Giải ngân vốn ODA chưa đảm bảo theo kế hoạch là rất đáng báo động, cấp bách


Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019” được Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày 26/6.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Ngọc Đông; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Đỗ Doãn Toản cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, UBND một số tỉnh, thành và các tập đoàn và tổng công ty và  các sở, ban, ngành và 62 điểm cầu tại Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố. Về phía đại biểu quốc tế có đại diện 6 nhà tài trợ là Giám đốc quốc gia của các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế gồm: ADB, WB, AFD (Pháp), JICA (Nhật Bản), KFW (Đức), K-EXIM (Hàn Quốc).

Số liệu giải ngân vốn ODA từ năm 2016 đều không đạt dự toán

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nếu năm 2018 là năm bản lề, thì 2019 là năm bứt phá để bảo đảm thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020.

Để đạt được mục tiêu đó, các cấp ngành, địa phương và Chính phủ đã có các nghị quyết, kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, dự toán NSNN 2019. Một trong những nhiệm vụ cơ bản đó là giải ngân nhanh, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Đây là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, số liệu giải ngân vốn ODA từ năm 2016 đều không đạt dự toán. Trong đó, riêng năm 2019 dự toán Quốc hội giao 60.000 tỷ đồng, trong đó đã giao 47.000 tỷ đồng; giải ngân 5 tháng mới đạt trên 1.000 tỷ đồng, bằng 5,6% kế hoạch Thủ tướng giao. Đến hết tháng 5/2019, công tác giải ngân chưa đảm bảo giải ngân theo kế hoạch… Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là con số rất đáng báo động, cấp bách.

Cụ thể, trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ODA và vay ưu đãi là 360.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2019, con số giao từ dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2019 là 244.000 tỷ đồng, số còn lại chưa giao hơn 115.000 tỷ động và chỉ tương đương gần 70% kế hoạch điều chỉnh cả giải đoạn.

Năm 2016, dự toán Quốc hội giao là 50.000 tỷ đồng nhưng giải ngân chỉ được 42.000 tỷ đồng, đạt 81%; năm 2017 dự toán 74.000 tỷ đồng, giải ngân đạt 56.000 tỷ đồng, đạt 74% dự toán; năm 2018, dự toán là 60.000 tỷ đồng, giải ngân 32.000 tỷ đồng giải ngân 53%. Lũy kế hết tháng 5, chưa giải ngân so với kế hoạch ban đầu 166.000 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng, nhằm hỗ trợ giải ngân ODA và vay ưu đãi nước ngoài, với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị lần này với sự tham dự của các bộ, ngành chủ dự án và các đối tác phát triển nhằm bàn giải pháp hữu hiệu để giải ngân.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, muốn thúc đẩy tiến độ giải ngân của các dự  án, các bộ, ngành chủ đầu tư không thể không có sự chung tay vào công tác giải ngân nguồn vốn ODA.

Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo.
Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo.

Báo cáo tại Hội nghị, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết một số nội dung và nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chậm trễ trong công tác giải ngân vốn ODA:

Hạn chế và vướng mắc trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn

Kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầu: Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn vay nước ngoài đã được Quốc hội thông qua là 360 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả quyết định bổ sung 60 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 71 của Quốc hội).

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 26 khoản vay với tổng trị giá là 3.463 triệu USD ký mới từ năm 2016 đến nay, có nhu cầu giải ngân nhưng chưa được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Kế hoạch đầu tư công 2019 phân bổ chậm: Việc thông báo kế hoạch vốn năm 2019 của các Bộ ngành và địa phương hiện đang triển khai rất chậm. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Tình trạng này dẫn đến việc rất nhiều Bộ ngành và địa phương không có nguồn vốn để giải ngân, trong khi nhu cầu thực hiện các dự án là rất cấp bách.

Bên cạnh đó, việc đưa vào Tabmis để Bộ Tài chính thực hiện kiểm soát chi ở các bộ ngành địa phương cũng vẫn còn chậm. Cá biệt có tới 5 địa phương vẫn chưa thực hiện việc nhập Tabmis là Hưng Yên, Thái Bình, Long An, Tây Ninh và Cao Bằng.

Việc bố trí vốn thiếu so với kế hoạch và tiến độ triển khai cũng như so với cam kết của các hiệp định vay đang là mối quan tâm của cả chủ dự án và các nhà tài trợ. Chỉ tính riêng nhóm các dự án của 6 nhà tài trợ phát triển đã có trên 60 dự án chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2019 theo đúng nhu cầu, với nhu cầu vốn cần bổ sung là trên 34 ngàn tỷ đồng.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tình trạng giao kế hoạch kế hoạch vốn chưa đúng, chưa đủ vẫn còn tồn tại cá biệt có một số dự án đã hết thời hạn giải ngân nhưng vấn được bố trí kế hoạch vốn.... Ví dụ Dự án Xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Dự án Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh - tỉnh Thanh Hóa; Chương trình đào tạo nghề 2008 (Đức).

Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công chậm: Việc điều chỉnh kế hoạch vốn ở các dự án và các tiểu dự án diễn ra thường xuyên và liên tục ở tất cả Bộ ngành và địa phương. Tuy nhiên, thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn theo quy định là rất phức tạp qua nhiều cấp, dẫn đến thủ tục điều chỉnh bị kéo rất dài. Nhiều trường hợp dự án đến khi được điều chỉnh thì đã hết thời hạn giải ngân và lại phải xin gia hạn dự án, gia hạn giải ngân kéo theo nhiều thủ tục pháp lý rất phức tạp. (Ví dụ dự án Nâng cấp đô thị đồng bằng sông Cửu Long, dự án Phát triển đô thị loại vừa vay vốn WB, dự án Đường hành lang ven biển phía Nam, dự án Phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung vay vốn ADB, Dự án Thu gom, xử lý nước thải TP Vũng Tàu vay vốn Chính phủ Pháp...).

Trong khi đó, việc điều chỉnh kế hoạch tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thực hiện theo từng đợt. Từ đầu năm đến nay đã có 3 đợt đề xuất điều chỉnh với 350 dự án, nhưng đến nay các đề xuất này vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong nhiều năm nay, việc rà soát, tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội và hoàn thành thủ tục điều chỉnh thường đến gần cuối năm mới hoàn thành dẫn đến dự án không còn thời gian triển khai.

Vướng mắc về thủ tục đầu tư

Qua theo dõi, Bộ Tài chính nhận thấy việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư của dự án thường kéo dài, trong một số trường hợp việc chuẩn bị đầu tư kéo dài dẫn đến thời gian triển khai dự án là không đủ và chủ dự án buộc phải làm thủ tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án. Từ đầu năm đến nay, đã có 37 Hiệp định vay đã phải làm thủ tục gia hạn với nhà tài trợ.

Mọi thay đổi về quy mô, phạm vi, nội dung và sử dụng vốn dư đều cần phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án. Số dự án phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trong nửa đầu năm 2019 là 26 chương trình, dự án. Điển hình là các dự án đường sắt đô thị với tổng vốn đã ký kết gần 4,5 tỷ USD trong đó 4/7 dự án đang trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư. Việc bố trí nguồn vào giải ngân cho các dự án này đến nay vẫn đang đình trệ.

Thiếu vốn đối ứng: Để có thể nhanh chóng ký kết dự án, nhiều bộ ngành và địa phương đã cam kết bố trí đủ vốn đối ứng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều dự án chưa được bố trí hoặc bố trí không đủ vốn đối ứng dẫn đến việc triển khai các dự án là rất chậm. 

Tính sẵn sàng của dự án còn thấp: Trong nhiều trường hợp, các dự án mặc dù được bố trí đủ kế hoạch vốn nhưng công tác triển khai rất chậm. Điều này cho thấy, công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tư vấn thiết kế dự án, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư... thường là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm triển khai dự án (Dự án nâng cấp Quốc lộ 217 vay vốn ADB; Dự án Y tế tuyến tỉnh vốn vay KFW).

Vướng mắc về thủ tục cho vay lại

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, việc cho vay lại theo cơ chế cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng chủ yếu được thực hiện qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Tuy nhiên, công tác thẩm định tài chính, thẩm định tài sản đảm bảo, ký kết và quản lý hợp đồng ủy quyền cho vay lại thường chậm. Ví dụ: Dự án khoản vay truyền tải điện 3 vay vốn ADB, Dự án nâng cao chất lượng đại học vay vốn WB...

Vướng mắc khi thẩm định cho vay lại địa phương: Chủ yếu do các địa phương không đáp ứng được các điều kiện được vay lại nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ như:

Thứ nhất, dự án chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn Ngân sách Trung ương được giao trong giai đoạn thực hiện (Thẩm định dự án của 18 tỉnh thì có 16 tỉnh không có kế hoạch đầu tư công trung hạn).

Thứ hai, địa phương có nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài quá hạn trên 180 ngày (có 2/18 tỉnh).

 Thứ ba, ngoài ra, công tác thẩm định Cho vay lại của địa phương đôi khi bị kéo dài do phải chờ địa phương bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ thẩm định theo qui định.

Vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn

Số đơn vị gửi hồ sơ làm thủ tục rút vốn niên độ 2019 thấp: Tính đến nay, có 4 cơ quan trung ương, và 38 địa phương vẫn chưa làm thủ tục giải ngân với Bộ Tài chính. Hiện tại, mới có 6 cơ quan trung ương và 22 địa phương đã là thủ tục giải ngân trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, các cơ quan có tỷ lệ giải ngân cao nhất là Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa Thể thao du lịch, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương.

Tình trạng hồ sơ rút vốn sai, thiếu thủ tục vẫn còn phát sinh, điển hình như đơn đề nghị rút vốn các khoản chi không đúng chế độ; chi tư vấn quản lý dự án, thực hiện dự án; chi mua ô tô khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép; tạm ứng khi chưa có quyết định giao dự toán vốn..v.v.

Thời gian xử lý kéo dài: Do các vướng mắc về hồ sơ rút vốn, nhiều trường hợp các chủ dự án phải bổ sung, giải trình hồ sơ dẫn đến thời gian xử lý đơn rút vốn bị kéo dài.

Đối với một số dự án có thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ kéo dài, thông báo nhận nợ chưa kịp thời, gây ra độ trễ về thông tin, ảnh hưởng đến các thủ tục hạch toán NSNN của các chủ dự án như các dự án vay vốn Italia, Kuwait...

Quy định về chuyển nguồn, hạch toán GTGC, tài khoản tạm ứng: Chủ dự án chậm làm thủ tục GTGC, làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp số liệu báo cáo và duyệt đơn rút vốn. Chủ dự án chậm báo cáo tất toán các khoản tạm ứng từ tài khoản đặc biệt với nhà tài trợ, ảnh hưởng đến chỉ số giải ngân chung.

Ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đại diện cho 6 nhà tài trợ phát biểu.
Ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đại diện cho 6 nhà tài trợ phát biểu.

Tiến độ giải ngân các dự án ODA chậm, không chỉ các khoản vốn ODA mà ngay cả ngân sách của Nhà nước cũng chậm, gây tác động không tích cực tới phát triển.

Các cổ đông của 6 nhà tài trợ luôn quan ngại các dự án phải được giải ngân nhanh, để đưa ra các mặt tích cực về phát triển. Thời gian qua, Việt  Nam có tốc độ giải ngân nhanh và đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, trong mấy năm qua tốc độ bị chậm lại, trung bình chỉ bằng ½ so với giai đoạn trước và ½ so với các quốc gia khác đang nhận tài trợ của chúng tôi. 

Đây là vấn đề quan ngại lớn. Chúng tôi đã trao đổi với ủy ban quản lý vốn ODA của Việt Nam và Bộ Tài chính".

Hội thảo cũng đã nhận được một số ý kiến tham luận của các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các UBND TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Cần Thơ, Hà Tĩnh... liên quan đến việc giải ngân và kiến nghị về thủ tục giải ngân... Các ý kiến đã được Bộ Tài chính ghi nhận để nghiên cứu và trình Chính phủ quyết định.