Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hướng đến chính sách thuế minh bạch, đơn giản

PV.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/9/2018 cho ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, Tờ trình và Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung có sự đổi mới, khoa học, hướng đến thực hiện chính sách thuế minh bạch, đơn giản.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại phiên họp. Nguồn: QH
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại phiên họp. Nguồn: QH
90% tổng số điều trong Luật Quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh
Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua rà soát, có 108 điều quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều.
Mặt khác, nhiều nội dung quan trọng đối với công tác quản lý thuế như: nguyên tắc quản lý, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan có liên quan, cải cách hành chính trong quản lý thuế, chứng từ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chống chuyển giá, xói mòn cơ sở thuế... cần được bổ sung, sửa đổi.
Theo đó, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; Tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch.
Việc sửa đổi Luật Quản lý thuế còn hướng đến việc tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập; Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay đồng thời rà soát và thống nhất giữa Luật quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bao gồm 17 chương, 153 điều quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.
Dự thảo Luật được kế thừa những nội dung quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành còn giá trị thực hiện, tập trung sửa đổi những quy định còn bất cập và bổ sung những chuẩn mực theo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam như: Không thu thuế; Khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; Quản lý hoá đơn, chứng từ; Hợp tác quốc tế về thuế; Kế toán, thống kê về thuế...
Dự thảo Luật đã bổ sung một số nguyên tắc như: Áp dụng nguyên tắc bản chất quyết định hình thức trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; Áp dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Các quy định này góp phần sẽ tạo điều kiện tiếp cận với cơ chế quản lý thuế hiện đại và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Hướng đến chính sách thuế minh bạch, đơn giản
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban nhận định, hồ sơ trình Dự thảo Luật đã đảm bảo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thống nhất với tên gọi của Luật là Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hướng đến chính sách thuế minh bạch, đơn giản  - Ảnh 1
Toàn cảnh phiên họp. Nguồn: VGP

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Tờ trình và dự thảo Luật và cho rằng, Dự thảo Luật đã có sự đổi mới, tính khoa học, hướng đến thực hiện chính sách thuế minh bạch, đơn giản và cập nhật với tình hình và xu thế phát triển mới để đáp ứng yêu cầu về quản lý kinh tế - tài chính, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với việc sửa đổi toàn diện Luật Quản lý thuế nhằm đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế là cần thiết góp phần phát huy hơn nữa những kết quả trong thực hiện cải cách và đổi mới quản lý thuế thời gian qua với những bước tiến quan trọng đặc biệt như giảm biên chế, giảm chi phí.

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này có liên quan đến gần 10 luật hiện hành như Luật tổ chức Quốc hội, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán nhà nước… Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất các nội dung quy định trong dự thảo với nhau và với các luật hiện hành trong hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến về nội dung Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao việc quy định áp dụng hóa đơn điện tử và quản lý thuế với thương mại điện tử, cho rằng đây là sự tiến bộ lớn trong lần sửa đổi này góp phần bảo đảm minh bạch, tăng thu ngân sách...

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc sửa đổi toàn diện Luật lần này cần khắc phục được những tồn tại, hạn chế trước đây như sự can thiệp của cán bộ thu thuế trong quá trình quản lý thuế; Áp dụng mô hình quản lý rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các vấn đề như chống chuyển giá không chỉ với các doanh nghiệp nước ngoài mà còn ở các doanh nghiệp trong nước, tránh được nợ đọng thuế ngày một gia tăng; Khắc phục sơ hở trong quy trình thủ tục liên quan đến hoàn thuế…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát tiếp thu đầy đủ ý kiến hoàn chỉnh hồ sơ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra chính thức để trình ra Quốc hội cố gắng bảo đảm đúng thời gian theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.