GDP quý I của Việt Nam tăng 3,82% dù kinh tế toàn cầu suy giảm do dịch bệnh Covid-19

Hoa Sơn

Số liệu từ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vẫn có những dấu hiệu tích cực

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2020, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều yếu tố tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của mỗi quốc gia.

Cụ thể, trên thế giới, giá dầu thô giảm mạnh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran và đặc biệt là dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu dẫn đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục cắt giảm lãi suất, nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng. Ở trong nước, Chính phủ đã đặt ưu tiên hàng đầu là phòng, chống dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân.

Trong bối cảnh đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, tuy đạt mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I năm nay; khu vực dịch vụ tăng 3,27% (đóng góp 41,4%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, kết quả tích cực đó cho thấy, kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để đẩy lùi dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiềm ẩn nhiều thách thức

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 lây lan mạnh khiến kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu ước đạt 2,8 tỷ USD. Đối với ngành du lịch, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý 1 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là nguyên nhân chính đưa CPI tháng 3 giảm 0,72% so với tháng trước. Cụ thể, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. CPI bình quân quý I tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019 trong khi lạm phát cơ bản bình quân quý I tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, trong quý I/2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 243,7 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước do gặp nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, tuy đạt mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I năm nay

Trên thực tế, quan sát tác động của dịch Covid-19 gần 3 tháng qua cho thấy, gần như mọi lĩnh vực, ngành nghề trong nền kinh tế đều bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng rất nặng nề như du lịch, vận tải, nông nghiệp… Kết quả này đã ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Tính từ đầu năm đến ngày 15/3, thu ngân sách ước đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 256,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3%; thu từ dầu thô 12,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 42,4 nghìn tỷ đồng, bằng 20,4%...

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mới đây, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trong Dự thảo này, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm một số nhóm ngành được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nâng số tiền gia hạn ước tính lên tới hơn 80.200 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với số dự kiến trước đó là hơn 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đề xuất gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ được các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đánh giá là sự hỗ trợ, động viên kịp thời đối với cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Có nhiều ý kiến cho rằng đây là một chính sách tốt, được ban hành kịp thời sẽ hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa được khống chế.

Theo PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, khi các chính sách gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất được ban hành sẽ có ý nghĩa, tác dụng hỗ trợ rất lớn đối với doanh nghiệp. Căn cứ vào đối tượng doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách như quy định tại dự thảo nghị định thì tất cả doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đều được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Như vậy, sẽ có một bộ phận rất lớn doanh nghiệp được thụ hưởng ngay lập tức chính sách hỗ trợ này. Ngoài ra, còn có các hộ kinh doanh cũng thuộc đối tượng được gia hạn thời hạn tiền thuế.