Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTƯ G20 tại Hàn Quốc thành công tốt đẹp

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Ngày 22-23/10/2010 tại Gyeongju, Hàn Quốc đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 dưới sự chủ toạ của nước chủ nhà Hàn Quốc. Tham dự Hội nghị có sự góp mặt của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 20 nước thành viên G20 và đại diện một số tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng. Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh tham dự Hội nghị với tư cách Chủ tịch đương nhiệm tiến trình hợp tác tài chính của ASEAN trong năm 2010. Đây là Hội nghị quan trọng nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao G20 tại Seoul dự kiến ngày 11-12/11/2010.

Tăng cường hợp tác

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã trao đổi về những tiến triển mới đây và triển vọng kinh tế toàn cầu. Hội nghị nhận định kinh tế toàn cầu vẫn giữ được sự phục hồi, song tốc độ phục hồi trong nửa cuối 2010 và năm 2011 dự kiến sẽ chậm hơn so với nửa đầu 2010. Đà phục hồi được đánh giá là không bền vững và không ổn định. Rủi ro suy giảm vẫn tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau tại các quốc gia và khu vực, đòi hỏi phải tăng cường hợp tác để đưa ra những chính sách có phối hợp nhằm mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.

Trên cơ sở phân tích những rủi ro và thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu, các Bộ trưởng đã thảo luận để đưa ra các chính sách về nhiều vấn đề quan tâm như: chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái, cải cách cơ cấu, củng cố tài khoá ở các nước phát triển, biện pháp giải quyết những mất cân bằng quá mức, chống chủ nghĩa bảo hộ...

Khung khổ Phát triển Mạnh mẽ, Bền vững và Cân bằng, thông qua tại Hội nghị Cấp cao G20 tại Pittsburgh, Mỹ tháng 9/2009, được coi là định hướng chiến lược quan trọng nhất của G20 trong giai đoạn hiện nay. Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã xem xét các báo cáo đánh giá quá trình thực hiện Quá trình Đánh giá Chung ở cấp độ quốc gia (MAP) giai đoạn 2 do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trình bày. Hội nghị nhất trí đẩy nhanh quá trình xây dựng một Kế hoạch Hành động Toàn diện nhằm giảm thiểu rủi ro và đạt được các mục tiêu của G20 để lên các nhà Lãnh đạo G20 thông qua tại Hội nghị Cấp cao Seoul. Quá trình triển khai Khung khổ ở phạm vi quốc gia có sự tham vấn dự kiến được tiếp tục thực hiện sau Hội nghị Cấp cao Seoul.

Tại Hội nghị Cấp cao Toronto, các nhà Lãnh đạo đã cam kết tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách hệ thống tài chính dựa trên 4 trụ cột. Hội nghị lần này đã nghe các báo cáo của Uỷ ban Ổn định Tài chính (FSB), IMF, và Uỷ ban Basel về Giám sát Ngân hàng (BCBS) kiểm điểm tiến độ thực hiện các cam kết tăng cường quy định tài chính toàn cầu.

Hội nghị đánh giá về cơ bản, nhiều mục tiêu quan trọng đã hoặc có thể sẽ được hoàn thành trước Hội nghị Cấp cao Seoul, và dự kiến sẽ trình lên các nhà Lãnh đạo thông qua một Khung khổ Quy định Tài chính Mới với các nội dung: khung khổ mới về vốn và thanh khoản; kiến nghị tăng cường mật độ và hiệu quả công tác giám sát; khung khổ chính sách, quy trình làm việc và thời gian biểu giảm bớt những rủi ro do các tổ chức tài chính có tầm quan trọng ảnh hưởng đến hệ thống (SIFI); cam kết triển khai tất cả các mặt của lịch trình cải cách quy định tài chính của G20; tiếp tục thực hiện Khung khổ chính sách thận trọng vĩ mô; giải quyết đối với các khu vực không hợp tác. Hội nghị cũng thảo luận và thông qua việc đưa vào chương trình cải cách các dung mới, bao gồm:

(i) cải cách hệ thống tài chính dưới góc độ các nước đang phát triển và mới nổi;

(ii) xây dựng một khung khổ thận trọng vĩ mô mới nhằm giải quyết những rủi ro hệ thống trong hệ thống tài chính toàn cầu;

và (iii) giải quyết các vấn đề của hệ thống tài chính phi ngân hàng.

Mục tiêu trọng tâm

Trong các nội dung cải cách các định chế tài chính quốc tế, cải cách IMF là mục tiêu trọng tâm tại Hội nghị lần này. Các Bộ trưởng đã thảo luận sôi nổi về các mục tiêu cải cách cụ thể và đã đạt được những thoả thuận cơ bản, bao gồm:

- Chuyển phần quota cho nhóm các nước mới nổi năng động và cho các nước đại diện quá thấp với mức trên 6%, trong khi tiếp tục bảo vệ quyền bỏ phiếu của các nước nghèo nhất, và sẽ hoàn tất trước Hội nghị Thường niên năm 2012;

- Gấp đôi mức quota, cùng với việc rút lại tương ứng các khoản vay theo Các thoả thuận Cho vay mới (NAB) khi mức tăng quota bắt đầu có hiệu lực.

- Tiếp tục quá trình năng động nhằm vào việc nâng cao tiếng nói và đại diện của các nước đang phát triển có thị trường mới nổi, bao gồm cả các nước nghèo nhất, thông qua một quá trình xem xét toàn diện về công thức quota vào tháng 1/2013 nhằm phản ánh tốt hơn trọng lượng kinh tế của các nước; và thông qua việc hoàn tất vòng xem xét quota thường xuyên tiếp theo vào tháng 1/2014.

- Sự đại diện lớn hơn cho các nước đang phát triển có thị trường mới nổi trong Ban giám đốc với việc bớt đi 2 ghế của các nước đã phát triển Châu Âu, và khả năng về một ghế luân phiên thứ hai dành cho các nhóm nước, và

- Chuyển sang một Ban giám đốc với tất cả đại diện đều thông qua bầu cử, đi đôi với một cam kết từ các thành viên của IMF về việc duy trì Ban giám đốc với 24 ghế, và tiếp theo việc hoàn tất vòng Xem xét thường xuyên thứ 14, việc xem xét về thành phần của Ban giám đốc sẽ được thực hiện 8 năm 1 lần.

Các thoả thuận này sẽ mở đường cho các nhà Lãnh đạo thông qua những kết quả cải cách IMF theo các cam kết cụ thể đã được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao Pittsburgh. So với việc WB đã thông qua các thoả thuận cải cách từ tháng 4/2010, tiến độ cải cách IMF được coi là chậm và nhiều vướng mắc. Việc đạt được sự nhất trí giữa các nước thành viên G20 tại Hội nghị lần này được coi là thành công quan trọng của Hội nghị, với sự đóng góp lớn của nước chủ nhà Hàn Quốc trong vai trò chủ trì điều hành thảo luận.

Vai trò quan trọng của ASEAN trong tiến trình phát triển kinh tế toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh đã tham dự toàn bộ các phiên họp của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTƯ G20. Tại Hội nghị, thay mặt ASEAN, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã có bài phát biểu đề cao vai trò của ASEAN trong tiến trình phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của ASEAN trong các vấn đề quan tâm chung của G20.

Bộ trưởng cho biết, mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu trong thời gian qua, song ASEAN đã có bước phục hồi mạnh mẽ. ASEAN chia sẻ với G20 về sự cần thiết phải có các kế hoạch củng cố ngân sách, đặc biệt ở một số nước Châu Âu, được xây dựng một cách đáng tin cậy, phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia, và không ảnh hưởng quá mức tới các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đối với các nước chưa đạt được sự phục hồi bền vững cần tiếp tục các chương trình hỗ trợ từ chính phủ nhằm duy trì đà phục hồi trong khi vẫn đảm bảo được tỷ lệ nợ công bền vững.

ASEAN cho rằng việc triển khai thực hiện các hành động chính sách có sự phối hợp trong khu vực và trên toàn cầu sẽ đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững, và khôi phục lòng tin của thị trường. Tuy nhiên, việc triển khai các hành động chính sách của G20 sẽ tác động tới các nước đang phát triển bên ngoài G20, trong đó có cả ASEAN.

Vì vậy, cần cân nhắc thận trọng nhằm đạt được mục tiêu cân bằng giữa các nước đã phát triển và đang phát triển. Các hành động chính sách này cần được thiết kế nhằm giảm khoảng cách phát triển và tránh những tác động tiêu cực tới các nước có thu nhập trung bình và thấp, và giảm các hàng rào bảo hộ mậu dịch ở các nước G20 nhằm tăng cường tự do thương mại, dịch vụ tài chính và lưu chuyển vốn.

Các Bộ trưởng đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam vào thành công chung của Hội nghị với tư cách là đại diện ASEAN.

Trong thời gian tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã tiếp xúc bên lề với Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Nga, Bộ trưởng Tài chính Ca-na-đa và Thứ trưởng Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc để trao đổi những vấn đề cùng quan tâm.