Gia tăng nhịp độ xuất khẩu

Theo Hồng Sơn/hanoimoi.com.vn

8 tháng qua, nền kinh tế đạt kết quả khá toàn diện, trong đó có sự đóng góp tích cực của xuất khẩu với 3,4 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất siêu. Vì thế, từ nay đến cuối năm cần chủ động gia tăng nhịp độ xuất khẩu, khắc phục khó khăn để đóng góp nhiều hơn nữa vào kết quả tăng trưởng chung cả năm.

Sơ chế, bảo quản vải thiều xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Sơ chế, bảo quản vải thiều xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng qua, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 170 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đã có 26 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại và linh kiện... Nhờ kim ngạch xuất khẩu cao hơn kim ngạch nhập khẩu nên nền kinh tế đã xuất siêu 3,4 tỷ USD giá trị hàng hóa.

Nguyên nhân chủ yếu là nhóm hàng điện thoại và linh kiện đã tăng đột biến (đạt mức tăng 37,8% trong tháng 8) với sản phẩm chủ lực Galaxy Note 10 tung ra thị trường quốc tế. Riêng nhóm điện thoại và linh kiện này đã chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của cả nước.

Xét về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với giá trị nhập khẩu 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ. Tiếp theo là thị trường EU đạt kim ngạch 27,7 tỷ USD, Nhật Bản đạt 13,4 tỷ USD...

Có một thực tế đáng mừng là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt mức 13,9%, tức là gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là tín hiệu tích cực bởi từ trước đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài thường đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với khu vực trong nước.

Nhận xét về sự chuyển biến tích cực này, ông Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương) cho rằng, thực tế trên đã duy trì qua một số tháng gần đây và xác lập một xu hướng mới là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực nội địa cao hơn khu vực đầu tư nước ngoài. Đây là kết quả của một quá trình tái cơ cấu, chuyển biến tích cực và liên tục của cộng đồng doanh nghiệp trong nước từ những khoản đầu tư đúng hướng...

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, tình hình giao thương quốc tế diễn ra trong xu hướng bất lợi, suy giảm so với cùng kỳ; nhất là sự ảnh hưởng trên diện rộng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Chưa kể, một số trung tâm kinh tế, nền kinh tế lớn cũng đang trong tình trạng trầm lắng. Vì vậy, kết quả xuất khẩu rất đáng ghi nhận trong bối cảnh bất lợi nói trên.

Tuy vậy, cần thừa nhận rằng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn thấp so với kỳ vọng. Vấn đề đặt ra là tranh thủ cơ hội, khắc phục khó khăn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu; nhất là trong bối cảnh một số mặt hàng nông, thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu gạo sang Trung Quốc khó khăn là bên nhập khẩu siết chặt yêu cầu kiểm dịch cũng như tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo doanh nghiệp về tình trạng ùn ứ nông sản trong quá trình xuất khẩu. Theo ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), trong một số trường hợp doanh nghiệp chưa nắm hết các quy định về giao hàng, thời gian, quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa của nước bạn và phải chịu thiệt hại một cách không đáng có.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đang triển khai một số giải pháp, như: Tăng cường xúc tiến thương mại, kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc cải thiện chất lượng nông, thủy sản xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, tái cơ cấu sản phẩm xuất khẩu...

Bộ cũng khuyến nghị doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ mới, tiết giảm chi phí quản lý, thực hành tiết kiệm và chủ động ứng dụng mô hình sản xuất thông minh để nâng cao năng suất, giảm giá thành hàng xuất khẩu. Tất cả hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2019.