3 tháng đầu năm 2019:

Hơn 40% lượng sắt thép vào Việt Nam được nhập từ Trung Quốc

Theo Tường Lâm/thuongtruong.vn

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm nay cả nước đã nhập khẩu 3,37 triệu tấn sắt thép trị giá 2,26 tỉ USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 1,38 triệu tấn, trị giá đạt 867 triệu USD, tăng 23% về lượng, tăng 4,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy lượng xuất khẩu sắt thép các loại 3 tháng từ đầu năm 2019 đạt 1,77 triệu tấn, trị giá 1,13 tỉ USD, tăng 24,2% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Sắt thép Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường trong khu vực như Campuchia là 448.000 tấn, tăng 57,6%; Indonesia là 221.000 tấn, tăng 10,9%; Malaysia đạt 172.000 tấn, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước…

Ở chiều ngược lại, cả nước đã nhập khẩu nhóm hàng này 3,37 triệu tấn, trị giá 2,26 tỉ USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 1,38 triệu tấn, trị giá đạt 867 triệu USD, tăng 23% về lượng, tăng 4,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ 2 là Hàn Quốc với 438.000 tấn, trị giá 356 triệu USD, giảm 2,6% về lượng và tăng 0,3% về trị giá; đứng thứ ba là Nhật Bản với 439.000 tấn, trị giá đạt 304 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 17,9% về trị giá…

Trong hai tháng đầu năm, giá nguyên liệu này trên thế giới đi lên không ngừng khiến các sản phẩm bán ra trong nước cũng nhiều lần lên giá. Nhưng báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam cho biết thị trường thép toàn cầu trong quý 1 vừa qua được đánh giá là tạm ổn định. Ví dụ giá quặng sắt ngày 8.4 giao dịch ở mức 92-93 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), tăng khoảng 10 USD/tấn so với đầu tháng 3.2019.

Ngược lại than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc còn 174 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn; giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 330-335 USD/tấn, tương đối ổn định. Hay giá phôi thép đầu tháng 4 cũng giảm khoảng 7 USD/tấn so với đầu tháng 3 vừa qua…

Tuy nhiên theo Reuters, giá quặng sắt tại Trung Quốc đóng cửa tuần qua là tuần tăng thứ 3 liên tiếp, khi giá quặng sắt giao ngay lên mức cao nhất gần 5 năm, trong bối cảnh nhu cầu từ các nhà sản xuất thép tăng và nguồn cung từ các nhà sản xuất nước ngoài suy giảm.

Thị trường quặng sắt toàn cầu đối mặt với nguồn cung thiếu hụt khoảng 34 triệu tấn trong năm nay. Do ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập tại Brazil trong tháng 1.2019 đã hạn chế hoạt động sản xuất của công ty khai thác quặng sắt số 1 thế giới – Vale.

Ngoài ra, lo ngại thiếu hụt do cơn bão nhiệt đới vào cuối tháng 3.2019 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty sản xuất quặng sắt lớn tại Australia, khiến doanh số xuất khẩu quặng sắt năm 2019 của nước này suy giảm. Sản lượng thép của Trung Quốc chiếm hầu hết sản lượng thép toàn cầu đạt hơn 50% và năm 2018 tăng 10% so với năm 2017.