Gia nhập ASEAN giúp kinh tế Việt Nam hội nhập sân chơi khu vực và toàn cầu


Sau 25 năm gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các nước trên thế giới, có độ mở kinh tế rất lớn với tỷ lệ kim ngạch thương mại/GDP hơn 200%.

Việt Nam rất tích cực đưa ra những định hướng, quyết sách cho việc phát triển ASEAN.
Việt Nam rất tích cực đưa ra những định hướng, quyết sách cho việc phát triển ASEAN.

Theo PGS.,TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), kể từ khi gia nhập ASEAN (năm 1995), ASEAN được coi là bệ phóng giúp Việt Nam hội nhập sân chơi khu vực và toàn cầu. Từ đó, Việt Nam tham gia rất nhiều cơ chế hợp tác khu vực, từ ASEAN+ đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực mà ASEAN là trung tâm... Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các nước trên thế giới, có độ mở kinh tế rất lớn với tỷ lệ kim ngạch thương mại/GDP hơn 200%.

Gia nhập ASEAN cũng là bệ phóng giúp Việt Nam hiện thực hóa mong muốn hội nhập khu vực và thế giới, mở rộng quan hệ thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống người dân. Những cơ chế hợp tác này có lợi cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng quan hệ thương mại. Bằng chứng là, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình hơn 10 năm nay và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 3.000 USD. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn thể hiện sự tích cực thúc đẩy cơ chế hợp tác chung. 

Cùng với chính sách mở cửa thu hút đầu tư, sau khi gia nhập ASEAN, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt từ ASEAN vào Việt Nam cũng đã tăng mạnh.

Trong 25 năm qua, Cộng đồng ASEAN đã ghi nhận những đóng góp của Việt Nam vào sự phát triển chung của Khối. Điển hình như: Việt Nam rất tích cực đưa ra những định hướng, quyết sách cho việc phát triển ASEAN, chỉ mới gia nhập ASEAN được 3 năm, vào năm 1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ VI. Hội nghị đã đưa ra Chương trình Hành động Hà Nội với những nội dung rất quan trọng để triển khai Tầm nhìn 2020, tạo nền tảng cho việc thành lập Cộng đồng ASEAN sau này.

Đồng thời, Việt Nam đã đảm nhiệm rất thành công các nhiệm vụ luân phiên; tham gia rất nhiều đề xuất sáng kiến hợp tác thiết thực hướng tới người dân. Khi đề xuất thành lập Cộng đồng ASEAN, các quan chức ASEAN ban đầu chủ yếu tập trung cho việc xây dựng 2 cộng đồng chính, gồm Cộng đồng An ninh - Chính trị và Cộng đồng Kinh tế, còn Cộng đồng Văn hóa - Xã hội về sau mới được xây dựng với đóng góp lớn từ Việt Nam, bởi Việt Nam đề xuất nhiều sáng kiến về phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế và gắn kết người dân ASEAN.

Đến nay, Việt Nam là một trong 2 quốc gia thành viên có tỷ lệ thực hiện cam kết cao nhất (chỉ sau Singapore), thực hiện trên 95,5% cam kết trong kế hoạch tổng thể xây dựng AEC.

GS. Yasuhiro Yamada, trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) về vấn đề Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam

Vốn FDI từ các nước ASEAN chảy vào Việt Nam trong 25 năm qua đã khẳng định, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực. Những dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp tại Việt Nam là xung lực đưa kinh tế Việt Nam đi lên, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.