Đồng bằng sông Cửu Long: Không để người dân thiếu nước sinh hoạt

Theo K.V/dangcongsan.vn

Để thực hiện tốt giải pháp khắc phục thiếu nước trong thời hạn lâu dài tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chuyên môn của Bộ cần phối hợp cùng các địa phương tại khu vực này khảo sát thực địa, xác định tình trạng sử dụng nước ngầm như thế nào để đưa ra giải pháp hiệu quả.

Hạn, mặn gay gắt khiến cánh đồng ở Tiền Giang không thể canh tác. (Ảnh: K.V)
Hạn, mặn gay gắt khiến cánh đồng ở Tiền Giang không thể canh tác. (Ảnh: K.V)

Nguyên nhân là do thực trạng khoan nước ngầm dùng trong sinh hoạt hiện nay chỉ là 8%, trong khi sử dụng cho sản xuất lên đến 92%, vì vậy trường hợp bất khả kháng mới đào khoan giếng, tránh sụp lún đồng bằng. Nơi nào xa trạm cấp nước có thể khoan giếng nhưng cấp nước tập trung cho nhiều hộ dân cùng sử dụng hoặc tính toán đầu tư xây bể chứa nước.

Theo các địa phương vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán, xâm nhập mặn đã làm mức độ ảnh hưởng, thiệt hại nặng nhất vào giai đoạn từ cuối năm 2019 đến cuối tháng 3/2020, với 96.000 hộ dân, tương đương 430.000 người thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, vùng nông thôn hiện có 20.600 hộ được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, chiếm 22%; 75.400 hộ tự cấp nước, chiếm khoảng 78%, tập trung tại 7 tỉnh là Bến Tre có 20.000 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ.

Nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt do các công trình cấp nước tập trung bị nước mặn xâm nhập sâu; nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm suy giảm. Toàn vùng có khoảng 167 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, làm sụt giảm công suất, thậm chí có những công trình ngưng hoạt động… Bên cạnh đó, các hộ dân sống rải rác ở các khu vực xa công trình cấp nước tập trung và nhiều cư dân vùng nông thôn ven biển thiếu dụng cụ trữ nước ngọt…

Việc đầu tư công trình cấp nước nông thôn cũng cần phải có lộ trình, thời gian đầu tư xây dựng, trong đó giải pháp nước sinh hoạt cần có chương trình đầu tư riêng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đến năm 2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giải quyết cơ bản về nước sinh hoạt, đến 2030 giải quyết xong an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất và thích nghi biến đổi khí hậu.

Được biết, mùa khô hạn, xâm nhập mặn 2019 - 2020 vừa qua được đánh giá khốc liệt nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều thập kỷ qua. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất của người dân diễn biến căng thẳng và nguy hại nhất từ trước đến nay. Chính vì vậy, các bộ, ngành chức năng và địa phương nhanh chóng tìm ra giải pháp đưa nguồn nước sạch đến người dân, đây là việc cần làm cấp bách hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long: Không để người dân thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 1
 Một hệ thống thống thủy lợi ở Kiên Giang. (Ảnh: K.V)

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 13 triệu người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Những năm qua với sự đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân đến nay đã có 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 55% nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó, khoảng 8 triệu người được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung và 5 triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình: giếng đào, lu, bể… chứa nước.

Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất thường đã ảnh hưởng đến công tác cấp nước sinh hoạt nông thôn khu vực nói trên. Trước tình hình diễn biến thời tiết cực đoan như hiện nay và chuẩn bị cho những năm tiếp theo, cần có đánh giá đầy đủ, toàn diện về hiện trạng tình hình cấp nước nông thôn gồm những khó khăn, tồn tại và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới một cách căn cơ, bền vững và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt.