Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN+3 (AFDM+3) đạt được những kết quả khả quan

Theo mof.gov.vn

Việc triển khai các sáng kiến khu vực như Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai để tiến tới vận hành hiệu quả Cơ chế hỗ trợ tài chính khu vực ASEAN+3 và Sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu Châu Á với những nỗ lực chuẩn bị cho sự ra đời của Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư là những kết quả tốt đẹp đạt được tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN+3 (AFDM+3).

Trong hai ngày 6-7/4/2010, các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN+3 (AFDM+3) đã nhóm họp tại Nha Trang dưới đồng chủ trì của Thứ trưởng Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà và Thứ trưởng Trung quốc Li Yong. Đây là phiên họp trù bị cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 lần thứ 13 sẽ diễn ra ngày 2/5 tại Tashkent, Uzbekistan. Tham dự Hội nghị bao gồm các Thứ trưởng Tài chính và các Phó Thống đốc NHTW của 10 nước ASEAN và 3 đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Hội nghị lần này đã tập trung kiểm điểm tiến trình hợp tác tài chính khu vực ASEAN+3 thông qua việc triển khai các sáng kiến hợp tác Sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai, hoạt động của Nhóm nghiên cứu ASEAN+3 và đặc biệt là định hướng hoạt động tương lai của hợp tác tài chính khu vực.

Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai: tiến tới vận hành hiệu quả Cơ chế hỗ trợ tài chính khu vực ASEAN+3.

Tiến trình về Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai đã trải qua gần 4 năm đàm phán và đã đánh dấu mốc quan trọng vào tháng 12/2009 khi các nước thành viên ASEAN+3 tiến hành ký kết Thỏa thuận CMIM và chính thức có hiệu lực từ ngày 24/03/2010. Quy mô của Thỏa thuận CMIM đạt 120 tỷ USD nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ tài chính kịp thời và hiệu quả cho các nước thành viên khi gặp khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán. CMIM được xem là một biện pháp bảo vệ tính thanh khoản ngoại tệ nhằm tăng cường sự ổn định của thị trường tài chính khu vực. CMIM cũng sẽ bổ sung cho các thoả thuận tài chính quốc tế hiện hành như chương trình cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Sự vận hành của CMIM có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác tài chính khu vực, thể hiện cam kết hợp tác của các nước ASEAN+3 ở mức độ cao. Để đảm bảo CMIM hoạt động có hiệu quả trong việc hỗ trợ thanh khoản của các nền kinh tế khu vực, các Thứ trưởng đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến cơ chế vận hành và hoạt động của CMIM sau khi có hiệu lực. Các Thứ trưởng nhất trí rằng cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán và lộ trình thành lập Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô khu vực (AMRO) để hỗ trợ các nước trong quá trình giám sát kinh tế khu vực và đảm bảo cho sự vận hành hiệu quả của CMIM.

Đáng chú ý là các Thứ trưởng đã đạt được thống nhất đối với một số vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức, bổ  nhiệm nhân sự và hình thức pháp lý của AMRO. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các nước tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ cấu AMRO nhằm đưa AMRO chính thức hoạt động vào tháng 5/2011.

Đối với Việt Nam, tham gia Thoả thuận CMIM vừa thể hiện tinh thần và thiện chí hợp tác của Việt Nam, vừa đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi của một nước thành viên ASEAN+3. Việc tham gia CMIM giúp cho Việt Nam có một cơ chế dự phòng tài chính nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ tài chính ngắn hạn trước các khó khăn về thanh khoản ngoại tệ.

Sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu Châu Á: nỗ lực chuẩn bị cho sự ra đời của Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư.

Về Sáng kiến Phát triển thị trưởng trái phiếu Châu Á (ABMI), được khởi xướng năm 2003 nhằm mục đích phát triển sâu rộng thị trường trái phiếu các nước thành viên, đặc biệt là thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ, ABMI đã đạt được những thành tựu quan trọng thể hiện nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của các nước nhằm xây dựng một thị trường trái phiếu khu vực.

Từ năm 2009, với nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, các nước ASEAN+3 đã tập trung kết thúc đàm phán về thành lập Cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF) với quy mô lên tới 700 triệu USD để cung cấp các hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp ASEAN+3 trong việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu bằng đồng bản tệ. Tại Hội nghị, các Thứ trưởng ASEAN+3 đã đạt được sự đồng thuận đối với các nội dung về thành lập CGIF và thể hiện quyết tâm ký kết Thoả thuận thành lập CGIF trước thời điểm diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3, tháng 5/2010.

Bên cạnh các nỗ lực triển khai và củng cố các sáng kiến ASEAN+3 hiện nay, các Thứ trưởng đã thảo luận về định hướng hợp tác tài chính ASEAN+3 trong tương lai nhằm tiếp thêm những động lực mới cho tiến trình hợp tác khu vực hướng tới sự năng động và hiệu quả hơn nữa.

Cùng với các nội dung trao đổi về thực hiện các sáng kiến khu vực, các Thứ trưởng và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 đã tiến hành phiên kiểm điểm kinh tế và đối thoại chính sách của từng nước thành viên. Đại diện của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng được mời tham dự và chia xẻ các đánh giá về tình hình kinh tế khu vực ASEAN+3.

Hội nghị đã thành công tốt đẹp sau hai ngày làm việc tích cực tại VinpealLand, Nha Trang dưới sự điều hành hiệu quả của đồng chủ tịch Việt Nam và Trung Quốc.