Dự báo triển vọng lạm phát của Việt Nam


Kết quả lạm phát trong năm 2018 là cơ sở nền tảng cho việc dự báo diễn biến lạm phát trong năm 2019. Theo dự báo, lạm phát 2019 sẽ được kiềm chế ở mức dưới 4%. Các sức ép lên giá cả trong năm 2019 được dự báo sẽ ít hơn so với năm 2018. Bởi vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2019 ở mức dưới 4% là khả thi, cho dù Chính phủ sẽ tăng thuế môi trường, đồng thời tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện, giá các dịch vụ y tế và giáo dục theo kế hoạch.

Sức ép lên giá cả trong năm 2019 được dự báo sẽ ít hơn so với năm 2018.
Sức ép lên giá cả trong năm 2019 được dự báo sẽ ít hơn so với năm 2018.

Bức tranh lạm phát năm 2018

2018 là năm Chính phủ gặp nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% do Quốc hội đề ra. Nguyên nhân chính là do các cú sốc từ phía cung như giá xăng dầu, giá thịt lợn, tỷ giá đều tăng mạnh. Hình 1 cho thấy, lạm phát so với cùng kỳ năm trước và lạm phát so với tháng trước có những diễn biến đồng điệu.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2018, sự tăng tốc của lạm phát theo tháng (0,5% và 0,7%) đã khiến cho lạm phát cùng kỳ tăng theo, từ mức 2,6% vào tháng 12/2017 lên mức 3,15% vào tháng 2/2018. Mặc dù, lạm phát có xu hướng chững lại trong các tháng 3, tháng 4 nhưng sự tăng tốc nhanh trong tháng 5 và tháng 6 đã khiến cho lạm phát cùng kỳ tăng cao, đạt tới mức 4,67% vào giữa năm 2018.

Diễn biến này dẫn đến lo ngại rằng, nếu lạm phát cùng kỳ được giữ ở mức trên, mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình cả năm dưới 4% khó có thể đạt được. Tuy nhiên, mức tăng 4,67% cũng là mức đỉnh của lạm phát cùng kỳ trong năm 2018. Kể từ tháng 7/2018, lạm phát cùng kỳ bắt đầu giảm và đến tháng 11/2018 chỉ còn ở mức 3,46%, đồng thời, lạm phát trung bình trong 12 tháng năm 2018 đã ổn định ở mức 3,59%, cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% chắc chắn được thực hiện.

Dự báo triển vọng lạm phát của Việt Nam - Ảnh 1

Theo phân tích, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trung bình năm 2018 được kiềm chế thành công dưới mức 4%, đó là:

Thứ nhất, sau một giai đoạn tăng nóng, giá dầu và giá thịt lợn đã hạ nhiệt. Mặc dù, đây là nguyên nhân khách quan, không liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ nhưng có thể khẳng định, diễn biến chững lại của các loại giá trên về cơ bản đã được Chính phủ lường trước. Việc giá thịt lợn đạt mức cao hơn 50.000 đồng/kg được coi là tín hiệu dự báo sự chững lại, vì mức giá này thuộc vào hàng cao nhất thế giới, do vậy sẽ kích thích nguồn cung thịt lợn gia tăng nhanh thông qua việc người nông dân tái đàn, hoặc qua nhập khẩu thịt lợn từ bên ngoài.

Tương tự, diễn biến của giá dầu cũng vậy. Mặc dù, giá dầu giảm mạnh trong những tháng gần đây nhưng nhìn chung xu hướng giá dầu chững lại, cũng đã được nhiều tổ chức dự báo. Lý do là nếu giá dầu tăng mạnh, lạm phát của Mỹ sẽ lên cao và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Điều này có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Hơn nữa, nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ vẫn dồi dào và là yếu tố kiềm chế giá dầu trong trung và dài hạn. Một số dự báo cho rằng, giá dầu có thể tăng lên mức 100 USD/thùng do những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, đặc biệt, do lệnh cấm vận của Mỹ với Iran nhưng.

Dự báo triển vọng lạm phát của Việt Nam - Ảnh 2

Thứ hai, về điều hành, Chính phủ cũng đã kịp thời thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát kịp thời và hiệu quả. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không để VND mất giá mạnh so với USD, chỉ ở mức khoảng 2% trong năm 2018.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã ban hành quy chế mới đối với hoạt động đấu thầu thuốc. Đây là những yếu tố góp phần hạn chế lạm phát, trong tháng 7/2018 lạm phát giảm 0,09% so với tháng trước và lạm phát cùng kỳ cũng giảm về mức 4,46%. Việc lạm phát cùng kỳ được kiềm chế giảm ngay giữa năm 2018 là rất quan trọng để kiểm soát lạm phát trung bình của cả năm.

Tóm lại, bên cạnh một số yếu tố khách quan thuận lợi đã được dự báo từ trước, diễn biến lạm phát năm 2018 được kiềm chế ở mức dưới 4% là nhờ các chính sách điều hành hiệu quả, quyết liệt của Chính phủ và của các bộ, ngành.

Dự báo lạm phát năm 2019

Kết quả lạm phát trong năm 2018 là cơ sở nền tảng cho việc dự báo diễn biến lạm phát trong năm 2019. Theo dự báo, lạm phát 2019 sẽ được kiềm chế ở mức dưới 4%. Các "cú sốc" về giá từ phía cung trong năm 2019 cũng được kỳ vọng là nhỏ hơn so với năm 2018, cụ thể như:

Thứ nhất, giá thịt lợn khả năng đã đạt đỉnh vào năm 2018, nên xu hướng chính trong năm 2019 sẽ là giảm hoặc không tăng. Như đã lập luận ở trên, nếu giá thịt lợn tăng, người sẽ tái đàn và nhập khẩu cũng sẽ gia tăng do giá thịt lợn tại Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới (hơn 50.000 đồng/kg). Bởi vậy, đóng góp của giá thịt lợn vào lạm phát trong năm 2019 nhiều khả năng là 0%, thậm chí là âm.

Thứ hai, giá dầu khả năng cũng sẽ không tăng trong năm 2019, do sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh (một số dự báo cho rằng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ đạt đỉnh vào năm 2019) và kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, dẫn đến nhu cầu về dầu giảm. Những yếu tố này, thậm chí, có thể khiến giá dầu năm 2019 giảm so với năm 2018 nếu tính trung bình. Hiện giá dầu đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh và đang bước vào thời kỳ điều chỉnh. Bởi vậy, đóng góp của giá dầu vào lạm phát trong năm 2019 khả năng cũng sẽ là ở mức 0%, thậm chí có thể âm.

Thứ ba, về tỷ giá, sau khi đồng NDT mất giá mạnh năm 2018, khả năng đồng NDT tiếp tục mất giá với tốc độ nhanh là không lớn. Bởi vậy, sức ép của tỷ giá lên lạm phát trong năm 2019 khả năng sẽ thấp hơn so với năm 2018.

Dự báo triển vọng lạm phát của Việt Nam - Ảnh 3

Hơn nữa, những diễn biến tăng (trên 10%) của xuất khẩu Việt Nam sau khi đồng NDT giảm giá hồi giữa năm 2018 cho thấy, bất chấp đồng NDT mất giá mạnh, VND cũng chỉ giảm giá nhẹ. Nguyên nhân có thể là do việc phá giá đồng NDT của Trung Quốc mới chỉ đủ để bù lại những thiệt hại mà việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc gây ra. Vì vậy, trong năm 2019, cho dù có sức ép lớn từ đồng NDT và đồng USD như năm 2018 song tỷ giá vẫn có thể điều hành ổn định và không làm tổn hại tới tăng trưởng và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối nước ta hiện nay tương đối lớn, nên nếu có những cú sốc lớn về tỷ giá, NHNN có thể can thiệp để ổn định thị trường này. Thực tế diễn biến của tỷ giá trong năm 2018 cho thấy, NHNN đủ khả năng để kiểm soát tình hình trên thị trường ngoại hối. Việc NHNN tiếp tục chủ trương chống đô la hóa thông qua các biện pháp hạn chế tín dụng ngoại tệ cũng có tác động tích cực cho việc điều hành lạm phát hiện nay.

Như vậy, với cả 3 cú sốc đối với lạm phát đều giảm như phân tích, nhiều khả năng giá dầu, giá thịt lợn, tỷ giá sẽ ổn định và lạm phát trong năm 2019 sẽ chỉ tăng trung bình 0,15%/tháng, tương đương với mức tăng của lạm phát cơ bản. Trong kịch bản này, lạm phát tháng 12/2019 so với cùng kỳ năm trước sẽ giảm xuống mức còn 1,8% và lạm phát trung bình cả năm 2019 sẽ vào khoảng 2,2%, nếu lạm phát tháng 12/2018 cũng tăng 0,15% so với tháng trước (Hình 3). Trên thực tế, giá dầu vừa qua giảm mạnh nên khả năng lạm phát năm 2019 sẽ còn thấp hơn nữa.

Tuy nhiên, dự báo trên chưa tính đến các điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục do Nhà nước quản lý. Hơn nữa, mức lạm phát trung bình trong cả năm 2019 không chỉ phụ thuộc vào mức độ điều chỉnh giá dịch vụ và cả thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ. Chính phủ càng điều chỉnh giá dịch vụ sớm thì lạm phát trung bình sẽ càng cao, vì các cuộc điều chỉnh giá sẽ tác động đến lạm phát cùng kỳ trong vòng 12 tháng. Với mức lạm phát dự báo cả năm 2019 chỉ hơn 2%, dư địa để điều chỉnh giá dịch vụ là khá lớn.

Trong kịch bản lạc quan hơn là cả giá dầu và giá thịt lợn đều giảm, tỷ giá ổn định, lạm phát chỉ tăng 0,1%/tháng. Theo kịch bản này, lạm phát cùng kỳ tháng 12/2019 là 1,2% và lạm phát trung bình cả năm 2019 sẽ dưới 2%, nếu không tính các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý. Ngay cả trong kịch bản kém lạc quan với lạm phát tăng 0,3%/tháng như mức tăng trung bình của năm 2018, thì lạm phát trung bình cả năm 2019 cũng sẽ chỉ ở mức hơn 3%.

Hàm ý về chính sách

Trong thời gian gần đây, trước lo ngại sức ép lạm phát gia tăng trong khi việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục không thể trì hoãn, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội thông qua mức lạm phát mục tiêu cho năm 2019 là khoảng 4% thay cho mức dưới 4% như năm 2018.

Tuy nhiên, qua các kịch bản lạm phát như phân tích ở trên cho thấy, việc kiềm chế lạm phát trong năm 2019 sẽ thuận lợi hơn nhiều so với năm 2018. Ngay cả khi gặp những yếu tố bất lợi như năm 2018 thì việc kiểm soát lạm phát dưới 4% vẫn khả thi và còn dư địa để thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục và giá điện.

Như vậy, Chính phủ và Quốc hội cần điều chỉnh lại mục tiêu lạm phát là “dưới 4%” như trước đây. Bởi một số lý do sau:

Thứ nhất, việc đưa mức lạm phát mục tiêu xuống dưới 4% sẽ khẳng định thêm tính nhất quán của chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ xuyên suốt thời gian qua, đồng thời làm tăng thêm lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ hai, khi Chính phủ điều chỉnh lại với mức lạm phát mục tiêu “dưới 4%”, kỳ vọng về lạm phát sẽ giảm và vì vậy kỳ vọng về biến động tỷ giá, lãi suất sẽ giảm. Điều này là cần thiết trong bối cảnh lãi suất đang rập rình tăng trong những tháng gần đây.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Nghị quyết số 23/2016/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017;
  2. Quốc hội, Nghị quyết số 48/2017/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018;
  3. Quốc hội, Nghị quyết số 69/2018/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019;
  4. Các website: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/dieu-chinh-gia-dich-vu-kham-chua-benh-va-mot-so-dinh-huong-dieu-hanh-gia-119158.html; http://thoibaonganhang.vn/nhnn-da-khong-de-chenh-lech-lai-suat-usd-va-vnd-cao-tranh-ap-luc-len-ty-gia-79779.html.