Dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đạt 6,9%


Ngày 19/1, Viện Kinh tế Việt Nam công bố “Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo”. Trong báo cáo này, Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa ra dự báo 3 mô hình tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Báo cáo, tác động từ cú sốc Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam nặng nề hơn rất nhiều so với các cú sốc từ cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Báo cáo dẫn chứng, cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997 khiến tăng trưởng GDP năm 1999 ở mức thấp nhất là 4,77% và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến  GDP năm 2009 giảm còn 5,4%, vẫn còn cao hơn so với năm 2020 với GDP ở mức 2,91%.

Trước đó, chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đề ra trong năm 2021 phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5%, cao hơn mức 6% Quốc hội giao.

Tuy nhiên, cú sốc Covid-19 có thể mang tính tạm thời, không kéo dài như hai cú sốc tài chính năm 1997 và 2008, bằng chứng là kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh và có mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực...

Theo nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam, năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, tuy nhiên, nền kinh tế thế giới sẽ ấm dần lên, kéo theo đó hoạt động đầu tư, thương mại của nền kinh tế Việt Nam.

Có thể thấy, những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ như: vắc xin phòng ngừa Covid-19 bắt đầu được tiêm phòng tại một số quốc gia và sẽ mở rộng ra nhiều quốc gia khác trong năm 2021; gói hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được nhiều nước lớn triển khai và sẽ có tác động trong năm 2021... 

Qua các phân tích trên, Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra 3 mô hình dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam, cụ thể: Kịch bản cơ sở đạt 5,49%, kịch bản cao sẽ đạt 6,9% và kịch bản thấp là 3,48%.

Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn FDI. Trong đó, mức tăng trưởng sẽ đạt được kịch bản cao chỉ khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.

Trong bối cảnh rủi ro, khó đoán định của giai đoạn tới, báo cáo chỉ ra rằng các chính sách tài chính -  kinh tế phải tập trung vào việc cần nhận diện rõ hơn và cần chỉ rõ những yếu tố đã giúp Việt Nam thành công trong việc đạt mục tiêu kép năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các yếu tố đó sẽ còn được tiếp tục duy trì trong năm 2021 hay không.

Bên cạnh đó, cần tránh chủ quan cho rằng, Việt Nam đang ở nhóm tăng trưởng cao nhất thì các vấn đề về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng đã được giải quyết, trái lại các điểm nghẽn vẫn cần phải được tập trung tháo gỡ một cách quyết liệt...

Theo các chuyên gia này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo, một số lĩnh vực có thể bước cùng với các nước đã đi trước (công nghệ 5G, chuyển đổi số, công nghệ nano…).

Đây là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực; đổi mới tư duy và đổi mới thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước là yếu tố quan trọng bậc nhất cho khoa học, công nghệ để phát triển cũng như huy động được nguồn lực cần thiết cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó cần có những thử nghiệm đột phá về thể chế, chính sách.