Đồng chí Hoàng Anh: Tấm gương sáng cho các thế hệ sau

CDS

TCTC Online - Một thế kỷ, một đời người gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và sự phát triển của đất nước, đồng chí Hoàng Anh – người con ưu tú của quê hương xứ Huế, một nhà lãnh đạo tài năng và đức độ xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ sau...

Năm 2012 này, chúng ta lại mừng người con đất Việt, người chiến sỹ cách mạng lão thành tròn trăm tuổi, gắn trên mình 75 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao Vàng, cùng nhiều danh hiệu khác được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận. Đồng chí Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính - là bậc lão thành cách mạng hiếm có của đất nước còn sống đã trải qua bao biến thiên của lịch sử một thế kỷ.

Sinh năm 1912 trong một gia đình nông dân nghèo làng Phú Ninh (Phong An, Phong Điền) từng vất vả trong lao động, học tập, khó khăn sau những năm mò mẫm đi tìm bắt liên lạc với Đảng, đồng chí Hoàng Anh trở thành một cán bộ lãnh đạo tài năng, trí tuệ của tỉnh nhà và của đất nước qua các chặng đường lịch sử thử thách, vinh quang của dân tộc.

Ý thức cách mạng đã được hình thành và phát triển trong con người đồng chí Hoàng Anh ngay từ nhỏ. Trong cuốn Hồi ký “Quê hương và Cách mạng” đồng chí Hoàng Anh viết: “Ngay từ khi học cấp I, chúng tôi bắt đầu có khái niệm về chế độ chính trị trong một nước, về đảng phái chính trị của những người có quyền, có thế, của những người bị áp bức bóc lột, chúng tôi hiểu được ở Pháp cũng có những người nghèo khổ, nhưng người chống xâm lược và ủng hộ các nước thuộc địa đấu tranh để tự giải phóng. Chúng tôi ghét Đảng Thực dân Bảo thủ, không thích các Đảng xã hội, cấp tiến và rất thích Đảng cộng sản… Những từ ngữ “Đảng Cộng sản”, “Chống áp bức bóc lột, chống xâm lược”, “Đấu tranh để tự giải phóng”…bắt đầu in sâu vào tâm trí chúng tôi”. “Không có kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” - ý chí và niềm tin đó đã được đồng chí Hoàng Anh nuôi dưỡng, hun đúc, góp phần tạo sự bùng cháy dữ dội ngọn lửa cách mạng trong mỗi trái tim của người dân xứ Huế.

Ý trí cách mạng, lòng yêu nước đã thôi thúc đồng chí Hoàng Anh tìm cho mình con đường công hiến. “Phải làm gì để góp phần cứu nước, không thể sống mãi như kiếp trâu ngựa”, năm 1928 đồng chí đã bắt liên lạc với tổ chức Cách mạng ở Quảng Trị và chính thức tham gia cách mạng năm 1932, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản vào năm 1937.

Đồng chí Hoàng Anh là một trong những hạt nhân tiêu biểu của Đảng trong phong trào Mặt trận bình dân, chống thuế, đòi dân chủ (1936 - 1939), Mặt trận Việt Minh (1941 - 1945) ở Thừa Thiên - Huế. Bị địch bắt giam, qua những nhà lao nổi tiếng tàn ác như Lao Bảo, Ban Mê, Đắc Tô, đồng chí và những chiến sỹ cộng sản kiên trung như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu… đã biến nhà ngục của kẻ thù thành trường học cách mạng, là nơi rèn luyện bản lĩnh, ý chí của người cộng sản. Trở về với cách mạng, đồng chí đã tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân ở Trung Kỳ và cố đô Huế rồi tổ chức kháng chiến, lãnh đạo cuộc chiến đấu vô cùng oanh liệt 50 ngày bảo vệ thành phố Huế, đập tan âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp nhằm tiêu diệt lực lượng vệ quốc đoàn, lập chiến khu lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ ở Trung Bộ.

Sau những năm bị giam cầm trong nhiều nhà tù của đế quốc, đầu tháng 5/1945 đồng chí được ra tù, ngay lập tức đã tham gia chuẩn bị và tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhớ lại hội nghị đầm Cầu Hai lịch sử và công tác chuẩn bị giành chính quyền, bảo đảm chiến lược, sách lược của Đảng trong Cách mạng Tháng 8 chúng ta đều tự hào về vai trò Tỉnh uỷ Thừa Thiên và Việt Minh Nguyễn Tri Phương lúc bấy giờ. Giờ đây chỉ còn lại một nhân vật chủ chốt của Thường vụ Tỉnh uỷ, của Uỷ ban khởi nghĩa và của chính quyền cách mạng đầu tiên của Thừa Thiên Huế, đại biểu Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là đồng chí Hoàng Anh.

Trong kháng chiến chống Pháp, ở chiến trường Bình Trị Thiên đau thương và anh dũng, thôi thúc lòng người cả nước: “Đồng bào ơi! Cùng Bình Trị Thiên đứng lên!”, đồng chí Hoàng Anh là Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Mặt trận Bình Trị Thiên. Phong trào kháng chiến vượt lên gian nan ở chiến trường địch hậu, phát triển mạnh mẽ, chiến công vang dội trên chiến trường Bình Trị Thiên của quân dân ta, trong đó có vai trò của lãnh đạo, chỉ huy và các ông lãnh đạo chủ chốt như Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh...

Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 2/1951, đồng chí Hoàng Anh là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 4/1951, đồng chí được chuyển ra công tác Liên khu 4, Bí thư Liên khu uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu 4 gồm các tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh, Bình-Trị-Thiên, vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, rồi đảm nhiệm phụ trách hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử…

Trước khi ra công tác ở vùng tự do, trong Hồi ký “Quê hương và Cách mạng” đồng chí Hoàng Anh viết: “Từ mảnh đất tôi được sinh ra và lớn lên, đã từng với đồng bào, ông chiến đấu trong những năm dài gian khổ, khó khăn, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động nghĩ đến những đồng bào, ông đã mất đi, nghĩ đến những gian khổ hy sinh mà quân dân Bình Trị Thiên phải vượt qua”. Cũng trong Hồi kỳ kể lại, đồng chí gặp và cùng hoạt động với ông Nguyễn Chí Thanh từ đầu năm 1937, cùng nhau gian khổ trong các nhà tù đế quốc, lãnh đạo Cách mạng Tháng 8 và kháng chiến ở quê hương. Đồng chí Hoàng Anh ghi nhận Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương sáng về người cán bộ lãnh đạo của Đảng và cảm thấy vinh dự: “Tôi may mắn được kế tục công việc của anh Thanh nhiều lần, thay anh làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên khi anh ra làm Bí thư Phân khu, thay anh làm Bí thư Phân khu khi anh ra làm Bí thư Liên khu, thay anh làm Bí thư Liên khu, khi anh ra làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và cuối cùng thay anh làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương khi anh vào Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ”.

Sau chiến thắng xuân 1968, phong trào kháng chiến Trị Thiên Huế đang đứng trước những khó khăn cực kỳ nghiêm trọng. Đồng chí Hoàng Anh, Bí thư Trung ương Đảng vào Trị Thiên Huế, lúc này đồng chí đã gần 60 tuổi với tên gọi ông Hai Bình, làm Bí thư Khu uỷ kiêm Chính uỷ Quân khu Trị Thiên Huế. Đồng chí đã cùng đồng bào tham gia chống Mỹ trên đất quê hương, đẩy lùi kẻ địch, tạo thế đứng chiến trường, phát triển sôi động, thắng lợi. Trong suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến, đồng chí Hoàng Anh luôn bộc lộ rõ phẩm chất người chiến sỹ cách mạng trung thành vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ở cương vị nào, đồng chí Hoàng Anh cũng để lại những dấu ấn sâu sắc về tài năng tổ chức, một tác phong mẫu mực trong sinh hoạt, một tấm gương về sự sáng tạo, tìm tòi, vượt khó, một tấm lòng bao dung hết mực với đồng chí, đồng bào. Không chỉ trong mặt trận đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Hoàng Anh còn bộc lộ nhiều phẩm chất cao quý về quản lý, chỉ đạo điều hành các lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Cụ thể như Trung ương uỷ viên, Tổng quân uỷ- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1954-1958); Bí Thư Trung ương Đảng (1958 - 1976); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp (1965 - 1967), Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu Trị Thiên (1967 - 1971), Phó Thủ tướng Chính phủ (1971 - 1976), Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (1977 -1978). Đặc biệt, lịch sử ngành Tài chính Việt Nam được ghi hai mốc son quan trọng là hai lần đồng chí đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo cao nhất của ngành Tài chính Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài chính (lần 1 từ năm 1958 -1964; lần hai từ 1978-1982).

Theo ông Trần Hữu Thí – Thư ký, người đã công tác cùng đồng chí Hoàng Anh trên 30 năm: Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Anh đã được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách, ở cương vị công tác nào đồng chí cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng chí có nhiều đóng góp cho đất nước nói chung và ngành tài chính nói riêng nhưng đồng chí rất khiêm tốn. Đồng chí sống chân thành, giản dị, gần gũi, chan hòa với mọi người, đặc biệt điều tôi mến nhất ở đồng chí là tính trung thực, thẳng thắn, cái gì thấy đúng thì giữ ý kiến. Đối với cán bộ cấp dưới của mình, đồng chí luôn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, luôn được mọi người kính phục không chỉ vì trách nhiệm được giao mà còn vì tình cảm yêu mến quý trọng. Riêng ngành Tài chính có mối lương duyên đặt biệt với đồng chí Hoàng Anh. Với hai lầm đảm nhiệm vị trí cao nhất - Bộ trưởng, giai đoạn nào đồng chí Hoàng Anh cũng để lại những dấu ấn hết sức sâu sắc, góp phần đưa sự nghiệp Tài chính phát triển, hoàn thành tốt trọng trách, nhiệm vụ mà toàn Đảng, Nhà nước và nhân dân giao. Trong công việc, con người đồng chí Hoàng Anh luôn toát lên sự tận tâm, sự nhạy bén, kiên nghị, thông minh… Trong cuộc sống thường ngày, đồng chí là người sống rất tình cảm, chan hòa, luôn quan tâm đến những người xung quanh. Qua hai thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí đã đề xuất được nhiều quyết sách tài chính quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn.

Giai đoạn thứ nhất đồng chí Hoàng Anh đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính là từ tháng 10/1958 - tháng 4/1965, thời kỳ miền Bắc bước vào khôi phục kinh tế, xây dựng CNXH mà điển hình là kế hoạch 5 năm 1961 - 1965. Đó là thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội sôi nổi và rộng khắp ở miền Bắc, đồng thời cả nước đang tích cực chuẩn bị lực lượng về chính trị, quân sự cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc ở miền Nam. Nhận thức rõ trọng trách của ngành Tài chính, đồng chí Hoàng Anh đã kịp thời đưa ra những quan điểm chỉ đạo và xây dựng các lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, tài chính ngân sách, tài chính xây dựng cơ bản, ngân hàng kiến thiết, “ba xây, ba chống”; toát lên trí tuệ, tầm nhìn chiến lược lớn nhưng rất sát thực tiễn và sâu sắc. Đặc biệt, đồng chí chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tài chính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, là người đặt nền móng cho sự ra đời của Trường Đại học Tài chính - Kế toán, cái nôi đào tạo nhiều thế hệ cán bộ tài chính cho đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Hoàng Anh, ngành Tài chính đã góp phần không nhỏ để miền Bắc xây dựng các khu công nghiệp mới, phát triển giao thông, thuỷ lợi, mở mang các nông trường, lâm trường, xây dựng các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, các khu văn hoá; xây dựng thành công mô hình hợp tác xã nông nghiệp, phát động phong trào thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, trở thành hậu phương vững chắc cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Lần thứ hai trở lại đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính của đồng chí Hoàng Anh là giai đoạn từ tháng 3/1977 - tháng 5/1982. Đây là thời kỳ đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh với những hậu quả nặng nề đối với kinh tế - xã hội. Nhận thức vai trò then chốt của ngành Tài chính đối với công cuộc khôi phục kinh tế đó là phải thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng năng suất lao động, đồng chí Hoàng Anh đã có những đề xuất cải tiến quản lý doanh nghiệp hiệu quả. Đồng chí chỉ đạo ngành Tài chính thành lập các đoàn cải tiến đi vào nghiên cứu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý về vốn, tài sản, đầu tư, tiêu thụ, hạch toán giá thành, kiểm tra kế toán để tạo ra năng suất, chất lượng, doanh thu và lợi nhuận tốt hơn. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp từ chỗ gặp khó khăn lớn đã dần vươn lên có tích lũy, tạo nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Cũng theo ông Trần Hữu Thí: Quan điểm của đồng chí Hoàng Anh về tài chính không phải đơn thuần chỉ làm nghiệp vụ tài chính mà phải biến tài chính thành công cụ tác động vào các ngành kinh tế khác, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển để tạo ra nguồn thu. Làm tài chính là phải lấy công cụ tài chính để tác động lên các ngành, nâng cao hiệu suất công tác, từ đó làm cho kinh tế phát triển. Tài chính đã cấp tiền ra là đòi hỏi phải đạt được các mục tiêu đề ra. Chính sách thuế khóa cũng phải làm sao để khuyến khích người dân làm việc có năng suất, hiệu quả hơn, có thu nhập thực tế. Với quan điểm này, đồng chí đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ toàn ngành Tài chính. Một điều đáng phải học tập và trân trọng nữa là trong công tác cán bộ, đồng chí Hoàng Anh rất chú ý tới nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm lớp cán bộ trẻ, có kiến thức chuyên môn, có đạo đức và nhiệt huyết cách mạng. Nhờ vậy mà thế hệ cán bộ tài chính mới đã ngày một trưởng thành hơn, tiếp tục giữ vững nét son của ngành Tài chính: cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, trở thành lực lượng nòng cốt trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới.

Dù đã bước qua tuổi 100, nhưng đồng chí Hoàng Anh vẫn còn rất minh mẫn, vui vẻ bên con cháu và căn dặn các thế hệ cán bộ ngành Tài chính đoàn kết, nỗ lực đưa sự nghiệp tài chính phát triển, giữ vững và tô điểm thêm những nét son của Ngành, của đất nước trong bối cảnh hội nhập.

Một nhân vật lịch sử, một người con Đất Việt, năm nay tròn trăm tuổi là niềm vui, niềm tự hào của ngành Tài chính, chúng ta mong đồng chí Hoàng Anh vượt ngưỡng cửa trăm tuổi nhiều năm nữa để sống với thời gian, với thế hệ sau khi nước ta thành một nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa.