Hải quan Việt Nam nâng tầm đối ngoại đa phương


Thực hiện nghĩa vụ thành viên trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổng cục Hải quan Việt Nam chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 (ASEM 13) tại Việt Nam. Hội nghị được tổ chức từ ngày 9-10/20/2019 tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Hải quan Việt Nam nâng tầm đối ngoại đa phương.
Hải quan Việt Nam nâng tầm đối ngoại đa phương.

Tăng cường hợp tác Á - Âu 

Hội nghị ASEM 13 có quy mô lớn với 53 đoàn đại biểu là các Tổng cục trưởng/Cao ủy các cơ quan Hải quan của các nước thành viên ASEM, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Liên minh Châu Âu và đại diện các Đại sứ quán các nước thành viên ASEM tại Việt Nam.  

Được thành lập từ năm 1996, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) đã phát triển vượt lên kỳ vọng ban đầu, khẳng định là cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển. ASEM đã và đang là nhân tố quan trọng góp phần định hình cục diện thế giới trong thế kỷ 21.

Diễn đàn Hợp tác Á - Âu ASEM 13 đối thoại trên 3 trụ cột nòng cốt gồm chính trị, an ninh - kinh tế và văn hóa xã hội và hợp tác hải quan trong diễn đàn ASEM nằm trong tiến trình đối thoại an ninh - kinh tế với ưu tiên chính là bổ sung và tăng cường thực hiện hệ thống thương mại đa phương trong WTO.

Cơ chế làm việc trong diễn đàn hải quan ASEM bao gồm nhóm công tác về hải quan họp thường niên và Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan được tổ chức 2 năm một lần luân phiên nghĩa vụ đăng cai giữa Châu Á và Châu Âu. Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM đóng vai trò là diễn đàn định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn các nhóm công tác triển khai kế hoạch hành động theo các giai đoạn được các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM phê duyệt.

Hội nghị ASEM 13 khẳng định sự chủ động trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác hải quan Á - Âu.
Hội nghị ASEM 13 khẳng định sự chủ động trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác hải quan Á - Âu.

4 ưu tiên chính trong hợp tác ASEM

Trong giai đoạn 2018-2019, hợp tác hải quan ASEM gồm 4 ưu tiên chính đã được thông qua tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 12 năm 2017 tại Đức, gồm: Tạo thuận lợi thương mại và an ninh chuỗi cung ứng; Đấu tranh chống hàng giả và thực thi Quyền sở hữu trí tuệ; Bảo vệ xã hội và môi trường; Kết nối cộng đồng và tầm nhìn ASEM.

Đây cũng là 4 ưu tiên xuyên suốt hoạt động hợp tác hải quan ASEM kể từ năm 2009 đến nay. Do vậy, các nội dung thảo luận của Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 tại Việt Nam cũng sẽ xoay quanh 4 ưu tiên này nhằm mục tiêu đề xuất, xây dựng và thống nhất các chương trình hoạt động cụ thể để đưa vào Kế hoạch Hành động Hải quan ASEM cho giai đoạn 2020-2021. Đặc biệt, ASEM 13 sẽ tập trung vào sáng kiến của Việt Nam về chiến dịch Hải quan xanh nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải.

Dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên nói trên, đồng thời nhằm thực hiện cam kết của các Nhà Lãnh đạo ASEM tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM vào tháng 10/2018 tại Bỉ trong việc tăng cường kết nối ASEM, tăng cường an ninh và an toàn cho các công dân ASEM, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy cải cách WTO và thực thi các nghĩa vụ của các thành viên WTO trong đó có việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại WTO, thúc đẩy hợp tác ASEM về thương mại qua biên giới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 (ASEM 13) tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 (ASEM 13) tại Việt Nam.

Hải quan Việt Nam tăng cường đối ngoại đa phương

Theo đó, các chương trình hoạt động trong Kế hoạch Hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021 sẽ bao gồm: Tạo thuận lợi cho thương mại và thủ tục hải quan phi giấy tờ; Thực thi cơ chế một cửa trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối (blockchain); Kiểm soát hải quan hiệu quả sử dụng công nghệ cao; Chiến dịch hải quan xanh nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải; Hoạt động hải quan phối hợp nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới; Kết nối ASEM thông qua cơ chế chia sẻ và trao đổi thông tin; Hợp tác ASEM trong các hoạt động quá cảnh và chuyển tải; Quản lý hải quan đối với thương mại điện tử.

Là một trong những thành viên sáng lập ASEM, Việt Nam luôn phát huy vai trò chủ động tham gia hợp tác Á-Âu trên tất cả các lĩnh vực. Việc tham gia ASEM tạo thêm điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, trao đổi văn hóa, giáo dục - đào tạo phục vụ các yêu cầu phát triển đất nước.

Cùng với tinh thần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW, việc chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM khẳng định sự chủ động trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác hải quan Á - Âu; góp phần tạo ra sự kết nối và hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là việc thế giới đang phải đối mặt với các thách thức về gian lận thương mại, an ninh, chống khủng bố, vận chuyển trái phép hàng hóa nguy hại đến môi trường, xã hội với mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi với qui mô lớn...

Bên cạnh nhiệm vụ đạt được các thỏa thuận về nội dung ưu tiên trong kế hoạch hành động ASEM 2020 - 2021, Hải quan Việt Nam cũng sẽ chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, lễ tân, hậu cần để quảng bá văn hóa và đất nước Việt Nam đến bạn bè khu vực và quốc tế.

Trên cơ sở đó, “Tuyên bố Hạ Long” sẽ thể hiện cam kết của các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM về các mục tiêu và ưu tiên hợp tác hải quan ASEM trong tương lai cũng như Kế hoạch Hành động hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021 với các chương trình hoạt động được chính thức thông qua tại Hội nghị này.