Đừng để các sai phạm của cá nhân cản trở cổ phần hóa
Mới đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Và nếu việc cổ phần hóa ở các bộ, ngành và đơn vị khác tiếp tục được thanh tra như vậy thì rất có thể sai phạm không chỉ dừng lại ở Bộ GTVT.
Mang đậm “dấu ấn” cá nhân
Điểm chung của các vụ lùm xùm cổ phần hóa này là có sự hợp tác, phối hợp ăn ý giữa một số cá nhân một cách có hệ thống từ trung ương xuống địa phương và doanh nghiệp với mục đích trên danh nghĩa là thúc đẩy cổ phần hóa DNNN trong ngành.
Đối với cổ phần hóa các DNNN trong Bộ GTVT, các cá nhân sai phạm ngoài việc quy trách nhiệm như thường thấy trong nhiều vụ việc thanh tra khác dành cho các quan chức như “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện...”,
Một điểm chung khác là sự xuất hiện của những doanh nghiệp tư nhân “lạ hoắc” nhưng lại được ưu ái một cách không tưởng từ nhiều cấp, giúp cho việc thâu tóm tài sản nhà nước diễn ra trôi chảy đến khó tin trong cơ chế hiện hành.
Ví dụ điển hình là vụ cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Doanh nghiệp tư nhân trong vụ việc là Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành. Ngoài việc thâu tóm thần tốc cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp này tại cảng Quy Nhơn từ 10% lên hơn 86% trong vòng hai năm sau cổ phần hóa (bản thân việc doanh nghiệp này được sở hữu 10% cảng Quy Nhơn lúc mới cổ phần hóa đã được xác định là có sai phạm), điều lạ lùng nữa là Hợp Thành còn được ưu ái một cách vô nguyên tắc mua số cổ phần tăng thêm này theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng cho phép.
Chưa hết, cũng chính Hợp Thành đề xuất đổi ngang một tòa nhà tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) để lấy 8.000 mét vuông đất vàng trụ sở Bộ GTVT tại đường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm. Bộ Tài chính đã phản đối vì không qua đấu giá công khai, nếu không thì một lượng giá trị công sản lớn đã biến thành của riêng của một số cá nhân liên đới bằng một cách thức hết sức “thô sơ” như vậy.
Thực tế này đặt ra câu hỏi, phải chăng sai phạm của các cá nhân lãnh đạo liên đới cũng là một dạng “nâng đỡ không trong sáng” doanh nghiệp thân hữu của mình?
Có thể sẽ có người băn khoăn liệu có khả năng việc cổ phần hóa có sai phạm như trên là do sai quy trình bởi người có trách nhiệm không hiểu biết, quán triệt đầy đủ các nguyên tắc, quy định và yêu cầu của chính sách cổ phần hóa của Nhà nước?
Hiển nhiên là tình huống này rất khó xảy ra, bởi những cá nhân sai phạm chính là những người cần phải hiểu rõ, nắm chắc nhất về các quy định liên quan đến cổ phần hóa.
Không để ảnh hưởng đến chủ trương cổ phần hóa
Trước hết, cần khẳng định lại tính đúng đắn của chủ trương cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để tăng hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, giảm thiểu gánh nặng đặt lên ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sự sai phạm diễn ra ở nhiều cấp như trên đã ảnh hưởng tiêu cực lớn đến chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước.
Các vụ cổ phần hóa làm thất thoát tài sản nhà nước đã làm cho một bộ phận người có trách nhiệm nói riêng và dư luận nói chung trở nên e ngại, không còn hào hứng ủng hộ và “quyết liệt” với cổ phần hóa nữa bởi quan niệm cổ phần hóa sẽ (thường) dẫn đến tham nhũng, thất thoát tài sản công.
Có lẽ đó là một trong những lý do mà gần đây đã có ý kiến “bàn ra” rằng cổ phần hóa không nên hay không được chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa... Rủi ro của ý kiến kiểu này là nó có thể được diễn giải thành thà đừng cổ phần hóa DNNN thì hơn.
Để các sai phạm của cá nhân không ảnh hưởng đến chủ trương cổ phần hóa thì tốt nhất là phải kịp thời ngăn chặn các quyết định sai phạm của các cá nhân liên đới nhân danh pháp luật trước khi chúng trở nên có hiệu lực. Dẫu vậy, vì một lý do nào đó mà việc này hầu như chưa có tiền lệ, mặc dù đã có đầy đủ các quy định của pháp luật để các cấp có thẩm quyền dễ dàng đối chiếu và phát hiện ra các sai phạm ở từng cấp độ.
Một trong số ít các biện pháp có thể thực hiện và có tác dụng là minh bạch đầy đủ thông tin về cổ phần hóa để cán bộ công nhân viên trong DNNN thực hiện cổ phần hóa nói riêng và dư luận nói chung theo dõi và sớm lên tiếng về các dấu hiệu của khuất tất, sai phạm. Tiếp đó là sự “vào cuộc” kịp thời của các cơ quan thanh tra chuyên trách và Thanh tra Chính phủ mỗi khi có những phản ánh và tố cáo có căn cứ.
Tuy vậy, cho dù có muốn nhưng do quy trình thanh tra hiện hành khó có thể đáp ứng được yêu cầu phát hiện sớm các sai phạm nên việc thanh tra, nếu có, thường chỉ có thể diễn ra sau cổ phần hóa. Tuy đã muộn, nhưng việc tăng cường thanh tra hậu cổ phần hóa để phát hiện và xử lý các cá nhân liên đới có sai phạm vẫn là việc cần và nên làm nhằm răn đe những cá nhân liên đới khác đang tại nhiệm.
Trên góc độ này, việc UBKTTƯ kiểm tra và nêu đích danh, kiến nghị xử lý một số cá nhân sai phạm tại Bộ GTVT như hiện nay cần được mở rộng ra thêm tại một số bộ, ngành, địa phương, và doanh nghiệp. Công việc tuy nhiều nhưng nếu làm tốt và có hiệu quả ở một số nơi thì tự khắc chất lượng cổ phần hóa ở những nơi khác sẽ được cải thiện vì có người “biết sợ” mà cố gắng làm cho đúng, từ đó giảm thiểu khả năng phải thanh tra.
Quan trọng không kém là, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, vẫn cần phải thúc đẩy cổ phần hóa DNNN theo đúng tiến độ bằng cách, một lần nữa, chỉ đích danh và xử lý những cá nhân liên đới không hoàn thành trách nhiệm cổ phần hóa.