Hẹp cửa xuất khẩu vì phòng vệ thương mại

Theo Ái Vân/sggp.org.vn

Cùng với việc hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký, các nước trên thế giới cũng gia tăng hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa thị trường xuất khẩu nếu không có sự chuẩn bị kỹ khi gia nhập thị trường.

Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa thị trường xuất khẩu nếu không có sự chuẩn bị kỹ khi gia nhập thị trường.
Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa thị trường xuất khẩu nếu không có sự chuẩn bị kỹ khi gia nhập thị trường.

Dày đặc rào cản phòng vệ thương mại

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), tính đến thời điểm hiện tại, hàng xuất khẩu của DN Việt Nam đang phải đối mặt với hơn 176 vụ kiện phòng vệ thương mại tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, phần lớn là khởi kiện liên quan đến ngành thép, chiếm 80%. Số còn lại tập trung ngành thủy hải sản, bao bì nhựa, gỗ…

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công thương đang xử lý 13 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam và 6 vụ việc có khả năng bị điều tra trong thời gian tới. 

Đại diện Hiệp hội Thép cho biết, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, hiện thép Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 60% tổng lượng xuất khẩu. Còn lại phân bố rải rác thị trường châu Âu, Mỹ, Australia và Liên minh kinh tế Á - Âu… Thế nhưng, cánh cửa xuất khẩu thép có nguy cơ bị thu hẹp khi hàng loạt thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Australia, một số nước trong khu vực ASEAN và Liên minh kinh tế Á - Âu đồng loạt khởi xướng kiện phòng vệ thương mại.

Điển hình là tháng 12-2019, Bộ Thương mại Mỹ thông báo ban hành lệnh áp thuế lên tới 456% với một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam sử dụng nguyên  liệu có xuất xứ từ Hàn Quốc, Đài Loan.

Hay mới đây nhất, Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) thông báo khởi xướng điều tra 2 vụ việc về chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm có xuất xứ từ Việt Nam và một số quốc gia khác. Trước đó, sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, nhiều DN thép đã đẩy mạnh xuất khẩu thép vào thị trường Canada, khiến lượng thép xuất khẩu tăng nóng tại thị trường này.

Ngay lập tức, Chính phủ Canada đã tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với thép xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện theo kết luận sơ bộ từ Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA), thép chống ăn mòn của Việt Nam bán phá giá với biên độ từ 36,3%-91,8% nên sẽ áp mức thuế tạm thời tương ứng.

Không chỉ thép, hàng loạt hàng hóa xuất khẩu khác của Việt Nam như vỏ ô tô, máy cắt cỏ, đệm mút, sợi polyester spuyarn, ván MDF có độ dày 6mm, xơ sợi staper nhân tạo, gỗ dán, bao và túi đóng hàng điện tử, gạch ốp lát… đang bị nhiều thị trường liệt vào danh sách có nguy cơ bị áp biện pháp phòng vệ thương mại, tập trung chủ yếu ở các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Australia, Thái Lan…

Cần phát triển nguyên liệu “made in Vietnam”

Liên quan đến vấn đề này, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, để bảo vệ hàng hóa xuất khẩu trong nước, Bộ Công thương nhanh chóng hỗ trợ DN nằm trong danh sách bị điều tra sớm hoàn thiện hồ sơ và cung cấp cho phía nước ngoài, đồng thời có công văn bày tỏ quan ngại gửi các nước đang điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Tuy nhiên để hỗ trợ DN ổn định sản xuất, giảm nguy cơ bị thu hẹp thị trường xuất khẩu từ rào cản phòng vệ thương mại, Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành Đề án xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. Đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh, việc phát hiện và tham gia đấu tranh với các cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu là rất quan trọng, giảm thiểu tối đa tác động bất lợi cho DN xuất khẩu. 

Ở góc độ khác, DN cần chủ động đổi mới quy trình sản xuất và minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, trong đó việc sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước được xem là yếu tố an toàn hàng đầu cho hoạt động xuất khẩu của DN.

Đại diện Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho biết, cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6/2020, Hoa Sen đã hoàn tất xuất khẩu lô hàng 35.000 tấn tôn mạ đi châu Âu. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là lô hàng tôn lớn nhất của Tập đoàn tôn Hoa Sen và của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên để làm được điều này, trước đó tập đoàn đã nghiên cứu cải tiến kỹ thuật nâng chất lượng sản phẩm, nâng cấp hoạt động sản xuất cung ứng để giao hàng nhanh, đúng hạn đối với khách hàng tại châu Âu.

Cũng như Hoa Sen, nhiều DN thép như Công ty TNHH Thương mại Thép Toàn Thắng, Công ty CP Tôn Đông Á, Thép Nam Kim… đang nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, đặc biệt tăng tối đa tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu sản xuất, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu qua EU bền vững lâu dài.

Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến thị trường trong thời gian tới sẽ còn rất phức tạp. Do đó, DN, hiệp hội ngành nghề phải phối hợp chặt chẽ cùng các bộ ngành, chủ động đấu tranh với những trường hợp kiện phòng vệ thương mại. Quan trọng hơn, kiểm soát chéo chặt chẽ diễn biến thị trường trong nước nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng “lẩn tránh thuế”, lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đến từ các quốc gia khác. Đây là yếu tố then chốt để DN không bị thu hẹp thị trường xuất khẩu do phòng vệ thương mại mà các nước đang áp dụng.

Nhằm tạo thế cân bằng, góp phần bảo vệ DN trong nước, Bộ Công thương cũng thực hiện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa các nước nhập khẩu vào Việt Nam. Đơn cử, vào ngày 20-7 vừa qua, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1900/QĐ-BCT về áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm plastic được làm từ các polymer từ propylen (tên thường gọi là màng BOPP) có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Mức thuế chống bán phá giá cao nhất là 23,71%. Trước đó, bộ đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Malaysia…