“Gỡ khó” xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi


Để đảm bảo tính chặt chẽ trong quá trình chuyển đổi, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc thù của khu vực đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần (CTCP) thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg đã bổ sung các quy định mới về xác định giá trị ĐVSNCL chuyển đổi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xác định giá trị doanh nghiệp (DN) nói chung và giá trị ĐVSNCL nói riêng luôn là một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm của cộng đồng DN, các ĐVSCL. Theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/06/2015, phương pháp xác định giá trị đối với ĐVSCL chuyển đổi thành CTCP là phương pháp tài sản.

Căn cứ để xác định giá trị gồm: Quyết định và biên bản bàn giao tài sản của công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho ĐVSCL thực hiện chuyển đổi (nếu có), báo cáo tài chính, số liệu theo sổ kế toán của đơn vị tại thời điểm xác định giá trị; Tài liệu kiểm kê, phân loại và đánh giá chất lượng tài sản của đơn vị tại thời điểm xác định giá trị; Giá thị trường của tài sản tại thời điểm tổ chức định giá; Giá trị quyền sử dụng đất được giao, trị giá tiền thuê đất xác định lại trong trường hợp đã trả tiền một lần cho cả thời hạn thuê đất.

Bộ Tài chính cho biết, để đảm bảo tính chặt chẽ trong quá trình chuyển đổi, đồng thời đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc thù của khu vực ĐVSNCL, tại Dự thảo Nghị định thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg đã bổ sung các quy định mới về xác định giá trị ĐVSNCL chuyển đổi. Cụ thể, ĐVSNCL phải áp dụng tối thiểu 2 phương pháp như đối với việc xác định giá trị DN được quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định trường hợp chỉ sử dụng 01 phương pháp để xác định định giá trị ĐVSNCL, tổ chức tư vấn xác định giá trị phải báo cáo lý do không đủ cơ sở áp dụng các phương pháp khác để cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị  ĐVSNCL xem xét, quyết định. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVSNCL và cơ quan chủ quan được thực hiện theo phương pháp xác định giá trị phù hợp, đảm bảo tiến độ triển khai chuyển đổi ĐVSNCL.

Ngoài ra, theo Dự thảo Nghị định, căn cứ để xác định giá trị theo phương pháp tài sản gồm: Quyết định và biên bản bàn giao tài sản của chủ sở hữu cho ĐVSNCL thực hiện chuyển đổi (nếu có), báo cáo tài chính, số liệu theo sổ kế toán của đơn vị tại thời điểm xác định giá trị; Tài liệu kiểm kê, phân loại và đánh giá chất lượng tài sản của đơn vị tại thời điểm xác định giá trị; Giá thị trường của tài sản tại thời điểm tổ chức định giá.

Thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL chuyển thành CTCP do cơ quan có thẩm quyền lựa chọn phù hợp với phương pháp tài sản, là ngày khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính quý hoặc năm gần nhất sau thời điểm quyết định cổ phần hóa.

Về xác định giá trị của ĐVSNCL chuyển đổi theo phương pháp tài sản, giá trị thực tế của ĐVSNCL chuyển đổi là tổng giá trị toàn bộ tài sản của đơn vị tại thời điểm xác định giá trị đơn vị sau khi đánh giá lại có tính đến giá trị nhãn hiệu, tên thương mại của đơn vị. Trong khi đó, giá trị thực tế vốn nhà nước tại đơn vị bằng giá trị thực tế của đơn vị trừ (-) các khoản nợ thực tế phải trả và không bao gồm số dư khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.

Theo thông lệ quốc tế, hiện có nhiều phương pháp xác định giá trị một DN như: phương pháp tài sản, phương pháp chiết khấu dòng tiền, phương pháp so sánh… Tuy nhiên, phần lớn ĐNVSCL chưa áp dụng cơ chế tài chính DN để đủ điều kiện áp dụng các phương pháp xác định giá trị như DN.

Do vậy, việc quy định mở trong việc lựa chọn phương pháp xác định giá trị ĐVSNCL như trên của dự thảo Nghị định giúp các cơ quan lựa chọn các phương pháp xác định giá trị phù hợp với thực tế, đồng thời đảm bảo giá trị phần vốn nhà nước tại ĐVSNCL chuyển đổi không thấp hơn giá trị được áp dụng theo phương pháp tài sản.

Trường hợp chỉ sử dụng 01 phương pháp để xác định định giá trị ĐVSNCL, tổ chức tư vấn xác định giá trị phải báo cáo lý do không đủ cơ sở áp dụng các phương pháp khác để cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị  ĐVSNCL xem xét, quyết định. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVSNCL và cơ quan chủ quan được thực hiện theo phương pháp xác định giá trị phù hợp, đảm bảo tiến độ triển khai chuyển đổi ĐVSNCL.