Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước góp phần ổn định vĩ mô, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước

Theo Tạp chí Chứng khoán

Thời gian qua, dư luận xã hội vẫn đang băn khoăn về việc nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có hiệu quả hoạt động chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thậm chí một số doanh nghiệp hoạt động yếu kém, thua lỗ, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhằm đánh giá toàn diện, sát thực hơn về vị trí, vai trò của DNNN, giữ vững và phát huy mặt tích cực, khắc phục hạn chế, yếu kém, tiếp tục khẳng định đây là lực lượng quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt các vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội…, ngày 21/11/2018, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty (TCT) nhà nước”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Đánh giá công tác đổi mới, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả DNNN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ tái khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của DNNN là hết sức cần thiết cho nền kinh tế để điều tiết nền kinh tế, không chỉ ở Việt Nam mà cả các quốc gia khác. DNNN hoạt động chủ yếu ở những lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân không làm được, hoặc dẫn dắt, khai phá những lĩnh vực quan trọng, định hướng nền kinh tế. Với vai trò quan trọng đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về tiêu chí phân loại DNNN. Theo Thủ tướng, doanh nghiệp nào nên để 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp nào nên để 75% trở lên, doanh nghiệp nào 51%, doanh nghiệp nào không cần giữ lại, ví dụ Nhà nước nắm chi phối 4 ngân hàng lớn để điều tiết chính sách tiền tệ, các doanh nghiệp hoạt động thuộc lĩnh vực cảng, sân bay, điện lực, quốc phòng, an ninh, viễn thông, cao su, dầu khí. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm, chúng ta phát triển DNNN theo nguyên tắc thị trường, không mệnh lệnh hành chính, không hành chính hóa, trừ một số việc Nhà nước phải chỉ đạo, kiên quyết điều hành theo nguyên tắc này. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ghi nhận: công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN trong thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật ở 2 điểm: Góp phần ổn định vĩ mô, tạo nguồn thu NSNN và giảm số lượng DNNN.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình hoạt động của các DNNN, cho đến nay DNNN là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội. Các tập đoàn, TCT thực hiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp theo phương án đã được phê duyệt; theo báo cáo kết quả chuyển nhượng vốn của DNNN đầu tư ra ngoài đều có lãi; tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc đầu tư vốn chỉ tập trung vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà nước duy trì doanh nghiệp làm chủ sở hữu không còn hiện tượng đầu tư vốn dàn trải.

Đối với cổ phần hóa (CPH), Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định CPH là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Giai đoạn 2016 đến nay, cơ chế, chính sách về CPH DNNN đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Kết quả công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK), đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH, hầu hết các DNNN sau CPH đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách, pháp luật về CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN kịp thời theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Chứng khoán, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Đất đai… Chính phủ đã ban hành 13 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định và 1 công văn chỉ đạo từ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, trình tự CPH, thoái vốn, phương pháp định giá, cơ chế đấu giá bán ra thị trường, chế độ, chính sách đối với người lao động…, trong đó cơ chế về CPH DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng, đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, theo thị trường và công khai, minh bạch.

Kết quả là, năm 2017 đã CPH 69 doanh nghiệp, với tổng giá trị là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng. Trong 11 tháng đầu năm 2018 đã CPH 12 doanh nghiêp với tổng giá trị của 11 doanh nghiệp là 29.747 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.413 tỷ đồng.

Về thoái vốn, các DNNN đã thoái được 9.046 tỷ đồng trong năm 2017, thu về 138.327 tỷ đồng (gồm khoản thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Vinamilk). Trong 11 tháng đầu năm 2018, thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng.

Về hiệu quả hoạt động, năm 2017, tổng tài sản của 562 DNNN là 3.001.117 tỷ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu là 1.326.699 tỷ đồng. Tổng doanh thu đạt 1.598.742 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 167.039 tỷ đồng. Tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp là 219.468 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ Tài chính cũng đã chỉ ra rằng, quá trình đổi mới DNNN thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế như việc xây dựng chiến lược, kế hoạch còn thiếu tính dự báo, thiếu sự liên kết. Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Trách nhiệm của người quản lý DNNN chưa rõ ràng… Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần được làm rõ, công khai Bộ, ngành đang chậm kế hoạch, chậm đăng ký giao dịch, niêm yết… Bên cạnh đó, cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Về tiến độ CPH, giai đoạn 2017 - 2020 mới CPH được 27/127 doanh nghiệp, chỉ đạt 21%. Còn theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 doanh nghiệp (có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017), nhưng đến ngày 18/11/2018 mới CPH được 12 doanh nghiệp. Như vậy, tiến độ triển khai CPH trong năm 2018 có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về kế hoạch thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, nhưng lũy kế đến nay chỉ có 31 đơn vị thực hiện. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước rất khó đạt kế hoạch đề ra.

Về tình hình chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước về TCT Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, danh mục doanh nghiệp thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC giai đoạn 2017 - 2020 là 62 doanh nghiệp, với tổng giá trị khoảng 11.000 tỷ đồng thực hiện thoái vốn. Song tính đến hết tháng 11/2018, các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh mới hoàn thành chuyển giao về SCIC 27/62 doanh nghiệp; 35 doanh nghiệp chưa chuyển giao với tổng số vốn nhà nước 10.107 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ 14.706 tỷ đồng tại 5 Bộ và tỉnh thành.

Giải pháp đẩy mạnh công tác CPH, thoái vốn, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trong thời gian tới

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, công tác đổi mới, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả DNNN ngày càng thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Trên cơ sở Nghị quyết 12 của Trung ương, Nghị quyết 60 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Chương trình hành động để tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết này. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, TCT nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, một nội dung rất quan trọng là ban hành nghị định về tổ chức, hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về mặt thể chế chính sách, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã hoàn thiện cơ bản các thể chế chính sách, đặc biệt là ban hành được Nghị định 126/2017/NĐ-CP. Về kết quả hoạt động của DNNN, trong giai đoạn 2016 - 2018, chúng ta đã CPH được 145 DNNN, thoái vốn thu về trên 206.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều giai đoạn trước, hiệu quả được nâng lên. Đến cuối năm 2017, tổng tài sản DNNN tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 26%, nộp ngân sách 219.469 tỷ đồng, tăng 5%. 8 tháng đầu năm 2018, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách đều đạt trên 70% kế hoạch năm. Nhiều doanh nghiệp sau khi CPH, thoái vốn hoạt động hết sức hiệu quả như Vinamilk, VNPT, Vinatex…  Đã có 106 doanh nghiệp sau CPH niêm yết trên TTCK. Năm 2017, tổng doanh thu của các doanh nghiệp này đạt gần 650.000 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng 52%.

Tuy nhiên Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã chỉ ra rằng, dù đã sắp xếp lại số lượng lớn DNNN, nhưng tỷ trọng còn thấp. Số lượng doanh nghiệp giảm từ 12.000 xuống còn khoảng 600, chủ yếu là doanh nghiệp lớn, độc quyền và Nhà nước vẫn giữ khoảng 90% vốn điều lệ. Hiệu quả sản xuất của DNNN còn thấp so với nguồn lực nắm giữ. Năm 2016, nợ phải trả tăng 17%, 13 tập đoàn, TCT không có lãi, nhiều dự án thua lỗ kéo dài, điển hình như 12 dự án của ngành công thương. Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tập trung, xử lý, giải quyết sớm, từ những bất cập trong cơ chế, chính sách, định giá đất, xác định giá trị doanh nghiệp đến chọn nhà đầu tư, từ công tác cán bộ đến tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm…

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, để công tác đổi mới DNNN thành công thì yếu tố nhận thức của địa phương, bộ, ngành là rất quan trọng. Mặc dù chủ trương đã được Đảng, Nhà nước nhiều lần khẳng định, tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ khu vực DNNN, DNNN chỉ tập trung những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu, quốc phòng an ninh, tư nhân không làm được, đẩy mạnh thoái vốn ở cả những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Tuy nhiên, nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương còn khác nhau. Phó Thủ tướng chỉ ra rằng, cùng một loại hình doanh nghiệp, có những địa phương thực hiện thành công nhưng có những địa phương cho rằng cần giữ lại, Nhà nước cần giữ tỷ lệ chi phối.

Về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, quan trọng nhất là phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các ủy ban và bộ, ngành để hoạt động của doanh nghiệp được liên tục, hạn chế phát sinh xáo trộn trong doanh nghiệp, không phát sinh thêm tầng nấc hành chính trung gian, bỏ sót, chồng chéo… với mục đích cuối cùng là đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN thời gian tới.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, trong đó: (i) Các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp CPH theo đúng quy định; (ii) Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã CPH thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK theo quy định của pháp luật. Thực hiện quyết toán công tác CPH và xác định số phải nộp về quỹ (nếu có) đối với các doanh nghiệp CPH chưa quyết toán và hoàn thành trước ngày 31/12/2018, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.