Hội nghị CG giữa kỳ năm 2012: Thận trọng khi nới lỏng chính sách

CDS

Trước khuyến nghị về việc lạm phát có thể tăng trở lại khi nới lỏng chính sách quá sớm, tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG giữa kỳ) năm 2012, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, các biện pháp nới lỏng đều đã được tính toán kỹ và Việt Nam sẽ vẫn kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị CG giữa kỳ năm 2012 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức tại Quảng Trị (ngày 4 và 5/6), Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, tiếp theo Hội nghị CG năm 2011 với chủ đề “Thúc đẩy tái cơ cấu và giảm nghèo”, các nhà tài trợ và Chính phủ đã thống nhất tổ chức Hội nghị CG giữa kỳ năm 2012 tại khu vực miền Trung, một khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: “Hội nghị CG giữa kỳ năm 2012 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận là một cơ hội để các nhà tài trợ và các cơ quan chính phủ đối thoại, thảo luận trực tiếp với các tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nhẹ thiên tai của vùng miền Trung nói riêng và các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực này với cả nước nói chung”.


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu, đúng hướng trong việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng một cách chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa. Nhiều biện pháp đã được thực hiện nhằm giảm mặt bằng lãi suất, như: giảm trần lãi suất tiền gửi, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, liên ngân hàng… “Xuất khẩu tăng mạnh, nhập siêu được kiềm chế đã góp phần cải thiện cán cân thương mại và cán cân tổng thể, tăng dự trữ ngoại tệ nhà nước”, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết.


Đưa ra những nhận xét tốt về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết: “Các giám đốc điều hành của IMF đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc góp phần làm giảm lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái và xây dựng lại dự trữ ngoại hối, cũng như ghi nhận quyết tâm của Việt Nam khi tiếp tục theo đuổi các chính sách định hướng ổn định kinh tế”.


Việt Nam đạt được những kết quả đáng kể, theo Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, là nhờ thực hiện khá thành công Nghị quyết 11 năm 2011 của Quốc hội. “Mặc dù ban đầu, nhiều người nghi ngờ về hiệu quả của Nghị quyết 11, song đến nay, rõ ràng là Nghị quyết 11 đã thành công trong việc chặn đứng nguy cơ bất ổn định, giúp Chính phủ khôi phục được uy tín của mình về khả năng điều hành kinh tế”, bà Kwakwa khẳng định.


Khẳng định những kết quả đạt được của kinh tế vĩ mô trong 5 tháng đầu năm theo đúng định hướng của Nghị quyết 11, tuy nhiên, đối thoại với các nhà tài trợ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Những chính sách kiềm chế lạm phát mạnh mẽ đã phát huy tác dụng, nhưng cũng gây ra nhiều tác động trái chiều, ảnh hưởng khá mạnh đến tăng trưởng, quý II năm nay có thể chỉ đạt mức tăng trưởng GDP tối đa 4,5%.


Nêu khuyến nghị dành cho Việt Nam, ông Sanjay Kalra cho rằng, Việt Nam cần thận trọng khi lập trường của chính sách kinh tế vĩ mô được hoạch định là nới lỏng trong năm 2012, có thể là một nguyên nhân kéo lạm phát tăng trở lại.


Đánh giá cao những khuyến nghị của các nhà tài trợ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, trong định hướng phát triển thời gian tới, Việt Nam vẫn tiếp tục tập trung vào mục tiêu chính cho năm 2012 là kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 8%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 6%, cũng như những mục tiêu an sinh xã hội. Phó thủ tướng khẳng định, việc hạ lãi suất ngân hàng hay các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đều đã được Chính phủ tính toán kỹ. Đây không hoàn toàn là việc nới lỏng, mà là những giải pháp tránh sự sụp đổ quá mức của thị trường, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của Việt Nam trong những năm tới.


Phó thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ kiên trì thực hiện 7 nhóm giải pháp lớn để ổn định kinh tế vĩ mô tại Nghị quyết 01 đã được Chính phủ đưa ra vào tháng 1/2012. “Các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện. Chúng tôi đang tính toán độ trễ của chính sách, có thể sau 3-4 tháng nữa sẽ phát huy tác dụng, khi đó sẽ tiếp tục có biện pháp điều hành phù hợp. Việc giảm lãi suất cũng sẽ vẫn được thực hiện nhưng phải theo định hướng ổn định kinh tế vĩ mô”, Phó thủ tướng khẳng định.


Tái khẳng định sự ủng hộ của các nhà tài trợ nói chung cũng như IMF nói riêng, ông Sanjay Kalra cho rằng, Việt Nam còn nhiều cơ hội để nâng cao mức sống cho người dân trong tương lai. Tuy nhiên, vị đại diện IMF cũng nhấn mạnh, cả trong ngắn và trung hạn, các khu vực then chốt của nền kinh tế cần được cải cách nhằm cải thiện sự phân bổ nguồn lực và nâng cao tăng trưởng dựa trên năng suất.