Giai đoạn 2016-2018, tỷ trọng thu nội địa tăng lên gần 77% tổng thu ngân sách


Giai đoạn 2016-2018, cơ cấu thu ngân sách nhà nước đã có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước.

Thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Nguồn: internet
Thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Nguồn: internet

Thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao

Theo Tổng cục Thuế, giai đoạn 2016-2018, ngành Thuế đã thực hiện nghiên cứu các thông lệ quốc tế hiện hành và khảo sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện các sắc thuế làm cơ sở đề xuất, tham mưu giải pháp cải cách hệ thống chính sách thuế theo hướng đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả.

Nhờ đó, hệ thống chính sách thuế thời gian qua đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, bao quát cơ bản các nguồn thu cần điều tiết trong nền kinh tế, đảm bảo cân đối thu chi ngân sách nhà nước phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngành Thuế đã phấn đấu và hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao cũng như mục tiêu đề ra trong Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016-2018.

Theo đó, tỷ lệ huy động thu ngân sách nhà nước bình quân trên GDP giai đoạn 2016-2018 đạt 24,9% tăng hơn mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 23,4%. Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 21% GDP giảm so với giai đoạn 2011-2015 là 21,6% nhằm hướng tới giảm dần tỷ lệ huy động từ thuế và phí.

Cơ cấu thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2018 đã có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước, đạt 76,6%, tăng đáng kể so với các giai đoạn trước (giai đoạn 2006 -2010 là 58,9%, giai đoạn 2011-2015 là 67,8% ).

Như vậy, ngành Thuế đã cơ bản đảm bảo theo đúng định hướng chiến lược cải cách hệ thống thuế là tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước để bù đắp thuế xuất nhập khẩu giảm do tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu và sự lên xuống thất thường của giá dầu do sự can thiệp của các nước lớn.

Tiếp tục cải cách công tác quản lý thuế

Trước bối cảnh kinh tế xã hội thế giới và trong nước có nhiều biến động khó lường, để tiếp tục cải cách công tác quản lý thuế, thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý thuế nhằm thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, duy trì mục tiêu Việt Nam là một trong bốn nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế.

Đồng thời, đổi mới và tăng cường năng lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ đối với người nộp thuế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, chú trọng nâng cao kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong một số lĩnh vực giá chuyển nhượng, thương mại điện tử; đôn đốc kịp thời, đầy đủ các khoản nợ thuế vào ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thuế, giảm nợ đọng thuế.

Ngành Thuế sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp và điều chỉnh dần cơ cấu nguồn nhân lực đảm bảo hiệu quả, phù hợp với nhiệm vụ quản lý thuế và thông lệ quốc tế; chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực đảm bảo phù hợp mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác, phối hợp với các cơ quan thuế các nước/vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt cơ chế trao đổi thông tin và hỗ trợ thu thuế phục vụ cho công tác quản lý thuế...