

Điểm nổi bật của gói hỗ trợ này được các chuyên gia kinh tế và DN đánh giá rất cao là sự phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Bộ trưởng có sự nhận xét, đánh giá gì về sự kết hợp này?

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã đạt được sự đồng thuận cao, đó là trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết chính sách tài chính và chính sách tiền tệ (CSTT) phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Về CSTT, trong Nghị quyết 13/NQ - CP đề cập tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất, cơ cấu lại nợ cho DN để họ tiếp cận được vốn. Ở thời điểm này, khi mặt bằng lãi suất giảm nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn, thì đây là thời điểm chính sách tài khoá cần hỗ trợ nhiều hơn cho CSTT và chia sẻ với CSTT. Trong thời gian tới trên cơ sở Quy chế phối hợp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa để chính sách tài khoá và CSTT phát huy được hết sức mạnh của mình. Hai ngành sẽ tiếp tục phối hợp trong huy động vốn trên thị trường tín phiếu ngân hàng và trái phiếu Chính phủ, trong phát triển bền vững TTCK, chia sẻ với thị trường tín dụng, làm cho DN không chỉ trông chờ vào kênh tín dụng, khắc phục được tình trạng dùng vốn ngắn hạn tài trợ cho mục tiêu trung và dài hạn như hiện nay.

Xin Bộ trưởng cho biết, việc triển khai tích cực nhóm giải pháp hỗ trợ DN ảnh hưởng đến ngân sách như thế nào và liệu mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra về ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát dưới 2 con số liệu có đạt được?

Một trong những nguyên tắc hỗ trợ DN lần này là đặt trong bối cảnh kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Gói hỗ trợ đưa ra trên cơ sở tổng kết các nghiên cứu kỹ lưỡng và độc lập của Bộ KHĐT, VCCI và Bộ Tài chính. Với Bộ Tài chính, chúng tôi đã thành lập tổ đặc nhiệm nghiên cứu các chỉ số kinh tế vĩ mô, đặc biệt phân tích số liệu quản lý của thuế và hải quan để xem lĩnh vực nào, DN gì gặp khó khăn, để tính toán với nguyên tắc gói hỗ trợ được dùng đúng liều lượng, đúng đối tượng cần tháo gỡ. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã tính toán đến những tác động của gói hỗ trợ đến NSNN để lựa chọn chọn giải pháp nào tác động nhiều đến lợi ích DN nhưng tác động tối thiểu nhất đối với thu NSNN. Khi sử dụng gói giải pháp này, ước số tiền trực tiếp tác động đến giảm thu ngân sách năm 2012 khoảng 9.1000 tỷ đồng. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chống thất thu, chống chuyển giá, chống gian lận thương mại bù đắp vào khoản hụt thu này. Tuy nhiên, gói giải pháp này chính là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu cho DN, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn để trong quý III và IV, ngân sách sẽ thu được nhiều hơn, bù đắp nguồn hụt thu. Tôi cho rằng, với những giải pháp quyết liệt trên thì thu ngân sách năm 2012 vẫn đảm bảo chỉ tiêu đặt ra. Với  sự cố gắng của chính sách tài khóa và phối hợp CSTT, chúng ta vẫn đảm bảo hướng vào mục tiêu chính của kinh tế vĩ mô. Do vậy, đây không phải là vấn đề điều chỉnh chính sách mà gói  giải pháp là phản ứng tích cực và kịp thời của Chính phủ phù hợp với liều lượng và mục tiêu kép: đảm bảo  kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo tăng trưởng.

Thưa Bộ trưởng, liệu giải pháp đã đề ra đầy đủ hay chưa? Trong thời gian tới có bổ sung thêm giải pháp nào nữa không?

Liều lượng giải pháp đưa ra tùy thuộc vào tình hình khó khăn của DN, hiện nay giải pháp đưa ra là phù hợp. Nếu DN tiếp tục phát sinh khó khăn mới, trên cơ sở cập nhật tình hình, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ những giải pháp bổ sung, những trường hợp nào thuộc thẩm quyền của  Chính phủ thì Chính phủ tự quyết, giải pháp nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tùy thuộc vào tình hình diễn biến của thực hiện gói giải pháp này và giải pháp điều hành kinh tế của chúng ta trong thời gian vừa qua.

Thưa Bộ trưởng, những DN nào thuộc đối tượng được thụ hưởng lợi ích nhiều nhất từ gói giải pháp mang tính tổng thể này?

Bất cứ DN nào hiện nay đang hoạt động, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động đều được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này. Tôi cũng mong muốn chuyển tải đến DN một thông điệp đó là Đảng và Nhà nước luôn đứng cạnh DN, tạo mọi điều kiện cho DN phát triển để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đây là gói giải pháp hỗ trợ DN, hỗ trợ thị trường không phải gói kích cầu hay cứu trợ. Để tận dụng sự trợ giúp của Nhà nước, DN phải cơ cấu lại hoạt động, cơ cấu lại tổ chức và tài chính, tự mình biết cách vượt qua khó khăn. Trong giai đoạn hiện nay, nếu DN nào sử dụng tích cực nhất sự hỗ trợ tối đa của Nhà nước sẽ trụ vững và phát triển bền vững trong tương lai.

 

CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VƯỢT KHÓ

Lời Tòa soạn: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh hỗ trợ thị trường, nhiều ý kiến cho rằng đây là những “liều thuốc đúng lúc”, trước mắt sẽ tạo hiệu ứng rất tốt về mặt tâm lý, giúp cộng đồng doanh nghiệp tự tin vượt qua khó khăn. Nhân dịp này, Tài chính & Đầu tư trích ghi ý kiến của một số chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp về những quyết sách trên.

Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế:

Gỡ khó ngắn hạn, lưu tâm dài hạn

Sự kiện Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/QĐ-CP trong đó có nhóm giải pháp tài khóa hỗ trợ DN được đánh giá là “liều thuốc đúng lúc”, trước mắt sẽ tạo hiệu ứng rất tốt về mặt tâm lý, giúp cộng đồng DN tự tin vượt qua khó khăn. Vấn đề hiện nay là quá trình thực hiện phải đảm bảo công bằng, minh bạch để những đối tượng DN cần hỗ trợ nhất sẽ nhận được sự thụ hưởng…

Doanh nghiệp nào sử dụng tốt hỗ trợ của Nhà nước sẽ trụ vững và phát triển bền vững - Ảnh 1
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Có thể nói, các chính sách đưa ra lần này đã cải thiện niềm tin, tâm lý cho cộng đồng DN. Đồng thời, nhóm giải pháp giãn, giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế của ngành Tài chính cũng giúp các DN tin tưởng hơn vào quyết tâm hỗ trợ của Nhà nước trong trung và dài hạn để vượt qua khó khăn... Mặc dù vậy, các DN cũng rất chia sẻ bởi ngân sách nhà nước hiện nay đang hạn hẹp và không thể trông chờ Nhà nước tung ra gói kích cầu như năm 2009.

Về phía ngành Tài chính, để chính sách hỗ trợ DN phát huy hiệu quả cao nhất, cần làm rõ đối tượng được thụ hưởng; đồng thời minh bạch hóa quá trình thực hiện cũng như đưa ra chính sách. Theo tôi, trong quá trình thực hiện, nên mời sự tham gia giám sát của DN, của xã hội để tránh gây ra hiện tượng méo mó, giảm hiệu quả của sự hỗ trợ. Ngoài ra, có thể nói đây là giải pháp hỗ trợ tức thời, có hiệu quả ngắn hạn, còn về lâu dài, ngành Tài chính cần lưu tâm đến những giải pháp dài hạn…

Hiện nay, các ngành hàng nông sản của Việt Nam đang chứng tỏ được khả năng, vị thế của mình trên thị trường thế giới. Các DN trong nước hoàn toàn có thể cung ứng được, nhưng lâu nay trên thực tế đối tượng này lại ít được quan tâm hỗ trợ. Hay như một số ngành hàng xuất khẩu mà các DN đã có thị trường, đã làm ăn tương đối tốt giờ chỉ vì khó khăn nên họ phải thu hẹp sản xuất, ví như đồ gỗ, thủy sản rất cần được trợ giúp... Các cơ quan quản lý nên quan tâm giúp đỡ họ, không để họ làm mất thị trường. Bởi một khi điều này xảy ra, cái giá để giành lại thị trường vô cùng tốn kém. Mất cơ hội xuất khẩu không chỉ tổn hại đến DN mà còn ảnh hưởng đến hàng vạn nông dân sản xuất, nuôi trồng.

Việc hỗ trợ DN cũng phải đảm bảo mục tiêu, đó là hỗ trợ các DN khó khăn thật sự, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, DN chế biến nông lâm, thủy, hải sản; dệt may; da giày… Những giải pháp hỗ trợ này được gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và đặc biệt là tái cơ cấu DN. Như vậy, sẽ không có việc cứu DN không có khả năng phục hồi, mà phải là DN có năng lực cạnh tranh đang gặp khó khăn tạm thời.

Để Nghị quyết 13/NQ- CP về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh hỗ trợ thị trường và nhóm giải pháp tài chính phát huy hiệu quả cao nhất, Chính phủ và các bộ, ngành cũng nên tiếp tục rà soát cắt giảm thêm chi tiêu, chi phí hành chính công và trước mắt đừng “đẻ thêm” các ngành để tăng thêm chi phí mới trên đầu người dân và DN…

TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Sự trợ giúp hữu ích với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Có thể khẳng định, Nghị quyết 13/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là nhóm giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp (DN) là những sự trợ giúp đúng lúc và rất đáng quý. Với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đã phải gồng mình chống chọi với tác động của khủng hoảng và suy giảm suốt 4 năm qua, đây là một điểm tựa để vượt qua khó khăn.

Với nhóm giải pháp của ngành Tài chính, việc giãn thuế thu nhập DN có tác động tích cực, giúp DN nâng cao tiềm lực tài chính. Trong lúc dòng tiền của nhiều DN bị co hẹp khiến DN lâm vào tình cảnh rất bí vốn, thì việc được giãn thuế trước mắt sẽ giúp DN có thêm nguồn để trang trải những chi phí, đầu tư cho sản xuất, từng bước trở lại quỹ đạo ổn định. Đây là yếu tố tức thời để các DN vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp nào sử dụng tốt hỗ trợ của Nhà nước sẽ trụ vững và phát triển bền vững - Ảnh 2
TS. Cao Sỹ Kiêm

Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp tài khóa đang trở thành trọng tâm trong hỗ trợ DN, vẫn rất cần sự phối hợp đồng bộ của các giải pháp khác. Trong số đó, giải pháp về tiền tệ là cực kỳ quan trọng. Cần làm đầu tiên là hạ lãi suất và đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục vay sao cho DN dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay của các ngân hàng. Thứ hai, phải tạo cho sức mua tăng, giúp chi phí DN giảm. Để làm được điều này, Nhà nước cần có các định hướng lớn về tiêu dùng, tăng lương, phụ cấp cho một số đối tượng xã hội để đẩy sức mua. Trong khi đó, cần giảm các khoản phí, khoản thu đánh vào sản xuất kinh doanh chưa thực sự cần thiết hoặc chồng chéo lên nhau. Thứ ba, cần khai mở thêm thị trường, tạo thu nhập ổn định cho người dân, hoặc tăng thêm thông qua an sinh xã hội, phụ cấp, ưu đãi nông thôn. Nếu làm được như vậy, đầu ra của DN cũng sẽ được khơi thông, cùng với thuế, lãi suất, tạo nên sự hỗ trợ đồng bộ, hoàn chỉnh trong các giải pháp cứu DN.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, có 2 việc cần quan tâm làm ngay. Một là, miễn giảm thuế phải nhanh và triệt để. Hai là, cần hỗ trợ cho hiệu quả cho các DN ngành nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, cần có giải pháp tài chính giúp DN giải quyết hàng tồn kho, xoay vòng vốn nhanh hơn nhằm thoát ra khỏi khó khăn, tăng việc làm cho người lao động…

PGS.,TS. Nguyễn Thị Mùi – Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng:

Hỗ trợ phải đi liền với kiểm tra, giám sát

Khi kinh tế suy giảm, sản xuất kinh doanh của DN đình trệ, thì giải pháp hỗ trợ DN đầu tiên thường sử dụng là giảm, giãn, thậm chí miễn thuế. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ- CP về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh hỗ trợ thị trường và ngành Tài chính đề xuất nhóm giải pháp tài khóa hỗ trợ DN là một quyết sách đúng đắn.

Các giải pháp này chắc chắn tạo ấn tượng mạnh đối với các DN được hưởng, bởi gia hạn nộp thuế cũng đồng nghĩa với việc DN được vay một khoản tiền từ ngân sách mà không phải trả lãi và giảm được chi phí đầu vào, giảm áp lực vay vốn ngân hàng, từ đó nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh. Theo Nghị quyết 13/NQ-CP, Chính phủ sẽ bổ sung thêm vốn cho vay để kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản và làng nghề… sẽ giúp DN sản xuất thép, xi măng, vật liệu xây dựng tiêu thụ hàng hóa tồn kho, vừa tạo việc làm cho người lao động, sản xuất được khôi phục.

Doanh nghiệp nào sử dụng tốt hỗ trợ của Nhà nước sẽ trụ vững và phát triển bền vững - Ảnh 3

PGS.,TS.Nguyễn Thi Mùi

Nghị quyết 13/NQ-CP cũng sẽ có tác động rất mạnh tới DN và thị trường bất động sản. Chỉ với giải pháp gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính và giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 theo Quyết định 2093/QĐ-TTg, các DN bất động sản đã giảm áp lực phải vay vốn của các ngân hàng thương mại. Đây là khoản vốn không nhỏ DN có điều kiện giúp tiếp tục đầu tư để đảm bảo tiến độ công trình.

Nhìn chung gói giải pháp tài chính đã hướng đến nhiều đối tượng DN thụ hưởng ở các lĩnh vực từ sản xuất đến dịch vụ, thương mại. Điều này không chỉ có ý nghĩa kinh tế là sản xuất kinh doanh dần được khôi phục và phát triển, mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội rất lớn, góp phần an dân, tạo niềm tin cho DN vào các chính sách và sự chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn có ý kiến lo ngại về tính hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ. Bởi nếu thiếu sự kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện rất dễ dẫn đến tình trạng DN cần phải giải cứu gấp lại chậm được xem xét, còn DN chưa cần sự hỗ trợ lại được hỗ trợ, cũng như tình trạng sử dụng gói hỗ trợ thiếu hiệu quả, rất dễ để lại hậu quả lạm phát sẽ tăng cao sau này. Hiện nay do hàng tồn kho của nhiều DN rất cao, cầu giảm mạnh, hàng không bán được, trong khi nhiều DN đang có nợ xấu, nợ quá hạn tại ngân hàng, vì thế các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất 15%/năm (theo qui định của Ngân hàng Nhà nước), các DN cũng không vay được (do đã có nợ quá hạn) hoặc không dám vay (do hàng tồn kho không bán được). Như vậy, “điểm nghẽn” lớn nhất của DN hiện này là giúp họ giải quyết hàng tồn kho và giảm dư nợ vay các ngân hàng thương mại với lãi suất cao. Vì thế, tiếp theo gói giải pháp được Bộ Tài chính đề xuất có ý nghĩa trước mắt và tức thời, thì rất cần có gói giải pháp đồng bộ hơn và dài hạn hơn. Theo đó, cần giúp DN nhanh chóng giảm dư nợ với lãi suất vay cao tại các ngân hàng thương mại, phát triển các hạ tầng cứng (hệ thống giao thông, bến cảng), hạ tầng mền (quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn từ ngân sách; chống tham nhũng; thủ tục hành chính, chế độ tài chính DN…), để DN giảm mạnh chi phí đầu vào, nâng cao năng lực tài chính, quản trị nội bộ để có thể vượt qua những khó khăn hiện nay.

Một vấn đề quan trọng nữa để các giải pháp nói trên phát huy hiệu quả, đó là sự nỗ lực của cộng đồng DN. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, mỗi DN phải có chiến lược sản xuất kinh doanh đúng đắn, tận dụng tốt ưu đãi của các chính sách mới có khả năng tồn tại, phát triển.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Hòa:

“Liều thuốc” giúp doanh nghiệp “cải tử hoàn sinh”

Gói cứu trợ DN được Bộ Tài chính đề xuất mới đây thực sự đã khiến nhiều DN thở phào nhẹ nhõm trong bối cảnh hiện nay. Đây thực sự là “liều thuốc tăng lực” và “cải tử hoàn sinh” cho nhiều DN sau một giai đoạn dài điêu đứng trong hoạt động sản xuất kinh doanh do phải hứng chịu không ít tác động xấu của khủng hoảng và suy thoái kinh tế.

DN khó khăn chủ yếu là DN nhỏ và vừa, DN gia công, dệt may, nông - lâm thủy sản, xây dựng, bất động sản, xi măng, sắt thép. Vì vậy, gói hỗ trợ DN tập trung về thuế: Giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2012 đối với các DN nhỏ và vừa (trừ kinh doanh tài chính, bảo hiểm, xổ số…), Giảm 50% tiền thuê đất của DN thương mại và dịch vụ (trước đã giảm 50% tiền thuê đất đối với DN sản xuất, nay mở rộng ra tất cả các DN)…

 Doanh nghiệp nào sử dụng tốt hỗ trợ của Nhà nước sẽ trụ vững và phát triển bền vững - Ảnh 4

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Hòa

Kế hoạch “tổng động viên” bằng giảm thuế, gia hạn nộp thuế và cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí là tín hiệu tốt lành nhất, thiết thực nhất cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Điều này có thể bù đắp lại cho nỗi lo phải tăng lương cho người lao động và sự tăng giá của nhiều nguyên liệu đầu vào. Thay vì động viên vào ngân sách nhà nước, một phần nguồn lực tài chính được để lại DN để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh các DN vẫn đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thì việc triển khai gói hỗ trợ sẽ góp phần giảm sức ép gia tăng chi phí tài chính trong hoạt động của DN. Ý nghĩa của gói hỗ trợ này quan trọng hơn là thể hiện định hướng điều hành Nhà nước sẵn sàng chia sẻ khó khăn với DN, để phát triển bền vững, qua đó nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách hiệu quả hơn trong dài hạn.

Tuy nhiên, gói hỗ trợ sẽ khó có sức lan tỏa đến toàn bộ DN, bởi nhiều DN kinh doanh thua lỗ, nên đương nhiên không phải nộp thuế thu nhập DN; hay tỷ lệ hàng tồn kho quá cao, nên không phát sinh doanh thu, khiến DN không được hoàn thuế VAT... Trước thực tế này, để hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tài chính, chính sách tiền tệ cần được triển khai quyết liệt hơn nhằm giảm lãi suất thực sự. Hiện lãi suất giảm chưa đáng kể, trong khi điều kiện để DN tiếp cận được vốn ngân hàng vẫn rất khó khăn, nên các DN chưa thụ hưởng được nhiều lợi ích của chính sách giảm lãi suất. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét triển khai giải pháp khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho DN, bởi do hoạt động khó khăn, nên khá nhiều DN chưa thanh toán được nợ cũ. Đây là lý do chính khiến các DN đang rất khó vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý.