Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G-20: Những kết quả khả quan

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Ngày 4-5/06/2010 tại Busan, Hàn Quốc đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTƯ G20 dưới sự chủ toạ của đồng chủ trì G20 năm 2010 là Canada và Hàn Quốc. Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh tham dự Hội nghị với tư cách Chủ tịch đương nhiệm tiến trình hợp tác tài chính của ASEAN trong năm 2010. Đây là Hội nghị quan trọng nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao G20 tại Toronto cuối tháng 6/2010.

Tham dự Hội nghị có sự góp mặt của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc HNTƯ của 20 nước thành viên G20 và đại diện một số tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTƯ đã trao đổi quan điểm về triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu và đánh giá việc triển khai Khung khổ Phát triển Mạnh mẽ, Bền vững và Cân bằng, cũng như kiểm điểm việc triển khai các định hướng đã được các nhà Lãnh đạo G20 thông qua tại các Hội nghị Cấp cao G20 trước đây. Trên cơ sở đó, Hội nghị đã chuẩn bị nội dung trao đổi và các lựa chọn chính sách để trình lên các nhà lãnh đạo cấp cao xem xét và quyết định tại Hội nghị Cấp cao G20 tại Toronto.

Triển vọng kinh tế toàn cầu

Hội nghị nhận định kinh tế toàn cầu đã có bước phục hồi nhanh hơn so với dự kiến, tuy nhiên những biến động gần đây trên thị trường tài chính cho thấy quá trình phục hồi vẫn chưa thật bền vững và vẫn còn nhiều thách thức.

Khu vực các nền kinh tế mới nổi Châu Á tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, khu vực đồng EURO vẫn chưa hết căng thẳng, đặc biệt tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ba Nha, bất chấp các kế hoạch ổn định kinh tế của các nước trong khu vực. Trong số các nước phát triển, Mỹ có triển vọng phục hồi tốt nhất nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực tư nhân, trong khi Nhật Bản dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm trong năm 2010.

Kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại nhiều thách thức lớn. Các nguy cơ rủi ro đang có xu hướng chuyển dịch từ thị trường tài chính sang lĩnh vực tài chính công. Thâm hụt tài khoá và gánh nặng nợ công lớn đang trở thành mối quan tâm của nhiều thành viên G20. Mặc dù kinh tế phục hồi song tình trạng thất nghiệp vẫn giảm chậm. Các khoảng cách mất cân đối mang tính toàn cầu đang có xu hướng mở rộng thêm.

Khung khổ Phát triển Mạnh mẽ, Bền vững và Cân bằng

Được thông qua tại Hội nghị Cấp cao G20 tại Pittsburgh, Mỹ tháng 9/2009, Khung khổ Phát triển Mạnh mẽ, Bền vững và Cân bằng được coi là định hướng chiến lược quan trọng nhất của G20. Các mục tiêu chính của Khung khổ bao gồm: (i) Triển khai các chính sách tài khoá cẩn trọng, (ii) Tăng cường giám sát hệ thống tài chính toàn cầu, (iii) Cải thiện cán cân vãng lai cân bằng hơn, (iv) Cam kết các chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp, (v) Cam kết cải cách cơ cấu, và (vi) Thúc đẩy phát triển kinh tế cân bằng và bền vững.

Hội nghị đã kiểm điểm việc thực hiện Khung khổ trong thời gian qua, nghe các báo cáo của IMF về các kịch bản triển khai các mục tiêu của Khung khổ trong thời gian tới, báo cáo của WB về đánh giá tác động chung, được xây dựng theo chỉ đạo của các Bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTƯ G20 tháng 4/2010 tại Washington DC. Trên cơ sở các báo cáo này, các Bộ trưởng đã đề xuất một gói các lựa chọn chính sách nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng hơn, sẽ đệ trình lên các nhà Lãnh đạo xem xét và thông qua tại Hội nghị Cấp cao G20 Toronto cuối tháng 6/2010.

Các định hướng chính sách quan trọng khác của G20

Các Bộ trưởng đã nghe các báo cáo của Uỷ ban Ổn định Tài chính (FSB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), và Uỷ ban Basel về Giám sát Ngân hàng (BCBS) kiểm điểm tiến độ thực hiện các mục tiêu tăng cường quy chế tài chính toàn cầu đã được thông qua tại Pittsburgh, và thảo luận về khả năng thực hiện các mục tiêu đã đề ra từ nay đến trước Hội nghị Cấp cao Seoul tháng 11/2010. Các lĩnh vực tăng cường quy chế tài chính toàn cầu bao gồm:

(i) Xây dựng các quy định thận trọng đối với các ngân hàng và tổ chức tài chính,

(ii) Giải pháp đối với các tổ chức tài chính lớn có ảnh hưởng quan trọng đối với toàn bộ hệ thống tài chính (SIFI),

(iii) Giải pháp buộc các tổ chức tài chính phải chia sẻ các gánh nặng chi phí khi chính phủ can thiệp để giải cứu thị trường tài chính,

(iv) Giải pháp tăng cường sự ổn định và an toàn của các quỹ đầu cơ, các tổ chức đánh giá tín nhiệm và các công cụ phái sinh OTC, (v) xây dựng các nguyên tắc quy định về tiền lương lành mạnh,

(vi) Thống nhất các chuẩn mực kế toán quốc tế.

Các Bộ trưởng cũng đã kiểm điểm việc thực hiện các mục tiêu cải cách các định chế tài chính quốc tế (IFI), tập trung vào những tiến bộ đã đạt được cũng như các vấn đề còn tồn tại trong việc cải cách và nâng cao hiệu quả của IMF và Ngân hàng Thế giới. Các Bộ trưởng ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng Thế giới trong việc cơ cấu lại quyền bỏ phiếu, theo đó chuyển 3,13% quyền bỏ phiếu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và mới nổi, và hoan nghênh quyết định tăng vốn cho các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, và Ngân hàng Phát triển Châu Phi. Các Bộ trưởng đề nghị IMF đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cải cách của mình theo đúng tiến độ đã đề ra, đảm bảo báo cáo trong Hội nghị Cấp cao tháng 11 tới tại Seoul.

Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng xem xét các nội dung quan tâm khác của G20, như  nghiên cứu về Mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, vấn đề hạn chế và loại bỏ các loại trợ cấp cho việc sử dụng năng lượng hoá thạch, và phát triển các dịch vụ tài chính toàn diện nhằm nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ tài chính đối với các đối tượng khó khăn và các doanh nghiệp nhỏ.

Tham gia của Bộ Tài chính Việt Nam tại Hội nghị

Với tư cách đại diện cho Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTƯ G20.

Tại Hội nghị, thay mặt ASEAN, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã có bài phát biểu đề cao vai trò của ASEAN trong tiến trình phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của ASEAN trong các vấn đề quan tâm chung của G20. Bộ trưởng cho biết, mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu trong thời gian qua, song ASEAN đã có bước phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, mức độ phục hồi chưa thực sự bền vững.

Vì vậy, ASEAN nhất trí, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, sẽ tiếp tục duy trì chính sách hõ trợ cho đến khi sự phục hồi được đảm bảo, đồng thời cũng chú trọng phát triển cầu nội địa. Với kinh nghiệm từ các giai đoạn khủng hoảng, các nước ASEAN cam kết mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác tài chính khu vực, đặc biệt là những sáng kiến hợp tác trong thời gian qua như tăng cường tự do hoá dịch vụ tài chính, hội nhập thị trường vốn, minh bach hoá và tăng cường các chuẩn mực kế toán trong ASEAN, cũng như Sáng kiến Phát triển Thị trường Trái phiếu khu vực (ABMI), Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) trong khuôn khổ ASEAN+3. Bộ trưởng đánh giá cao G20 trong việc đưa ra Khung khổ Phát triển Mạnh mẽ, Bền vững và Cân bằng.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Khung khổ này sẽ có tác động đến kinh tế thế giới trong đó có khu vực ASEAN, đồng thời tình hình phát triển kinh tế ASEAN cũng sẽ có các tác động trở lại đối với khu vực G20. Tại Hội nghị, Bộ trưởng đã kiến nghị G20 cần xem xét tới các yếu tố cân bằng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, thúc đẩy các định chế tài chính quốc tế đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết cải cách, và giảm bảo hộ đối với khu vực G20 để giảm tác động đến tự do hoá về thương mại, dịch vụ tài chính và luồng luân chuyển vốn. Các Bộ trưởng đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam vào thành công chung của Hội nghị với tư cách là đại diện ASEAN.

Trong thời gian tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã có buổi trao đổi song phương với Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan, bà Maria van der Hoeven, để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, tài chính và đầu tư giữa hai nước. Bộ trưởng cũng tiếp xúc với Bộ trưởng Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc để tăng cường phối hợp chuẩn bị các nội dung tham gia về tài chính của ASEAN vào tiến trình hợp tác G20.