Giám sát chặt chẽ việc kê khai thuế đối với doanh nghiệp rủi ro cao


Bộ Tài chính cho biết, hàng năm, ngành Thuế xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp trên cơ sở chấm điểm theo bộ tiêu chí rủi ro được Bộ Tài chính phê duyệt để lựa chọn doanh nghiệp có rủi ro cao đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế. Hiện nay, ngành Thuế thanh tra, kiểm tra tối thiểu là 19,5% số doanh nghiệp hoạt động đang được quản lý thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại Công văn trả lời kiến nghị của Cử tri TP. Cần Thơ gửi  tới Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV về công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về thuế, tài chính, kế toán tại các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, Bộ Tài chính nêu rõ, ngành Thuế thực hiện phương thức quản lý thuế theo hướng hiện đại, người nộp thuế tự tính thuế, tự khai, tự nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật quản lý thuế; Cơ quan thuế tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế và thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước.

Năm 2019, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 96.243 cuộc thanh tra, kiểm tra; tổng số kiến nghị xử lý qua thanh tra kiểm tra đạt là 64.524,8 tỷ đồng.

Triển khai quyết liệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế; phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm. Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm; triển khai kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thu hồi kịp thời các khoản thu được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra.

Cơ quan thuế  xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp trên cơ sở chấm điểm theo bộ tiêu chí rủi ro được Bộ Tài chính phê duyệt để lựa chọn doanh nghiệp có rủi ro cao đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế. Hiện nay ngành thuế  thanh tra, kiểm tra tối thiểu là 19,5% số doanh nghiệp hoạt động đang được quản lý thuế.

Việc kiểm tra toàn bộ tờ khai thuế GTGT tại trụ sở cơ quan thuế cũng đã được rà soát kiểm tra với sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ thông tin theo chỉ tiêu rủi ro từ cao xuống thấp. Năm 2019, toàn ngành thuế đã thực hiện được 96.243 cuộc thanh tra, kiểm tra; tổng số kiến nghị xử lý qua thanh tra kiểm tra đạt là 64.524,8 tỷ đồng. Trong đó, số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra, số tiền là 18.875,51 tỷ đồng; giảm khấu trừ, số tiền là 2.700,99 tỷ đồng; giảm lỗ, số tiền là 42.948,3 tỷ đồng.

Hàng năm, Tổng cục Thuế đều có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc toàn ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, quy trình thanh tra, kiểm tra thuế; yêu cầu người nộp thuế cung cấp các thông tin theo quy định qua hòm thư điện tử để đảm bảo rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và  xử lý theo đúng căn cứ pháp lý tại thời điểm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai thuế đối với doanh nghiệp rủi ro  cao để phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm.  Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các chính sách thuế và quản lý thuế mới đến người nộp thuế.

Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về thuế, tài chính... kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm.