FTA- Dưới góc nhìn của Nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp


Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vậy doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với những cơ hội và thách thức gì khi hòa mình vào chuỗi giá trị toàn cầu này?

FTA- Dưới góc nhìn của Nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp.
FTA- Dưới góc nhìn của Nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp.

Cho đến thời điểm hiện tại, một số Hiệp định thương mại đa phương và song phương của Việt Nam đã và đang có hiệu lực, đã và đang tác động đến nền kinh tế, đến doanh nghiệp, đến người dân. Song từ năm 2015 trở đi, Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu vào các nền kinh tế thế giới khi các Hiệp thương mại tự do (FTA) phát huy hiệu quả; đặc biệt từ năm 2015 trở đi Việt Nam sẽ đồng thời tham gia vào một số FTA mới với mức độ tự do hoá cao hơn như TPP, Việt Nam–EU…

Những băn khoăn, trăn trở của doanh nghiệp sẽ được giải đáp trong chương trình Toạ đàm trực tuyến của Cổng TTĐT Chính phủ với 3 khách mời là: Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương; PGS.TS Trần Đình Thiên –Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết hiện nay Việt Nam đã đàm phán được bao nhiêu Hiệp định thương mại tự do (FTA)? Lộ trình tiếp theo, Việt Nam sẽ còn những Hiệp định nào được ký kết?

Ông Trần Quốc Khánh: Tính đến 31/12/2014, Việt Nam đã ký và tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 6 hiệp định manh tính khu vực gồm các Hiệp định: ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Australia-New Zealand. Hai hiệp định còn lại là 2 hiệp định song phương với Nhật Bản và Chile.

Các Hiệp định tập trung chủ yếu ở Đông Á và có 6 hiệp định ASEAN với đối tác bên ngoài.

Còn các đối tác lớn như EU, Hoa Kỳ, Nga chưa có quan hệ thương mại tự do. Vì thế ta đang đàm phán 7 Hiệp định thương mại tự do nữa gồm: Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định với Liên minh châu Âu, Hiệp định với Liên minh hải quan, Hiệp định thương mại tự do song phương với Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do với 4 nước Thụy Sỹ, Nauy, Iceland và Liechtenstein.

Bên cạnh đó ta cũng phối hợp đàm phán với ASEAN 2 hiệp định gồm: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay còn gọi là Hiệp định ASEAN+6 và Hiệp định giữa ASEAN và Hồng Kông.

Trong đó, có 2 Hiệp định cơ bản hoàn tất là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh hải quan và Hàn Quốc đang tiến hành rà soát pháp lý để ký kết chính thức. Còn hiệp định với Liên minh châu Âu đã đạt một số kết quả khả quan, cụ thể hóa và kết thúc đàm phán trong thời gian tới.

Tinh thần hội nhập “ghê gớm”

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh vừa thông tin cho chúng ta biết Việt Nam đã ký được 8 FTA, còn một số FTA đang trong quá trình đàm phán như Việt Nam-EU; TPP. Ông đánh giá như thế nào về tiến trình của quá trình đàm phán?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Có thể nói tiến trình đang được đẩy lên rất nhanh. Chưa bao giờ Việt Nam  nỗ lực tham gia các hiệp định nhiều như vậy trong một quãng thời gian không dài. Chúng ta đã đàm phán ký kết 8 hiệp định, hiện đang thực hiện đàm phán 7 hiệp định và khả năng kết thúc 1 số trong 7 hiệp định này đang rất gần.

Nhìn lại mới thấy nền kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập WTO dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn nỗ lực đàm phán hàng loạt hiệp định. Chúng ta có thể thấy tinh thần hội nhập của Việt Nam là ghê gớm, không sợ gì cả. Nói theo ngôn ngữ bình thường là: “Ai đề nghị hiệp định là Việt Nam chơi ngay, không quá do dự”. Như Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói đây toàn là những hiệp định đẳng cấp rất cao, có những hiệp định được coi là mẫu mực của thế kỷ 21.

Theo tôi hiểu đây là tiến trình rất tích cực. Có lẽ tất cả các quốc gia khác cũng đang nỗ lực như Việt Nam để đi đến thoả thuận cho một cuộc chơi mới theo hướng toàn cầu. Trong năm 2015 chắc chắn Việt Nam sẽ toàn tất được một số hiệp định để chúng ta có một khuôn khổ mới cho công cuộc phát triển ở mức độ hội nhập rất cao.

Tuy nhiên giữa việc đàm phán hội nhập với việc chuẩn bị để thực sự hội nhập rất khác nhau. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và đoàn đàm phán của Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng sau đó đội ngũ chuẩn bị như thế nào là một việc không thể không quan tâm đến.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa khởi sắc mà Việt Nam tham gia rất nhiều FTA, nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ và công xưởng của các nước tham gia FTA. Thứ trưởng có thể lý giải, tại sao Việt Nam lại hội nhập sâu rộng trong thời điểm này?

Ông Trần Quốc Khánh: Chúng ta hội nhập theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Quá trình này đã khởi động từ năm 1991, Đảng đã khẳng định đa đạng hoá, đa phương hoá các quan hệ kinh tế với mọi quốc gia tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài tham gia các tổ chức và hiệp hội kinh tế quốc tế khác khi cần thiết và có điều kiện. Đến năm 2006, sau khi chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, chủ trương là chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đến Đại hội Đảng 11/2011, chủ trương được tiếp tục nâng tầm thành tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ Chính trị năm 2001 cũng đã có Nghị quyết về hội nhập kinh tế quốc tế giúp chúng ta gia nhập WTO. Năm 2007 cũng có Nghị quyết của BCH TƯ về nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Gần đây nhất, tháng 4/2013, Bộ Chính trị cũng có Nghị quyết 52 về hội nhập quốc tế.

Chúng tôi khẳng đinh rằng đây là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, ta thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm và không phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế thế giới. Không thể nói khi nào kinh tế hồi phục thì ta hội nhập còn kinh tế thế giới trì trệ thì ta tạm dừng hội nhập. Nếu các hiệp định được ký kết đúng lúc nền kinh tế thế giới hồi phục thì sẽ có tác động kép đến tăng trưởng kinh tế, sẽ giúp cho việc nắm bắt các cơ hội tốt hơn.

Hội nhập là thách thức để vượt lên

Thưa PGS.TS Trần Đình Thiên, theo quan điểm của ông, tại sao Việt Nam lại chọn con đường hội nhập trong thời điểm này? 

PGS.TS Trần Đình Thiên: Câu hỏi này thể hiện nỗi lo chung và rất chính đáng. Nền kinh tế ta còn khó khăn, trình độ ta còn thấp (vào TPP thì trình độ của Việt Nam thấp nhất trong 12 nước) ta hội nhập đẳng cấp cao toàn chơi với các đối thủ, đối tác, trình độ hơn nhiều thì liệu ta có trở thành công xưởng, làm thuê hay thị trường tiêu thụ hộ không? Nhưng đây là một định hướng lớn của chúng ta, không có dao động gì hết. Ngay cả trong nhưng thời điểm rất khó khăn, phải giải quyết rất nhiều vấn đề nội tại ta vẫn tham gia rất nhiều FTA.

Có lẽ ta nói rằng kinh tế học có 2 mặt, ông được lợi ông cũng phải trả giá, không thể ăn không của thiên hạ, vấn đề là làm gì để ăn được nhiều hơn, trong trò chơi này nếu khéo thì cả hai cùng thắng, nên chúng ta phải tận dụng cơ hội và sẵn sàng đối đầu với thách thức là đương nhiên.

Hiện nay nền kinh tế đang hội nhập sâu vào WTO, phải đẩy mạnh cải cách mới có thể phát triển, thì áp lực hội nhập giống như một thời cơ, tạo ra động lực để ta cải cách. Nếu chúng ta thấy khó, bỏ đường hướng thì ta sẽ tụt lại. Thách thức giống như cơ hội để tạo động lực.

Lợi ích của hội nhập là rất lớn, không thể bỏ qua nếu muốn vượt lên. Thế nhưng làm thế nào để tận dụng cơ hội lại là việc khác. Mặc dù ta chưa chuẩn bị được nhiều để tận dụng cơ hội, nhưng ta cũng đã có chuẩn bị, như hạ tầng kết nối với các tuyến phát triển lớn, cao tốc Hà Nội-Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn hiện đại hơn để tận dụng cơ hội hội nhâp. Phía Nam các tuyến cao tốc trọng tâm đều gắn với Long Thành, đường sắt cũng được nối đến, cảng Thị Vải-Cái Mép. Tôi cho đây là cách tính ở tầm chiến lược. Hiện vẫn còn nhiều băn khoăn, tranh luận nhưng tổng thể ở tầm chiến lược lớn cần phải như vậy. Còn nhiều điểm cần phải bàn, nhưng tôi cho rằng chọn hội nhập là thách thức để tiến vượt lên là đúng đắn.

Không rủi ro thì không lợi nhuận

Trên góc độ Hiệp hội Dệt may, ông đánh giá về vấn đề này ra sao?

Ông Lê Tiến Trường: Người làm kinh doanh có quan niệm không rủi ro thì không lợi nhuận. Bản thân kinh doanh là quá trình xông vào rủi ro, những người phán đoán, đúng tính toán đúng, quản trị đúng là những người thành công và có lợi nhuận. Chúng tôi quan tâm là các FTA có mở thêm thị trường hay không, và bản chất tất cả các FTA để mở cửa cho hàng hoá đi ra. Tất nhiên có đi ra thì có đi vào, nhưng quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì việc xuất khẩu là rất quan trọng

Sau 1 thời gian giam gia WTO, về mặt nào đó động lực tăng trưởng mới không còn nhiều, động lực tạo việc làm mới, công nghiệp hóa không còn nhiều, chính các FTA mới tạo ra động lực mới, tạo ra sự tăng trưởng, là cơ hội tạo ra động lực tiếp tục quá trình công nghiệp hóa và đổi mới đất nước. Đối với góc độ DN là kịp thời và cần thiết để DN có cơ hội mới lao vào cạnh tranh trong kinh doanh. Nếu không ta đang đi vào bước khó khăn trong tăng trưởng, kể cả những ngành xuất khẩu trọng điểm và đang tăng trưởng tốt như dệt may hay da giày. Từ góc độ Hiệp hội và DN, chúng tôi đều tán thành việc hội nhập.

Còn đương nhiên, ngành dệt may có đến 6000-7000 DN (cả DN FDI, DN tư nhân, DN cổ phần của Nhà nước) không phải ai cũng thành công. Cuộc chiến này chắc chắn sẽ có người thất bại vì đó là quy luật của thị trường. Đó cũng là quy luật để DN của Việt Nam ngày càng chất lượng hơn so với việc đóng cửa để tồn tại, đều sống nhưng với thể trạng èo ọt.

Cơ hội mới cho XK và cơ cấu lại thị trường

Thưa Thứ trưởng, ngày nay các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) là trào lưu và xu thế của hội nhập kinh tế quốc tế. Xin Thứ trưởng cho biết các lợi ích chính của Việt Nam khi tham gia vào xu thế này?

Ông Trần Quốc Khánh: Lợi ích đầu tiên là các cơ hội mới cho phát triển xuất khẩu. Cơ hội đó có thể nhìn thấy rất rõ khi các nước xóa bỏ thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, tham gia TPP tạo ra khả năng cho chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng mới hình thành rất cao. Nếu chúng ta trở thành 1 mắt xích của chuỗi đó thì việc tham gia vào thị trường toàn cầu sẽ lớn hơn nhiều so với việc tự mình tìm thị trường.

Ngoài ra, chúng ta có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Trong quan hệ xuất nhập khẩu cần tránh phụ thuộc quá mức vào 1 thị trường nào đó. Tuy nhiên, đến nay, 70% nhập khẩu của chúng ta ở khu vực Đông Á và 50% xuất khẩu cũng vào khu vực này. Nên nếu có bất lợi xảy ra trong khu vực sẽ tác động rất lớn, trong khi xuất khẩu là hoạt động chính của tăng trưởng GDP. Vì vậy, nhu cầu của chúng ta là cân bằng lại thị trường vì thế ta cần các hiệp định thương mại để cân bằng lại thị trường, đây là định hướng chiến lược.

Bên cạnh đó, khi đi vào các thị trường như vậy ta có lợi thế trung hạn trước các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt các đối thủ trong khu vực, nhất là ở 1 số thị trường quan trọng như: Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Mặt khác, các FTA thế hệ mới hiện nay còn có tác động rất quan trọng nữa là giúp chúng ta hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Đây là chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước.

Mặc dù ta đã ký 8 hiệp định FTA nhưng cả 8 hiệp định đó đều không có tác động đến thể chế của ta bằng việc gia nhập WTO vì cả 8 hiệp định đều không đặt ra bất cứ yêu cầu nào về thay đổi pháp luật. Nhưng khi gia nhập WTO chúng ta đã sửa đổi rất nhiều cơ chế điều hành kinh doanh để tạo ra một môi trường kinh doanh mới thông thoáng, minh bạch hơn.

FTA thế hệ mới sẽ giúp ta hoàn thiện thể chế theo hướng này hoặc hoàn thiện môi trường kinh doanh. Việc này sẽ giúp thúc đẩy cả đầu tư trong nước và nước ngoài, từ đó tạo ra năng lực sản xuất mới.

Với tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử vô tư, các FTA mới sẽ giúp chúng ta kiện toàn, cải thiện hơn nữa bộ máy Nhà nước theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỉ luật, kỉ cương của công chức Nhà nước.

Phải đẩy mạnh tái cấu trúc theo FTA

Thưa PGS.TS, Thứ trưởng vừa nói đến các lợi ích chính của Việt Nam khi tham gia vào các FTA. Là một chuyên gia có nhiều nghiên cứu về FTA, vậy theo ông Việt Nam sẽ gặp những bất lợi gì khi tham gia các FTA? Đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Bất lợi gắn chủ yếu với năng lực cạnh tranh của ta, đây là bất lợi lớn nhất. Sức lực của DN cũng như năng lực tổng thể của nền kinh tế đang có nhiều vấn đề, nếu không xử lý được sẽ khó khăn, không chỉ cạnh tranh với thế giới mà kể cả có cơ hội cũng không tận dụng được.

Khó khăn thứ hai là khó khăn về thể chế, phải cải cách thể chế, nhưng chừng nào chúng ta còn chưa cải cách được thì có nghĩa là bất lợi vẫn rất nhiều.

Để khắc phục được việc này thì ta phải chịu phí tổn không phải là nhỏ. Cấu trúc thị trường dịch chuyển đòi hỏi chi phí không nhỏ, ta phải “làm lại” để cấu trúc thị trường phù hợp hơn với các điều khoản cam kết mới.

Tiếp theo là điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong nước, cả ở tầm vĩ mô cả ở DN. Rõ ràng chi phí tái cơ cấu nền kinh tế rất khó, liên quan đến cả hệ thống phân bổ nguồn lực, gắn với thể chế, dịch chuyển tương quan giữa cấu trúc sở hữu khu vực tư nhân và Nhà nước.

Rất may là chúng ta đang đẩy mạnh việc này nên sẽ giảm bớt chi phí hơn.

Nhưng tôi cho rằng chúng ta phải đặt vấn đề một cách mạnh mẽ và phải đẩy mạnh tái cấu trúc theo định hướng của FTA chứ tự làm theo cách của ta để tái cấu trúc là rất khó.

Việc này nhằm hướng đến mục tiêu đầy tham vọng, tiến vượt, ngang với các nước, tận dụng cơ hội đi với các “ông lớn” để đi ngang với họ. Chúng ta có thể thấy phía sau chi phí là những lợi ích rất lớn nên phải bình tĩnh mà làm, chứ không “ỏm tỏi” lên rồi “co vòi” lại là không được.

Không có chuyện cứ ký xong là mai có quà

Thưa ông, các ích lợi và phí tổn của FTA tác động tới nền kinh tế đã rõ. Vậy ông đánh giá như thế nào về lợi ích và phí tổn mà các FTA sẽ mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp dệt may?

Ông Lê Tiến Trường: Lợi ích khi có FTA là lợi ích tiềm năng, không phải có ngay lập tức, cứ ký được xong là mai anh sẽ có quà.

Nhưng cách đặt vấn đề của những FTA mới mà chúng tôi theo dõi là những người tận dụng được lợi ích thì trở  nên có năng lực cạnh tranh bền vững hơn, hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khả năng bị thay thế bị chuyển đổi khó khơn so với việc không gia nhập được chuỗi đó.

Cùng với đó là có được sự phân chia tỉ lệ lợi nhuận trên toàn chuỗi cung ứng tốt hơn so với việc mình là một đối tác ngắn hạn dễ thay đổi.

Đối với chúng tôi, thực trạng của sản xuất Việt Nam không chỉ riêng dệt may, đại đa số các ngành xuất khẩu hàm lượng giá trị gia tăng trong nước còn thấp, hay nói cách khác là ta ở khâu giá trị thấp và dễ bị thay thế.

Với các FTA mới thì các quy tắc xuất xứ đều theo định hướng là gia tăng giá trị tại Việt Nam trong khu vực các nước có FTA. Tức là có yêu cầu rất cao trong việc các DN đạt được lợi ích chỉ khi họ gia nhập hoàn chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là chi phí DN phải bỏ ra, ở góc độ vĩ mô gọi là chi phí điều chỉnh cơ cấu, với chúng tôi là chi phí điều chỉnh từ gia công ở khâu đơn giản sang kết nối làm nguyên liệu, kết nối làm thiết kế, có sự chuyển hóa từ lực lượng gia công đơn giản đến lực lượng có giá trị vô hình để có thể kinh doanh cả thiết kế, nguyên liệu trong sản phẩm dệt may cuối cùng. Hay nói cách khác, quá trình này những người tận dụng được là những người có thể vươn lên về chất lượng DN và sẽ có vị trí hoàn chỉnh vững vàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chi phí tất cả đều phải bỏ ra nhưng không phải ai cũng thành công, sẽ có người thất bại nhưng đó là quá trình sàng lọc, điều chỉnh để có một hệ thống các DN, các ngành kinh tế của Việt Nam nhưng nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu với vị trí vững chắc hơn.

Tạo lực đẩy cùng chiều từ các FTA

Thưa Thứ trưởng, Việt Nam đã hoàn thành 8 FTA, trong năm 2015 sẽ có một số Hiệp định tiếp tục được ký kết, nhưng tôi cũng như nhiều người dân khác luôn có những băn khoăn, liệu các Hiệp định này có bị chồng lấn nhau và có sự xung đột-lợi cho lĩnh vực này nhưng lại bất lợi cho lĩnh vực khác?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Vấn đề này được nhiều chuyên gia kinh tế rất quan tâm, họ cho rằng bất kì nước nào tham gia sẽ khiến chính sách quốc gia đó bị phân mạch, khó điều hành. Vì lẽ đó, Chính phủ trong quá trình đàm phán các FTA trước đây đã rút ra kinh nghiệm này nên đã chỉ đạo rất sớm để xây dựng một chiến lược đàm phán và tham gia FTA.

Trong chiến lược đó chúng ta đưa ra hàng loạt các nguyên tắc chủ đạo. Đầu tiên trong việc lựa chọn đối tác. Sau đó đưa ra mục tiêu phải đặt bằng được lợi ích gì, chấp nhận thách thức nào, chấp nhận tới đâu, theo lộ trình thế nào.

Đặc biệt, khi tham gia thì các FTA đó phải tạo ra lực đẩy cùng chiều với các nỗ lực cải cách trong nước của ta: tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách DN Nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh….chứ không tạo ra tác động ngược.

Khi đã có những nguyên tắc lớn đó thì ta sẽ có sự nhất quán trong việc đưa ra yêu cầu, việc chấp nhận thách thức. Ta phải lấy cải cách trong nước là nền tảng, bởi không thể mang một mô hình nào bên ngoài áp vào trong nước được, cái gốc phải ở trong nước. Đặc biệt chúng ta đưa ra yêu cầu phải có kiểm soát tiến độ hội nhập kinh tế quốc tế theo một lộ trình nhất định thì không sợ chồng lấn.

Còn về việc xung đột lợi ích, việc này luôn xảy ra. Cơ hội ngành này là thách thức của ngành khác và ngược lại, hôm nay là cơ hội mai là thách thức… đó là những vấn đề không tránh được. Nhưng tính toán tổng hoà lợi ích tĩnh của ta là lớn thì ta tiến hành.

Thưa PGS.TS, theo quan điểm của một chuyên gia ông đánh giá như thế nào về các Hiệp định này được ký kết và có hiệu lực trong cùng thời điểm? Liệu các Hiệp định này có bị chồng lấn nhau?

Ông Trần ĐÌnh Thiên: Tôi đồng ý với ý kiến Thứ trưởng vì đây là tổng kết chung của thế giới, ký một lúc nhiều hiệp định thì người ta gọi là “bát mì spaghetti”, đan chéo vào nhau, rất phức tạp. Ta đi sau, nên bài vở thế giới đã có. Khi có định hướng lớn sáng suốt không có nghĩa tất cả xung đột đều giải quyết được, nhưng khi có định hướng sẽ giải toả được rất nhiều vấn đề.

Ta là nước ký được rất nhiều FTA, tức là giao thoa của chúng ta với các nền kinh tế khác rất nhiều. Ví dụ, Hàn Quốc và Trung Quốc không tham gia TPP nhưng  Việt Nam tham gia TPP nhưng Việt Nam-Hàn Quốc-Trung Quốc lại có quan hệ song phương ASEAN chẳng hạn. Nếu chúng ta xử lý không tốt thì sẽ có câu chuyện năng lực DN Việt Nam yếu thì DN các nước khác tuy không tham gia TPP nhưng có mặt ở Việt Nam vẫn được hưởng lợi theo cách nào đó. Vấn đề là chúng ta là người làm TPP thì phải chuẩn bị thế nào để lợi ích cho DN Việt Nam là nhiều nhất. Việc tạo ra nội lực thực sự của Việt Nam để hưởng lợi ích của các hiệp định thương mại có giao thoa như thế là vấn đề khó khăn. Đặc biệt, việc mượn lợi ích của hiệp định này để tạo ra sức mạnh cho hiệp định khác cũng là vấn đề đặt ra, như vậy mới tích cực, mới có giá trị đẩy kinh tế đất nước đi lên.

Khi các Hiệp định được ký kết, mặc dù lợi ích đã rõ, nhưng ông có thấy sự chồng lấn giữa các FTA khi thực hiện tại doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng? 

Ông Lê Tiến Trường: Điểm chồng lấn lớn nhất là tất cả các FTA đều đặt ra vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cải cách thể chế. Như vậy, chồng lấn căn bản là chồng lấn tích cực, giúp Việt Nam cả về thể chế và DN đi theo hướng tích cực hơn.

Về lợi ích với thị trường, sự thực là không có xung đột lợi ích giữa các thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, nếu tận dụng tốt có thể đem ích lợi của hiệp định này sang hiệp định khác để cộng hưởng lên, chứ không làm mất đi tác dụng của các hiệp định.

Nếu tận dụng tốt Hiệp định Việt Nam-ASEAN chúng ta sẽ có nguồn hợp tác rất tốt cho khu vực và nếu tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định TPP, EU… thì cơ hội phát triển và tận dụng lợi ích có thể mang lại còn lớn hơn. Điều quan trọng là các DN phải tìm thấy hướng đi để có được sự cộng hưởng trong các hiệp định chứ đừng nghĩ sẽ có chồng lấn, triệt tiêu lẫn nhau.

DN Việt đã tận dụng tốt các cơ hội FTA mang lại

Thưa Thứ trưởng, theo số liệu khảo sát mới nhất của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia), chỉ có 20% DN hiểu biết và có sự chuẩn bị về hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Vậy, ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của DN Việt Nam đối với các FTA, nhất là các FTA giữa ASEAN-Trung Quốc; ASEAN-Nhật Bản (AJFTA)?

Ông Trần Quốc Khánh: Về nắm bắt cơ hội xuất khẩu thì các DN của ta có sự chuẩn bị tương đối tốt. Trước khi ta có FTA ASEAN – Hàn Quốc, Việt Nam xuất khẩu bình quân tăng 16%/năm, sau khi có hiệp định này thì xuất khẩu của ta tăng bình quân 38%, từ chỗ xuất 1 nhập 5 giờ xuất 1 nhập 3. Tất nhiên nhập siêu vẫn còn và giá trị tuyệt đối tương đối lớn, nhưng với tốc độ tăng trưởng như vậy thì có cơ sở thấy rằng một lúc nào đó ta sẽ giảm bớt được nhập siêu tiến tới cân bằng.

Tương tự, thị trường Nhật Bản trước khi có FTA thì xuất khẩu sang Nhật Bản tăng bình quân 26%/năm sau khi có FTA thì tốc độ tăng trưởng là 28%/năm và tiến tới cân bằng xuất nhập và có xuất siêu (ít).

Thị trường Trung Quốc thì không được như vậy, tốc độ xuất khẩu đạt bình quân tăng 26%/năm, nhập khẩu tăng 29% nhưng đây là câu chuyện sẽ đề cập sau.

Nhưng qua đây có thể thấy các DN đã nắm bắt được cơ hội xuất khẩu do các FTA mang lại. Việc nắm bắt cơ hội FTA ở các quốc gia có hàng hóa xuất nhập khẩu mang tính bổ sung cho chúng ta thì tốt hơn là với các FTA ở các quốc gia có xuất-nhập khẩu tương đồng.

Về ứng phó với cạnh tranh, các ngành hàng lớn và các ngành dịch vụ như: bảo hiểm, ngân hàng, phân phối ta đã mở cửa dần từ khi thương mại tự do với ASEAN từ năm 1995, kí hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2001, gia nhập WTO vào năm 2006. Toàn bộ các ngành hàng lớn: ô tô, sắt thép, viễn thông đều biết về tiến trình hội nhập của Việt Nam nên tôi nghĩ rằng các ngành này đều có sự chuẩn bị để đối phó với bên ngoài.

Có 2 lĩnh vực tương đối khó, đầu tiên là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là nơi rất khó chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nước càng phát triển, nhân công càng tăng thì năng lực cạnh tranh nông nghiệp ngày càng yếu đi. Vì vậy ta thấy rằng các nước đã phát triển còn bảo hộ nông nghiệp nhiều hơn các nước kém phát triển. Nên ta cũng cần có giải pháp cho ngành nông nghiệp khi kí kết các hiệp định này.

Bên cạnh đó sắp tới có một lĩnh vực sẽ mở cửa mà trước đây chưa bao giờ mở cửa là: Mua sắm hàng hóa dịch vụ của Chính phủ (mua sắm Chính phủ, mua sắm công) chúng ta đã dự liệu tình huống này.  Luật Đấu thầu sửa đổi đã tính đến và đề ra chủ trương là tăng cường cạnh tranh, minh bạch trong mua sắm công. Trong đàm phán ta cố gắng mở cửa có lộ trình và có bước đệm để DN làm quen. Bảo đảm cùng lúc thực hiện 2 mục tiêu khi sử dụng thuế của dân thì ưu tiên hàng Việt Nam, nhưng cũng vì sử dụng tiền thuế của dân nên chúng ta sẽ đấu thầu công khai minh bạch để tăng cường chi tiêu hiệu quả.

Hỗ trợ DN V&N đánh trận lớn

Ông Trần Đình Thiên: Để thành công trong hội nhập thì điều kiện quan trọng nhất là chuẩn bị các năng lực hội nhập. Đàm phán tất nhiên rất khó nhưng chưa phải hội nhập mà mới là bước khởi đầu. DN nước ta còn nhiều yếu kém, số DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm tuyệt đối bộ phận. Nên các DN vì không đủ năng lực cho một cuộc chơi sòng phẳng, bình đẳng trên thị trường với đối thủ, đối tác mạnh.

Thông tin chỉ có 20% DN biết về FTA cũng đáng lo. Tôi nghĩ rằng, cái DN cần không phải là nhận thức chung chung, cái cần nhất là tinh thần cạnh tranh cơ bản, sau đó từng hiệp định tạo ra cơ hội và thách thức cụ thể gì, cần thiết phải cung cấp cho họ cái đó. DN ta chưa quen đánh trận lớn bao giờ nên ta định hướng lại việc cung cấp thông tin hội nhập cho DN.

Hiện nay Nhà nước tháo gỡ được nhiều cái để DN tăng cường được năng lực của mình. Năm 2015 Chính phủ quyết tâm rất lớn để gỡ được các khúc mắc, các ràng buộc hỗ trợ cho DN.

Ông Trần Quốc Khánh: Hiện nay trên các trang điện tử của Ủy ban quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế (Bộ Công Thương) thông tin không thiếu. Khi DN hỏi cơ hội, thách thức của họ là gì chúng tôi rất khó trả lời vì mỗi DN lại nhìn thách thức ở góc độ khác nhau. Vì vậy bên cạnh việc cung cấp thông tin đầy đủ cho DN thì các Viện nghiên cứu cung cấp cho DN công cụ và phương pháp để phân tích các thông tin đó. DN sẽ dùng công cụ đó để tự đánh giá cơ hội, thách thức của mình.

Không nên ngại “đi sau”

Thưa Thứ trưởng, dù đã và đang tích cực tham gia các FTA, Việt Nam vẫn là một nước đi sau trong tham gia chuỗi giá trị và gia nhập thị trường toàn cầu, nơi đã có sẵn các nhà cung cấp khác và mối quan hệ cung-cầu hầu như đã được xác lập. Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc này và có khuyến nghị gì đối với Chính phủ và lời khuyên cho các doanh nghiệp?

Ông Trần Quốc Khánh: Việt Nam là đất nước đi sau. Ta không nên ngại đi sau, mọi thứ đã tồn tại ta không chen vào được. Quá khứ đã chứng minh điều ngược lại, thị phần của Trung Quốc ở Hoa Kỳ đã giảm xuống trong khi chúng ta tăng lên. Bằng chứng rõ ràng là đơn hàng và dây chuyển cung ứng đang dịch chuyển về Việt Nam và sẽ còn dịch chuyển mạnh hơn khi rào cản đối với hàng dệt may được xóa bỏ trên thị trường Hoa Kỳ.

Điều tương tự đã được xảy ra đối với nhiều mặt hàng nông sản. Trước đây ta không nghĩ rằng có thể xuất khẩu: gạo, giờ ta đã xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu, thủy sản đều ở mức hàng đầu thế giới và giờ đang xảy ra với điện thoại. Cách đây 5 năm không ai nghĩ là chúng ta sẽ sản xuất điện thoại. Trước đây ta chưa bao giờ nghĩ đến, bây giờ các dự án từ Samssung, Microsoft, NOKIA, LG. Thậm chí Fuji Xerox cũng tuyên bố biến sẽ biến Việt Nam thành một “hub” (trung tâm) của Fuji Xerox xuất khẩu ra toàn cầu.

Đừng nghĩ chúng ta yếu mà chúng ta không cạnh tranh được, mà chúng ta hãy làm khác đi. Chúng ta tạo ra lợi thế khi đàm phán và ký kết các hiệp định, khi rào cản giảm xuống thì chúng ta sẽ có lợi thế và nguồn lực sẽ đi theo tiếng gọi của lợi thế, giống như “nước chảy chỗ trũng” thôi.

Ông Lê Tiến Trường: Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là một chuỗi cung ứng linh hoạt, tuy có cam kết chặt chẽ giữa các đối tác nhưng nó linh hoạt ở chỗ dịch chuyển địa điểm các đối tác đó.

Đó là câu chuyện của Samsung dịch chuyển vào Việt Nam thì chuỗi cung ứng toàn cầu của dệt may cũng sẽ dịch chuyển như vậy. Khi đó người ta sẽ nhận ra rằng dệt may của Việt Nam sẽ tốt hơn dệt may của Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Trước khi có WTO, thị phần ở Mỹ của Việt Nam là dưới 3% và giờ là 10%, đứng thứ 2 sau Trung Quốc, thị phần này lấy phần lớn của TQ. Điều này để thấy rằng khi có điều kiện thuận lợi sẽ là tác nhân cho quá trình dịch chuyển chuỗi chảy vào Việt Nam. Chuỗi cung ứng toàn cầu này sự cam kết cao đến đâu cũng chỉ phục vụ lợi ích duy nhất cho lợi nhuận và khả năng tăng trưởng bền vững của chuỗi. Thị trường nào tạo ra lợi nhuận hấp dẫn hơn thì sẽ là nơi chuỗi được xác lập.

TPP – Tiêu chuẩn cao, cam kết sâu

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tích cực tham gia được đánh giá là một FTA “tiêu chuẩn cao và toàn diện”. Thứ trưởng có thể giải thích thêm về điều này?

Ông Trần Quốc Khánh: Hiệp định này là điển hình của hiệp định thương mại tự do hoàn toàn mới vì bên cạnh các vấn đề truyền thống như thương mại, hàng hóa, thương mại-dịch vụ hay đầu tư thì Hiệp định còn bàn đến những vấn đề phi truyền thống khác như: sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn môi trường có liên quan thế nào đến thương mại hay việc mua sắm công. Hiệp định cũng đề cập đến chính sách cạnh tranh của DN Nhà nước, thương mại điện tử. Đây đều là những lĩnh vực mới, được cho rằng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình môi trường kinh doanh của đầu thế kỉ 21 và cũng là những lĩnh vực khó với Việt Nam. Vì vậy đây là hiệp định toàn diện.

Còn nói tiêu chuẩn cao vì mức độ cam kết sâu. Ví dụ như TPP hướng đến mục tiêu xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu. Trong các hiệp định trước đây việc xóa bỏ thuế nhập khẩu chưa bao giờ lên đến 100%. Hay như Hiệp định với Liên minh Châu Âu họ cũng đặt ra phương thức chung là phải xóa bỏ 90% thuế nhập khẩu trong tối đa 7 năm. Vì vậy có thể nói đây là Hiệp định tiêu chuẩn cao và lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận được một hiệp định như vậy.

Tập dượt theo lộ trình

Thưa Thứ trưởng, TPP đã trải qua 19 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên bổ sung. Để tận dụng tốt các cơ hội mà TPP mang lại, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam nên có sự chuẩn bị như thế nào và lường trước những khó khăn, thuận lợi gì khi TPP bắt đầu đi vào thực thi?

Ông Trần Quốc Khánh: Tôi đính chính lại là đến giờ phút này đã đàm phán 30 phiên chính thức. Các nước TPP đặt mục tiêu đàm phán kết thúc cuối năm 2013 ở phiên 19, sau đó vẫn phải đàm phán tiếp nên sau con số 19 người ta không gọi là phiên nữa, gọi là đàm phán bổ sung, nhưng thành phần vẫn vậy. Hiệp định đang tiến đến những tháng cuối cùng, khả năng kết thúc trong 6 tháng đầu năm nay.

Mỗi DN sẽ có thách thức khác nhau tôi mong các DN tự phân tích, tự rút ra cho mình cơ hội và thách thức như thế nào. Nói điều tốt nhất cho DN thì nó là 1 công thức chung sáo rỗng như DN cần tìm hiểu cơ hội, cắt giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh,... Cái DN cần nhiều hơn thế.

Chúng tôi là quan chức Nhà nước không hoạt động trong lĩnh vực DN nên cũng khó đưa ra lời khuyên cụ thể nhưng quan trọng nhất là Nhà nước hãy chuẩn bị một môi trường cạnh tranh cho họ.

Ta sẽ hội nhập theo tiêu chuẩn cao nhưng theo lộ trình. Nhà nước nên tập dượt dần cho các DN bằng cách tăng cường khả năng cạnh tranh trong nước. Giống như việc hiện nay DN đang ở nước ngọt thì cho họ quen dần với nước lợ để khi ra nước mặn họ tồn tại được.

Ông Lê Tiến Trường: Mặc dù trong lĩnh vực cụ thể là dệt may nhưng cũng không có bài giải chung cho các DN. Bởi mỗi DN phục vụ 1 loại khách hàng, 1 loại đơn hàng, thậm chí có DN không có khách hàng truyền thống.

Chủ yếu là các DN lớn, đã hoạt động lâu năm, có quan hệ nằm trong chuỗi cung ứng của các thương hiệu khách hàng lớn thì họ có cơ hội chuẩn bị cho việc nâng cấp mình lên. Thách thức là lợi thế khi quy tắc xuất xứ từ sợi mới được hưởng lợi từ Hiệp định TPP. Trước đây ta đang mua từ những nơi không được hưởng lợi ích này, giờ muốn hưởng lợi ích này thì phải tìm cách mua trong khối TPP hoặc tự làm. Mà khối TPP toàn nước phát triển thì làm gì còn ai làm dệt may nữa, tóm lại là “ta làm”. Những người có khả năng đó đã nằm ở nấc sát nhất trong chuỗi cung ứng có quan hệ trực tiếp với những khách hàng mạnh trên thế giới thì nên tranh thủ tận dụng nhanh trong đàm phán, hợp tác với đối tác để dịch chuyển thêm các bước sản xuất vào Việt Nam để hưởng được lợi ích của Hiệp định. Các DN khác có quy tắc xuất xứ, có yêu cầu tỉ lệ cao ở Việt Nam hơn thực tế đang có thì đều cần tiếp cận theo hướng này.

Cơ hội cân đối cán cân thương mại

Tham gia Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đã ảnh hưởng đến cán cân thương mại song phương theo hướng bất lợi cho Việt Nam. Hiện nay ta lại đang cùng ASEAN tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực (RCEP), mà bản chất của RCEP là làm sâu sắc hơn nữa các FTA ASEAN+1 trong đó có ACFTA. Điều này liệu có làm lệch thêm cán cân thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc?

Ông Trần Đình Thiên: Câu hỏi này đặt ra nhiều vấn đề. Vừa rồi ta nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn, có lẽ cũng phải phân biệt, nói lệch theo hướng tiêu cực cũng không hoàn toàn ổn. Về ngắn hạn ta nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc thì rẻ hơn, vì thị trường này gần nhất nên có lợi cho DN Việt Nam. Về dài hạn, ta nhập mãi mà không làm, chỉ toàn gia công, lắp ráp thì không ổn, chưa biết bao giờ Việt Nam mới có nền công nghiệp có thể tự hào được. Giữa dài hạn và ngắn hạn nên có phân biệt.

Trong điều kiện bình thường, sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc rất lớn thì thêm RSEP có lệch thêm nữa không? Rõ ràng nếu cứ thế này hoặc hạ xuống thì độ lệch tăng lên. Chính việc kí kết nhiều hiệp định thương mại tự do tạo ra hấp lực từ các thị trường khác có thể thay thế hiệu quả hơn thì khả năng độ lệch sẽ giảm đi. Ta cũng cố gắng tận dụng các FTA khác để tiếp cận những chuỗi mà vị thế Việt Nam tốt lên, ta đừng đặt ra câu chuyện những định đề có tính chất tuyệt đối.

Việc ký nhiều FTA tạo ra nhiều cơ hội sẽ giúp chúng ta xử lý được rủi ro khi thương mại bị lệch về một, hai đối tác. Cơ hội để ta xoay chuyển cấu trúc thương mại để ta có một cơ cấu không chỉ cân bằng hơn mà hiệu quả hơn.

Tạo sức ép để DN sẵn sàng hội nhập

Theo một số chuyên gia đánh giá, khi tham gia các FTA Việt Nam chỉ có 40% cơ hội, 60% thách thức. Nếu không có một chiến lược phát triển bài bản thì chúng ta ko thể tận dụng được. Vậy vai trò của Nhà nước là gì để có thể giảm thiểu sự thụ động? (Hiệp hội Dệt may: Cơ hội cho doanh nghiệp dệt may ở mức độ nào. Nhà nước và doanh nghiệp cần có giải pháp ra sao để giảm thiểu sự thụ động?

Ông Trần Quốc Khánh: Tôi không rõ tính toán 40% cơ hội, 60% thách thức là dựa trên cơ sở nào, nhưng nếu đúng như vậy thì chúng ta sẽ không đàm phán các FTA nữa. Tôi nghĩ là một tỷ lệ khác.

Nhà nước phải tạo ra môi trường, tạo ra sức ép thay đổi từ bên trong để các DN sẵn sàng với hội nhập quốc tế. Nếu như chúng ta xâu chuỗi hàng loạt các hoạt động gần đây của Nhà nước như: Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, khắc phục các tín hiệu thị trường lệch lạc (đưa giá điện, than về đúng giá thị trường), cơ cấu lại DN Nhà nước… thì thấy rằng NN đang đưa ra một môi trường trung tính để nguồn lực đi vào đúng chỗ có khả năng cạnh tranh. Theo đó, DN mạnh sẽ mạnh thật, họ sẽ có sức đề kháng thật... Trong môi trường như vậy thì tính linh hoạt của cả nền kinh tế sẽ cao, đứng trước thách thức nền kinh tế sẽ dễ bề thay đổi hơn và chỉ khi đó ta mới nắm bắt được các cơ hội do các hiệp định mang lại.

Tôi nghĩ trong thời gian qua Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề này và đặt ra yêu cầu rất cao về đổi mới DNNN, cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, tăng sức ép với các DN để buộc họ phải suy nghĩ về hội nhập.

Ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”?

Một chuyên gia ngành chăn nuôi cho rằng, với việc tham gia vào các FTA, nhất là TPP, 90% dòng thuế có thể giảm về 0% và khi đó, ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”, trước mắt là đối diện với việc nhập thịt gia cầm từ Hàn Quốc, sau nữa là các nước TPP rất mạnh về chăn nuôi. Chúng ta có những giải pháp như thế nào để đối diện được với thách thức trên, thưa ông?

Ông Trần Quốc Khánh: Đối với ngành chăn nuôi là khó, nông nghiệp nhìn chung là khó vì cơ cấu nông nghiệp không dễ dịch chuyển trong một sớm một chiều, đặc biệt khi năng suất ta thấp, giá thành ta cao.

Nhưng khi quyết định hội nhập kinh tế quốc tế thì Chính phủ và Bộ NNPTNT đã có tính toán cụ thể. Khi khó khăn như vậy thì ta có thể có một số lao động dôi dư. Nếu ta phát triển được xuất khẩu và sản xuất thì sẽ có 2 hệ quả. Phát triển xuất khẩu sẽ tạo ra thị trường mới cho nông sản, người dân có thể chuyển sang nuôi trồng những loại cây hoặc thủy sản sẽ có thị trường ổn định. Nếu ta phát triển sản xuất sẽ thu hút được lao động dôi dư trong nông nghiệp, giúp quá trình tái cơ cấu nông nghiệp thành công.

Chính phủ cũng đã khẳng định nếu chấp nhận thách thức thì ta cũng phải đảm bảo được tiến độ, tức là nếu giảm thuế thì cũng phải theo lộ trình dài. Tôi hi vọng lộ trình đủ dài như vậy sẽ hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp.

Hơn nữa, cũng không dễ thay đổi thói quen tiêu dùng trong một sớm một chiều. Bây giờ ngành chăn nuôi ta đang lo ngại thịt gà, thịt lợn của các nước TPP vào Việt Nam, đặc biệt của Hoa Kỳ.

Nhưng tôi cho rằng rất nhiều gia đình Việt Nam sẽ ưa gà nuôi, gà thả đồi hơn gà công nghiệp, thịt lợn cũng vậy, người Việt không quen sử dụng thịt đông lạnh... Tất nhiên, thói quen tiêu dùng có thể thay đổi trong tương lai, khi công nghiệp hóa ở mức độ cao nhưng ít nhất trong hiện tại thì thói quen đó sẽ rất khó thay đổi.

Tôi đã nhiều lần báo cáo với Bộ NNPT&NT, chúng ta là nước nông nghiệp, ta hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu… không có có gì ta không cạnh tranh được thịt gà, thịt lợn. Trước đây, ta chưa có thế hệ nhà đầu tư lớn, sản xuất còn manh mún, giá thành cao, nhưng hiện ta đã có sữa tươi TH, hay cách làm của nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai và nhiều nhà đầu tư đã đầu tư vào nông nhiệp như anh Minh Himlam đã đầu tư vào hạt Macca thì chúng ta có hi vọng Việt Nam sẽ thành công, kể cả trong khu vực chúng ta cho rằng chúng ta không có sức cạnh tranh như ở chăn nuôi.

Tôi nhớ có bài báo gần đây của báo Tiền Phong nói về việc nuôi lợn giống ở Bình Phước có khoảng hơn 2.000 con lợn nái và 10.000 con dự bị. Chủ trại đã sang Thái Lan học hỏi người Thái làm và tôi rất thích câu anh ta nói rằng: “Trình độ của họ hơn mình, nhưng người Việt chưa làm chứ không phải là không làm được”. Ai tin ta có sức cạnh tranh về đường đến khi Hoàng Anh Gia Lai chứng minh điều đó. Ai nghĩ chúng ta chăn nuôi được bò và có sữa tươi khi TH làm ở Nghệ An. Nếu có một đội ngũ doanh nhân mới, năng động như vậy thì hi vọng chúng ta sẽ làm được.

Không phải mọi thách thức đều đến từ FTA

Đối với Hiệp hội Dệt may, đây cũng là một thách thức rất lớn khi rất nhiều nguồn hàng sẽ từ các nước tham gia FTA sẽ xuất sang VN; bên cạnh đó, việc quy định quy tắc xuất xứ rất chặt chẽ với ngành dệt may, tức là hàng dệt may XK của VN phải tuân thủ xuất xứ từ sợi, vải, cắt, may tại các nước TPP sẽ được ngành Dệt may chuẩn bị ra sao?  

Ông Lê Tiến Trường: Quay lại với tỉ lệ 40% cơ hội, 60% thách thức. Không nói về đúng sai nhưng không phải các thách thức đều đến từ FTA mà thách thức đến từ nội tại của ta. Nói cách khác không có FTA thì vẫn có thách thức như: Năng suất thấp, trình độ công nghệ thấp, sức cạnh tranh không cao... Nên nhiều khi ta cộng dồn tất cả vào và nói đó là thách thức của FTA thì không phải vậy. Để nguyên thế này nền kinh tế của chúng ta cũng không phát triển được do những hạn chế đó.

Do vậy, để tăng sự chủ động của DN thì Nhà nước chỉ làm được một việc là chi phí vận hành  DN tại Việt Nam cần cạnh tranh, tức là những chi phí DN phải trả cho dịch vụ công cần cạnh tranh, còn DN cạnh tranh theo cơ chế thị trường thì không cần dạy họ thắng hay thua. Điều này sẽ làm DN bớt thụ động, làm người ta tăng sự chủ động, còn DN sẽ có DN thành công, DN thất bại.

Dệt may cũng vậy, sẽ có những người thành công và cũng sẽ có những người không thể thành công nổi. Trước đây suy nghĩ theo cách cũ, “các anh thành công còn em cứ vừa vừa theo cách cũ em làm”, sự thật là sẽ không còn loại DN vừa vừa được nữa. Người đứng lại sẽ là người rơi vào vào suy thoái, những khó khăn này thì DN sẽ phải nhận thức.

Đối với dệt may, chuẩn bị lớn nhất là về nguyên liệu, còn sự tấn công của hàng hóa nước ngoài vào dệt may Việt Nam thì khác với nông nghiệp vì dù sao dệt may Việt Nam là ngành có năng lực cạnh tranh.

Trong lĩnh vực này, bao giờ cũng phải cạnh tranh với nhóm hàng cao cấp từ các nước G7 sang. Còn những nhóm hàng thấp hơn sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia gần về địa lý. Dệt may Việt Nam không e ngại áp tực từ cạnh tranh với nhóm hàng hóa đi vào, vì chúng tôi đủ năng lực đi ra. Vấn đề là xử lý làm sao để lượng hàng đi ra lớn hơn đi vào để tạo ra thêm việc làm. Đó là những việc dệt may Việt Nam đang chuẩn bị.

Ông Trần Quốc Khánh: Tôi nghĩ là không ai hơn được các DN dệt may Việt Nam, 15 tỷ USD xuất khẩu năm vừa rồi đã chứng minh rằng họ đã làm rất tốt công việc của mình nên tôi không thể có lời khuyên nào hơn với công việc của họ.

Mở cửa thị trường - Có qua có lại

Có một doanh nghiệp thép băn khoăn thế này thưa Thứ trưởng, chúng ta đã ký FTA giữa Việt Nam- Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazakztan nhưng đây sẽ là Hiệp định cực kỳ bất lợi đối với ngành sản xuất thép trong nước, bởi cả nền CN sản xuất thép khổng lồ sang VN thuế bằng 0% sẽ là nguy cơ cho các doanh nghiệp thép của VN khủng hoảng thừa. Các nước trong ASEAN không mặn mà với FTA này, tại sao Việt Nam ký kết? Chúng ta có giải pháp gì để khắc phục các bất lợi trên, thưa Thứ trưởng?

Ông Trần Quốc Khánh: Chúng ta ký kết với Liên minh hải quan trong đó có Nga vì Nga là thị trường lớn và đã từng là thị trường truyền thống của chúng ta. Cả Trung Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ đều muốn xâm nhập vào Nga và lợi ích trên thị trường Nga lớn đến nỗi châu Âu cũng phải cân nhắc khi xảy ra biến động gần đây. Ta cũng rất muốn quay trở lại thị trường truyền thống của mình. Nước bạn cũng đồng ý đàm phán hiệp định như vậy, mở cửa thị trường dệt may, giày dép, hàng thủy sản và nhiều sản phẩm ta có thế mạnh. Đổi lại, như ta đã biết, hàng xuất khẩu của Nga không nhiều (xăng dầu, sắt thép, săm lốp ô tô) cho nên muốn họ mở cửa thị trường cho mình thì mình cũng phải cân nhắc mở cửa thị trường cho những sản phẩm quan trọng của người ta.

Không chỉ riêng Hiệp hội Thép mà tất cả những hiệp hội khác khi gặp phải những vấn đề cần tham vấn ý kiến thì chúng tôi cũng thường xuyên hỏi các DN, đã họp nhiều lần với Hiệp hội Thép về vấn đề này.

Tôi khẳng định không phải tất cả mặt hàng ta giảm thuế cho sắt thép của LB Nga đều là những mặt hàng nhạy cảm. Nga yêu cầu 167 dòng thuế thì hiệp hội thép đã tính toán chỉ có 25 dòng nhạy cảm, chia làm 4 cấp bậc, những dòng nhạy cảm nhất chỉ trên dưới 10 dòng thuế.

Với những dòng thuế nhạy cảm này chúng tôi cố gắng đáp ứng tối đa yêu cầu của Hiệp hội Thép về lộ trình giảm thuế. Cũng không loại trừ việc ta không giảm thuế cho mặt hàng đó, vì đây là lợi ích lớn của Nga trong đàm phán và ta cần có sự đáp ứng thỏa đáng thì họ mới đáp ứng cho mình.

Tuy nhiên chúng ta đã có lộ trình để sức ép đến chậm hơn, tạo điều kiện cho các DN ngành thép tái cơ cấu. Hơn nữa, việc cạnh tranh trong ngành thép đã diễn ra từ lâu, không chờ đến lúc ta đàm phán với Nga. Trong khi đó nếu Nga xuất khẩu thép vào Việt Nam thì họ phải vận chuyển thép từ Biển Đen về, chi phí không phải rẻ.

Nên tôi không nghĩ rằng khi về đây họ ở trong thế “bóp chết” ngành sản xuất thép của Việt Nam. Chúng ta không so sánh giá thành xuất xưởng vì giá của Việt Nam đúng là không thể đọ được của thép Nga, nhưng họ cũng phải chịu chi phí vận tải về đây.

Hơn nữa, vài năm qua, kinh tế của chúng ta trì trệ, hoạt động bất động sản khó khăn, đầu ra của thép bị hạn chế, trong bối cảnh đó các DN có xu hướng bi quan về tương lai, nhưng khi kinh tế khởi sắc trở lại thì mọi thành phần kinh tế sẽ đều có phần. Tôi tin rằng ngành thép sẽ nhận ra mở cửa chấp nhận cạnh tranh cũng không quá khó khăn.

Thưa Thứ trưởng, chúng ta còn 6 FTA, đáng chú ý nhất là TPP và FTA với EU. Chính phủ cũng kỳ vọng năm 2015 sẽ kết thúc đàm phán 02 Hiệp định này. Vậy Thứ trưởng có thể chia sẻ với khán giả về tiến trình đàm phán TPP và VN-EU? Liệu công tác đàm phán có kết thúc theo kế hoạch?   

Ông Trần Quốc Khánh: Đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương là đàm phán giữa 12 nước nên không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của chúng ta, việc có sự đồng thuận của cả 12 nước là việc không dễ dàng.

Mục tiêu đặt ra là kết thúc Hiệp định TPP trong 6 tháng đầu năm, hiện nay đang tiến triên tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tình hình chính trị của Hoa Kỳ tương đối phức tạp. Nhiều lực lượng phản đối việc Hoa Kỳ ký kết TPP vì họ cũng e ngại sức cạnh tranh của Việt Nam trong dệt may, giày dép và thủy sản, họ e ngại sữa của New Zealand và ô tô của Nhật Bản. Chúng ta sẽ cố gắng nỗ lực cùng các nước để đàm phán TPP, nhưng tôi nhấn mạnh là việc này không phụ thuộc vào quyết tâm của riêng Việt Nam.

Với Liên minh châu Âu thì đây là đàm phán song phương nên ta có thể kiểm soát tiến độ cũng như kỳ vọng. Tháng 10/2014 cơ bản đã kết thúc rất nhiều lĩnh vực rồi, còn vài lĩnh vực khó nhất thì đoàn đàm phán đã đưa ra định hướng xử lý nên cơ hội để kết thúc đàm phán trong 6 tháng đầu năm nay là có.

DN Việt sẽ tiếp cận với thế giới nhanh hơn

Khi những rào cản kinh tế-thương mại được khai thông, các ngành hàng bán lẻ, thực phẩm, đồ uống thường là những lĩnh vực đi đầu trong việc tham gia chuỗi bán hàng theo kiểu nhượng thương quyền (franchising). Thực trạng ở Việt Nam như thế nào và đánh giá về triển vọng của mô hình này ở Việt Nam khi các FTA mới có hiệu lực?

Ông Trần Đình Thiên: Riêng việc này thì Việt Nam có thể nói là “nhanh mắt, nhanh tay”, học và triển khai rất tốt. Tôi nghĩ rằng với tinh thần như vậy, với thị trường mở thì những hoạt động này cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam. Đây là cuộc đua để các thị trường sôi động các nền kinh tế giao thoa tốt hơn. Tôi nghĩ rằng DN Việt Nam với sự linh hoạt và với môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện thì DN Việt sẽ tiếp cận với thế giới nhanh hơn.

Ông Trần Quốc Khánh: Nhượng quyền là bộ phận cấu thành trong định nghĩa về việc phân phối của WTO. Khi ta gia nhập WTO thì có đưa ra một số hạn chế với dịch vụ bán buôn/lẻ nhưng với nhượng quyền thì không có hạn chế. Vì nhượng quyền là ta chỉ mượn họ mô hình kinh doanh và thương hiệu. Mô hình này sẽ phát triển ở Việt Nam mà không cần bất kì FTA nào cả.

Trưởng đoàn đàm phán của Nhật đã tâm sự với tôi rằng trước đây Nhật rất sợ mô hình các cửa hàng tiện lợi nhưng sau này họ nhận ra rằng sự phát triển mô hình cửa hàng tiện lợi sẽ tạo cơ hội cho các cửa hàng buôn bán nhỏ tham gia vào. Mô hình này rất phù hợp với Châu Á. Tôi cũng cho rằng mô hình này chắc chắn sẽ thành công ở Việt Nam.