EVFTA: Cơ hội nào đối với xuất khẩu của Việt Nam?


Ngày 12/02/2020, Nghị viện châu Âu đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA). Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mở ra cơ hội cho hàng hoá Việt Nam tiếp cận vào thị trường châu Âu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU), ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối này.

Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. 

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà Hiệp định mang lại.

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là cơ hội lớn cho một số mặt hàng quan trọng của Việt Nam tiếp cận thị trường của các nước thành viên EU khi các nhóm hàng này sẽ được EU xóa bỏ thuế quan, cụ thể: Với Dệt may, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm; Với Giày dép, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của ta ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Sau 03 năm và 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%; Thủy sản, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của ta trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm; Cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn; Gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, trong đó, đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định... Như vậy, hiệp định EVFTA sẽ mở ra một cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà Hiệp định mang lại.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Thị trường EU có vai trò quan trọng, giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào một thị trường, tạo sức ép để nâng cấp nền kinh tế từ tiêu chuẩn cao của thị trường mua và nguồn cung cấp máy móc, công nghệ hiện đại”. Bên cạnh những cam kết xóa bỏ về thuế xuất nhập khẩu,  EVFTA cũng mở ra các điều kiện thuận lợi khác giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ nguồn phục vụ cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng tốt chất lượng sản phẩm trong chuỗi cung ứng chúng ta cùng tham gia với EU.

Còn theo PGS., TS. Phạm Tất Thắng, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho Việt Nam phát triển bền vững kinh tế. Một khi Việt Nam đưa được hàng hoá vào thị trường EU thì đó là giấy chứng nhận thông hành để đưa hàng ra thế giới. Tuy nhiên, để đưa được hàng vào EU thì các doanh Việt Nam cần vượt qua chính mình, từ bỏ thói quen làm ăn "chụp giật", thiếu liên kết, không vào các chuỗi, không tạo niềm tin khi hợp tác.