Hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính: Chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển

PV.

Qua 30 năm kể từ ngày tái thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) trực thuộc Bộ Tài chính 01/4/1990 đến nay, KBNN đã có những bước đi vững chắc, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò quan trọng của mình trong hệ thống quản lý tài chính công, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng  trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho hệ thống Kho bạc Nhà nước (năm 2015).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho hệ thống Kho bạc Nhà nước (năm 2015).

Kể từ sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, đánh dấu sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Kho bạc Nhà nước (tiền thân là Nha Ngân khố Quốc gia) đã cùng với ngành Tài chính vượt qua muôn vàn khó khăn, tập trung các khoản thu, huy động các nguồn lực từ nhân dân, phát hành giấy bạc Việt Nam, đấu tranh trên mặt trận tiền tệ…; từ đó, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của cuộc kháng chiến, giải quyết những khó khăn về tài chính – tiền tệ trong điều kiện đất nước có chiến tranh và góp phần xây dựng, củng cố chế độ tiền tệ độc lập tự chủ của Chính phủ cách mạng.

Bước sang thời kỳ đổi mới, để đáp ứng yêu cầu cải cách công tác quản lý tài chính – tiền tệ và điều hành ngân sách nhà nước (NSNN), Chính phủ đã thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) trực thuộc Bộ Tài chính trên cơ sở tách chức năng quản lý quỹ NSNN khỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Qua 30 năm kể từ ngày tái thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính 01/4/1990, KBNN đã có những bước đi vững chắc, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò quan trọng của mình trong hệ thống quản lý tài chính công, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sự trưởng thành của hệ thống KBNN trong 30 năm qua có thể khái quát trên một số lĩnh vực lớn, cụ thể:

Không ngừng hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của KBNN

Từ những chức năng, nhiệm vụ ban đầu chỉ là tập trung nguồn thu, thực hiện xuất quỹ theo yêu cầu của cơ quan tài chính, huy động và quản lý các nguồn vốn vay, trả nợ dân, hạch toán kế toán các hoạt động thu, chi ngân sách, các chức năng, nhiệm vụ của KBNN không ngừng được hoàn thiện và bổ sung với sự ra đời của Luật NSNN năm 1996 (bổ sung nhiệm vụ kiểm soát chi thường xuyên) và việc tổ chức lại Tổng cục Đầu tư năm 2000 (bổ sung nhiệm vụ kiểm soát chi đầu tư).

Đặc biệt, nhằm cải cách, hiện đại hóa KBNN theo thông lệ quốc tế, KBNN đã xây dựng và trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 tại Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007.

Với việc thực hiện Chiến lược, KBNN đã triển khai thêm 02 chức năng mới là quản lý ngân quỹ và tổng kế toán nhà nước. Như vậy, đến nay, KBNN đã được Chính phủ tin tưởng giao thực hiện các chức năng của một cơ quan kho bạc hiện đại, bao gồm: quản lý nhà nước về quỹ NSNN, các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển.

Việc KBNN tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trên đã góp phần nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của hệ thống quản lý tài chính công, tạo dựng thêm niềm tin của người dân vào những đồng tiền thuế được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

Luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chức năng, nhiệm vụ được giao, trọng tâm là đổi mới và nâng cao chất lượng quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ và huy động vốn, tổng kế toán nhà nước

Về thu NSNN: Những năm 90, công tác tổ chức thu NSNN được thực hiện tại KBNN và các điểm thu cố định, lưu động. Mặc dù đã tập trung kịp thời, an toàn các nguồn thu của NSNN, song quy trình thu được thực hiện thủ công qua chứng từ giấy, tốn kém chi phí thời gian, nhân lực. Nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cải thiện hiệu suất công việc, công nghệ thông tin được từng bước ứng dụng vào công tác thu NSNN.

Qua việc triển khai thành công dự án Hiện đại hóa thu và phối hợp thu NSNN giữa các cơ quan trong ngành tài chính với ngân hàng thương mại (NHTM), đến nay, quy trình, thủ tục thu NSNN đã được đơn giản hóa, rút gọn; phương thức thu nộp được đa dạng với nhiều loại hình thanh toán khác nhau (qua NHTM, internet banking, ATM, thiết bị chấp nhận thẻ,...).

Từ đó, người nộp thuế có thể thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN tại bất kỳ địa điểm, thời gian nào (24/7); tốc độ thực hiện giao dịch cũng như trao đổi thông tin thu được cải thiện đáng kể (thời gian thực hiện giao dịch thu NSNN còn dưới 05 phút/giao dịch, tốc độ luân chuyển thông tin thu giữa KBNN, cơ quan thuế, hải quan và NHTM gần như tức thời), giảm thiểu chi phí tổ chức thu NSNN và góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Đến cuối năm 2019, tỷ trọng thu NSNN bằng tiền mặt chỉ còn khoảng 0,47% tổng thu qua KBNN.

Về chi NSNN: Trước khi Luật NSNN năm 1996 ra đời, các khoản chi NSNN chủ yếu được KBNN thực hiện theo lệnh cấp phát của cơ quan tài chính. Cùng với việc quy định cụ thể các điều kiện chi NSNN và đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, lập, chấp hành, quyết toán NSNN tại Luật NSNN năm 1996, nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN được giao cho KBNN. Việc KBNN thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách đã góp phần đảm bảo các khoản chi NSNN trong phạm vi nguồn lực được phân bổ và theo đúng các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, KBNN cũng luôn quan tâm cải cách, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi như đơn giản hóa, rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian kiểm soát chi (thời gian kiểm soát đối với chi đầu tư đã được rút ngắn từ 07 ngày xuống còn 03 ngày làm việc); triển khai cơ chế kiểm soát cam kết chi; từng bước chuyển từ kiểm soát trước, thanh toán sau sang thanh toán trước, kiểm soát sau; kiểm soát chi theo rủi ro; triển khai dịch vụ công trực tuyến kiểm soát chi qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN,...; qua đó, đã một mặt tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN, mặt khác, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính – ngân sách.

Về huy động vốn: Hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước. Công tác tổ chức phát hành được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, ngày càng minh bạch, theo nguyên tắc thị trường. Nhiệm vụ huy động vốn của Kho bạc Nhà nước đã gắn chặt với tái cơ cấu nợ của Chính phủ.

Theo đó, kỳ hạn bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ từng bước được kéo dài từ 1,84 năm năm 2011 lên 7,42 năm năm 2019; trong khi lãi suất phát hành bình quân giảm dần từ 12%/năm năm 2011 còn 4,51%/năm năm 2019, thấp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Lãi suất thị trường trái phiếu Chính phủ từng bước trở thành lãi suất định hướng trên thị trường vốn. Đồng thời, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển nhanh (gấp 12 lần so với năm 2009); đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm – mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á và khu vực ASEAN +3.

Về quản lý ngân quỹ: Trong giai đoạn đầu mới thành lập, công tác quản lý ngân quỹ được thực hiện theo mô hình phân tán, dẫn đến bị động trong việc đảm bảo nhu cầu chi tiêu của NSNN và các đơn vị giao dịch. Cùng với việc xây dựng và triển khai các hệ thống thanh toán điện tử tập trung, công tác quản lý ngân quỹ cũng được chuyển đổi theo hướng quản lý tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống; từ đó, đã đảm bảo được sự chủ động trong việc đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi tiêu của ngân sách các cấp. Đặc biệt, từ năm 2019, toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước đã được tập trung về NHNN, hình thành tài khoản kho bạc duy nhất theo thông lệ quốc tế, hỗ trợ NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Trên cơ sở tập trung các nguồn lực tài chính về tài khoản thanh toán tập trung, các nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi đã được sử dụng có hiệu quả: hỗ trợ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để đầu tư cho các công trình trọng điểm, mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội tích cực; tạm ứng cho ngân sách trung ương thay cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ để gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách, quản lý nợ và giảm thiểu chi phí vay nợ cho NSNN; gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM. Trong năm 2019, KBNN đã bước đầu nộp 5.000 tỷ đồng nguồn thu từ hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước vào NSNN.

Về kế toán và báo cáo: Công tác kế toán NSNN giữ vai trò trung tâm trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, báo cáo về tình hình tài chính – ngân sách cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân và chính quyền các cấp, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, giám sát và điều hành. Chế độ kế toán NSNN liên tục được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu, chọn lọc các thông lệ tốt trên thế giới và sửa đổi để đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ đặt ra.

Với việc xây dựng và triển khai thành công hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) trên toàn quốc, công tác kế toán được cải cách căn bản theo hướng: chuyển từ mô hình kế toán phân tán sang mô hình tập trung; chuyển từ kế toán trên cơ sở tiền mặt sang kế toán tiền mặt điều chỉnh, mở rộng phạm vi kế toán nhà nước, thống nhất kế toán đồ (COA)… nâng cao chất lượng thông tin, báo cáo. Các báo cáo tình hình thu, chi, quyết toán NSNN được KBNN lập và cung cấp theo quy định; trong đó, các báo cáo quyết toán NSNN luôn được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Thực hiện Luật Kế toán năm 2015, KBNN cũng triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên cho năm tài chính 2018 để trình Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội vào tháng 01 – 3/2020 và báo cáo trước Quốc hội vào tháng 5/2020. Báo cáo tài chính nhà nước sẽ là một kênh thông tin quan trọng giúp Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp có được bức tranh tổng thể về quy mô tài sản khu vực nhà nước; tình hình vay nợ; kết quả hoạt động tài chính,... phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý điều hành và tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của nền tài chính nhà nước, phù hợp với các thông lệ và xu thế hội nhập quốc tế.

Hiện đại hóa công nghệ quản lý để phát triển nhanh, bền vững

Những năm đầu tái thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiệp vụ KBNN còn thiếu thốn. Trên quan điểm tận dụng thế mạnh của công nghệ, KBNN đã luôn ưu tiên, tập trung các nguồn lực để hiện đại hóa công nghệ quản lý, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào trong toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị của KBNN.

Từ đó, công nghệ thông tin tiên tiến đã từng bước được nghiên cứu, ứng dụng, tăng cường khả năng tương tác, kết nối, trao đổi thông tin giữa KBNN với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, nâng cao hiệu quả xử lý công việc. Thành quả nổi bật trong việc hiện đại hóa công nghệ quản lý KBNN 30 năm qua là việc xây dựng và triển khai thành công hệ thống TABMIS trên toàn quốc; qua đó, gắn kết chặt chẽ các khâu của quy trình quản lý NSNN, nhất là giữa khâu thực hiện với các khâu khác của quy trình quản lý và góp phần nâng cao chất lượng, tính kịp thời của thông tin báo cáo.

Bên cạnh hệ thống TABMIS, các ứng dụng công nghệ thông tin khác trong quản lý, quản trị hoạt động của KBNN (hệ thống quản lý thu NSNN TCS, hệ thống thanh toán song phương điện tử, chương trình quản lý tài chính nội bộ, chương trình quản lý văn bản, …) cũng được phát triển; từ đó, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tài chính – ngân sách cũng như yêu cầu quản trị nội bộ KBNN. Bên cạnh đó, hệ thống an toàn công nghệ thông tin và Trung tâm dự phòng thảm họa cũng được xây dựng, giúp cho các hệ thống công nghệ thông tin hoạt động an toàn, ổn định. Các công nghệ kỹ thuật số (blockchain, chatbot…) cũng được đẩy mạnh nghiên cứu để có thể ứng dụng vào các hoạt động nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế và đơn vị sử dụng ngân sách. Riêng trong năm 2019, KBNN đã xây dựng và triển khai ứng dụng di động KBNN, bước đầu tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 theo chủ trương của Đảng.

Từ năm 2018, KBNN đã từng bước mở rộng dịch vụ công trực tuyến KBNN qua đó, tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch với KBNN và nâng cao tính công khai, minh bạch; góp phần hình thành kho bạc điện tử. Đến nay, gần 100% các đơn vị giao dịch tại KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã tham gia dịch vụ công trực tuyến với KBNN; dự kiến trong năm 2020, KBNN sẽ triển khai tới 100% các đơn vị sử dụng NSNN trên phạm vi toàn quốc (trừ các đơn vị an ninh, quốc phòng).

Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KBNN

Tổ chức bộ máy của KBNN đã được sắp xếp, hợp lý hóa theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và đảm bảo phát huy vai trò cơ quan trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác quản lý tài chính công trên địa bàn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của KBNN được đẩy mạnh. Tính từ năm 2015 đến nay, hệ thống KBNN đã cắt giảm được 251 phòng thuộc KBNN cấp tỉnh, cắt giảm 58 KBNN cấp huyện và tương đương; giảm gần 2.000 cấp tổ thuộc KBNN cấp huyện. Về sắp xếp, bố trí cán bộ, KBNN đã cắt giảm được hơn 620 vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương; cắt giảm hơn 2.600 công chức lãnh đạo cấp tổ (đội).

Công tác phát triển nguồn nhân lực luôn được quan tâm, chú trọng thông qua quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo mạnh về chất lượng, đủ về số lượng. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước và lý luận chính trị theo đúng quy định; tỷ trọng công chức, viên chức KBNN có trình độ từ đại học trở lên chiếm khoảng 73%; từ đó, đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra trong giai đoạn mới.

Những kết quả mà KBNN đạt được trong suốt 30 năm trưởng thành và phát triển là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính và sự ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương đối với hệ thống KBNN; và đặc biệt là truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng tâm, hết lòng vì sự nghiệp mà các thế hệ cán bộ KBNN đã xây dựng, gìn giữ và phát huy. Những kết quả đó đã tạo dựng cho KBNN một nền tảng vững chắc để tiếp tục những hoạt động cải cách, hiện đại hóa trong thời gian tới, cùng ngành tài chính phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.