Giảm 30% thuế TNDN năm 2020, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ


Tại phiên họp chiều ngày 1/6/2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho một số DN theo tiêu chí về doanh thu và lao động thuộc nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc giảm 30% thuế TNDN cho một số doanh nghiệp theo tiêu chí về doanh thu và lao động. Nguồn: QH
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc giảm 30% thuế TNDN cho một số doanh nghiệp theo tiêu chí về doanh thu và lao động. Nguồn: QH

Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số DN tại Việt Nam và các DN này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.

Theo Bộ trưởng, việc xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội để quy định giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn là cần thiết. Qua đó, kịp thời hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh Covid-19 và áp dụng ngay trong năm 2020.

Theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 10 người (thuộc nhóm DN siêu nhỏ); DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người (thuộc nhóm DN nhỏ).

Việc đề xuất giảm thuế đối với DN nhỏ và siêu nhỏ như trên nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải; đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần hỗ trợ, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và thực tế áp dụng chính sách hỗ trợ đối với nhóm DN quy mô nhỏ thời gian qua.

Căn cứ theo doanh thu và lao động để giảm thuế

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế TNDN như Tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các DN nhỏ và siêu nhỏ trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và cụ thể hóa Điều 10 và Điều 16 của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/01/2018.

Đề xuất giảm thuế đối với DN nhỏ và siêu nhỏ nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải; đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần hỗ trợ, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và thực tế áp dụng chính sách hỗ trợ đối với nhóm DN quy mô nhỏ thời gian qua.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với tờ trình của Chính phủ về giảm số thuế phải nộp (30%) và chỉ áp dụng hai tiêu chí xác định là doanh thu, kết hợp với tiêu chí về lao động để thực hiện chính sách giảm thuế TNDN cho các đối tượng này, theo đó về cơ bản đã bao quát hết các đối tượng là DN nhỏ và siêu nhỏ. 

Để đảm bảo đồng bộ với pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cơ quan thẩm tra đề nghị thay đổi tên nghị quyết theo hướng chỉ quy định về giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020 cho một số DN. Việc thay đổi tên nghị quyết nhằm tránh trường hợp các DN đáp ứng đủ các tiêu chí là DN nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng lại không đáp ứng các tiêu chí về doanh thu và lao động như quy định tại dự thảo nghị quyết.

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các đề nghị của Chính phủ. Các ý kiến cũng đồng tình với ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về việc sửa đổi tên nghị quyết, lấy tiêu chí về doanh thu và lao động làm căn cứ để giảm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện lại tờ trình theo hướng tiếp thu các ý kiến để trình Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp thứ 9.