Hệ thống Kho bạc Nhà nước nên tiếp tục số hóa điện tử thông tin tài chính-ngân sách


Đó là khuyến nghị của ông Sandeep Saxena, chuyên gia kinh tế cao cấp Vụ Các vấn đề tài khóa của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ngày 06/8 tại trụ sở Bộ Tài chính.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn tiếp ông Sandeep Saxena, chuyên gia kinh tế cao cấp Vụ Các vấn đề tài khóa của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn tiếp ông Sandeep Saxena, chuyên gia kinh tế cao cấp Vụ Các vấn đề tài khóa của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cùng dự buổi làm việc với đoàn công tác của IMF có Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Tạ Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Tại buổi làm việc, hai bên cùng nhau đánh giá, trao đổi về kết quả triển khai Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và bàn về dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030.

Đối với Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, theo định hướng của Bộ Tài chính, giai đoạn 2021-2030, dự thảo Chiến lược phát triển KBNN đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng hệ thống KBNN hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tổ chức bộ máy thống nhất. Các định hướng cải cách trên đều vì một mục tiêu chung là góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng một nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Chia sẻ với Bộ Tài chính, ông Sandeep Saxena cho biết, trong Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2023, cải cách công tác kế toán là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, rõ ràng để chuẩn bị cho việc chuyển đổi.

Bên cạnh đó, Kiểm toán nội bộ cũng là nội dung trọng tâm cần được quan tâm. Theo đó, kiểm toán nội bộ cần được đặt vào vị trí phù hợp trong toàn bộ hệ thống chung của Chính phủ, cần phải thiết lập chức năng kiểm toán nội bộ chặt chẽ, hợp lý.

Ngoài ra, ông Sandeep Saxena cho rằng, định hướng vị trí tầm nhìn của KBNN trong 10 năm tới cũng cần phải hoạt động theo hướng hiện đại, số hóa điện tử, các chức năng hoạt động của kho bạc, việc xử lý các giao dịch phải được hoàn toàn tự động hóa.

Cốt lõi của định hướng Chiến lược phát triển KBNN là cần phải tiếp tục nâng cấp, phát triển hệ thống TABMIS để TABMIS trở thành kho dữ liệu tổng hợp, đầu mối chung duy nhất về tất cả thông tin liên quan đến tài chính - ngân sách của toàn bộ khu vực Chính phủ.

"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng KBNN có đủ năng lực để đạt được mục tiêu đã đề ra khi có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị có liên quan cũng như sự ủng hộ, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính.” - ông Sandeep Saxena nhận định.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, các khuyến nghị và sự hợp tác toàn diện của IMF đối với Bộ Tài chính Việt Nam sẽ giúp công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch đối với hệ thống KBNN nhằm hoàn thiện mục tiêu, định hướng phát triển nền tài chính công cho giai đoạn tiếp theo, đảm bảo phù hợp với thông lệ tốt trên thế giới, tình hình thực tế của Việt Nam và xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Ý kiến đóng góp của các chuyên gia IMF lần này sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Tài chính, KBNN tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành, làm cơ sở cho các hoạt động cải cách, hiện đại hóa của Bộ Tài chính, KBNN trong thời gian tới” - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định.