Gỡ vướng về xác định trị giá hải quan

Theo baohaiquan.vn

Xử lý ra sao với trường hợp người khai hải quan xuất trình hồ sơ kiểm tra trị giá quá thời hạn tham vấn 30 ngày và xác định trị giá hải quan của hàng hóa chuyển đổi mục đích sử dụng như thế nào… là 2 trường hợp mà hải quan các tỉnh, thành phố và DN gặp vướng nhiều nhất. Tại buổi tập huấn về trị giá hải quan vừa qua, đại diện Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) đã gỡ vướng về 2 trường hợp này.

Quá thời hạn tham vấn 30 ngày

Trường hợp mà các đơn vị hải quan địa phương gặp nhiều nhất là tham vấn đối với trường hợp người khai hải quan xuất trình hồ sơ kiểm tra trị giá quá thời hạn tham vấn 30 ngày.

Phân tích quy định hiện hành và vướng mắc phát sinh, đại diện Cục Thuế XNK cho biết, về thủ tục hải quan, theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Hải quan thì “Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký”.

Tại Khoản 11 Điều 1 Thông tư số 39/TT -BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định các trường hợp hủy tờ khai, trong đó có nêu “Tờ khai hải quan không có giá trị làm thủ tục hải quan trong các trường hợp sau đây: Hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan NK mà không có hàng hóa đển cửa khẩu nhập”.

Hướng dẫn về nội dung này, tại điểm 11 công văn số 3899/TCHQ-GSQL ngày 4/7/2018 của Tổng cục Hải quan: “Nếu thực tế hàng hóa đã đến cửa khẩu nhập thì không thực hiện hủy tờ khai và làm tiếp thủ tục hải quan”. Và điểm 1 công văn số 5459/TCHQ-GSQL ngày 19/9/2018 của Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn: “Đối với các trường hợp tờ khai hải quan luồng Vàng, luồng Đỏ, công chức hải quan tiếp nhận các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp/xuất trình để giải quyết thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa theo quy định”.

Về kiểm tra, tham vấn trị giá, tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 59/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ; Khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định “Thời gian tiến hành tham vấn và xử lý kết quả tham vấn: Tối đa là 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan XK, tờ khai hải quan NK”.

Tại Điều 4 Quyết định số 1810/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2018 của Tổng cục Hải quan quy định kiểm tra trị giá hải quan thì công chức kiểm tra hồ sơ hải quan phải kiểm tra nội dung khai báo bao gồm: Nội dung do người khai hải quan khai báo trên tờ khai hải quan, nội dung giữa các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp hoặc xuất trình.

Theo các quy định về thủ tục hải quan trường hợp nêu trên không thuộc trường hợp hủy tờ khai. Công chức thực hiện kiểm tra hồ sơ và chuyển hồ sơ tham vấn giá ngay sau thời điểm DN xuất trình chứng từ giấy là đúng quy định. Tuy nhiên, thời điểm DN xuất trình hồ sơ giấy kiểm tra đã quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, dẫn đến việc công chức kiểm tra nghi vấn trị giá khai báo và chuyển tham vấn giá quá 30 ngày không đúng với quy định tại Khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định thì các trường hợp nghi vấn về trị giá khai báo, người khai hải quan phải thực hiện tham vấn với cơ quan Hải quan. Như vậy, chưa có quy định nào hướng dẫn thực hiện xử lý kết quả kiểm tra trị giá đối với trường hợp trên.

Xử lý vướng mắc với trường hợp này, đại diện Cục Thuế XNK phân tích, theo quy định tại Khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/TT-BTC quy định thời gian tham vấn là 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trường hợp quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai theo quy định, cơ quan Hải quan không tổ chức tham vấn, thực hiện ấn định thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Quản lý thuế và Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Xác định trị giá hàng chuyển mục đích sử dụng

Xác định trị giá hải quan của hàng hóa chuyển đổi mục đích sử dụng cũng là một trong những trường hợp mà hải quan một số địa phương gặp vướng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC thì hàng hoá NK đã sử dụng tại Việt Nam, có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế.

Cụ thể mặt hàng NK là ô tô, mô tô: Trị giá hải quan được xác định trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại của hàng hoá, tính theo thời gian sử dụng tại Việt Nam (tính từ thời điếm NK theo tờ khai hải quan đến thời điểm tính thuế) và được xác định cụ thể như sau:

Thời gian sử dụng tại Việt Nam từ 6 tháng trở xuống (được tính tròn  là 183 ngày) thì trị giá khai báo tại thời điểm NK là 90%; Thời gian sử dụng tại Việt Nam từ trên 6 tháng đển 1 năm (được tính 80% tròn là 365 ngày) thì trị giá khai báo tại thời điểm NK là 80%; Từ trên 1 năm đến 2 năm thì trị giá khai báo tại thời điểm NK là 70%; Từ trên 2 năm đến 3 năm thì trị giá khai báo tại thời điểm NK là 60%; Từ trên 3 năm đến 5 năm thì trị giá khai báo tại thời điểm NK là 50%; Từ trên 5 năm đến 7 năm thì trị giá khai báo tại thời điểm NK là 40%; Từ trên 7 năm đến 9 năm thì trị giá khai báo tại thời điểm NK là 30%. Và từ trên 9 năm đến 10 năm thì trị giá khai báo tại thời điểm NK là 15%; Trên 10 năm thì trị giá khai báo tại thời điểm NK là 0%.

Nếu mức giá khai báo tại thời điểm NK của hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, hoặc được miễn thuế, xét miễn thuế thấp hơn mức giá trong cơ sở dữ liệu giá cùng thời điểm, thì lấy mức giá trong cơ sở dữ liệu giá và tỷ lệ quy định trên đây để xác định trị giá hải quan.

Còn đối với hàng hóa NK khác thì trị giá hải quan là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thahh toán tại thời điểm chuyển đổi mục đích sử dụng, được xác định theo nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư 39/2015/TT-BTC.

Tuy nhiên, trong thực tiễn đã phát sinh vướng mắc do thiếu căn cứ pháp lý và khó áp dụng đối với một số trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng như hàng hóa chưa qua sử dụng, nhưng không còn giá trị sử dụng như khi NK, chuyển tiêu thụ nội địa; vật tư dư thừa chưa sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa; vật liệu dư thừa, chuyển tiêu thụ nội địa; phế liệu, phế liệu, phế phẩm chuyển tiêu hủy.

Xử lý vướng mắc này, đại diện Cục Thuế XNK cho biết, trường họp hàng hóa chưa qua sử dụng, nhưng không còn giá trị sử dụng như khi NK, chuyển tiêu thụ nội địa thì DN khai theo giá thanh toán thực tế trong giao dịch tiêu thụ nội địa.

Theo đó, vật tư dư thừa, chưa sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì DN khai theo giá khai tờ khai NK ban đầu.

Trường hợp vật tư dư thừa chuyển tiêu hủy, DN khai theo giá trị còn lại của hàng hóa (trên cơ sở kết quả hạch toán kế toán của DN)

Trường hợp phế liệu, phế phẩm chuyển tiêu hủy, DN khai theo giá trị được hạch toán trên hệ thống kế toán của DN.

Bổ sung căn cứ bác bỏ trị giá khai báo trong thông quan

Theo quy định hiện hành tại Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC, các căn cứ bác bỏ trị giá hải quan là: Người khai hải quan không kê khai hoặc kê khai không đúng, không đủ các chỉ tiêu thông tin liên quan đến trị giá hải quan; các nội dung về trị giá, điều kiện giao hàng trên hóa đơn thương mại không phù hợp với các nội dung tương ứng trên vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác.

Tuy nhiên, trên thực tế ngoài 2 căn cứ bác bỏ trên còn có các căn cứ bác bỏ khác. Do đó để nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra giá, tại Khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC đã bổ sung thêm 2 căn cứ bác bỏ trị giá hải quan gồm: Người khai hải quan không khai hoặc kê khai không đúng, không đủ một trong các chỉ tiêu có liên quan đến trị giá hải quan và ảnh hưởng đến việc xác định trị giá hải quan; có mâu thuẫn về nội dung liên quan đến trị giá hải quan giữa các chứng từ trong hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp hoặc xuất trình cho cơ quan Hải quan.