“Hợp lực” để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 9/2020

Giải ngân vốn đầu tư công được coi là giải pháp có ý nghĩa quan trọng giúp kích cầu nền kinh tế, “bù đắp” thiếu hụt tăng trưởng, góp phần giảm thiểu tối đa tác động do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, để giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% theo yêu cầu của Chính phủ, cần sự quyết liệt, tăng tốc hơn nữa từ các cấp, ngành, địa phương và chế tài mạnh tay xử lý các dự án chậm giải ngân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định, vốn đầu tư công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện, vì vậy, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần tăng tốc vòng quay của vốn, cải thiện hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR). Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ đã có nhiều động thái và giải pháp quyết liệt thể hiện tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản như: Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 về giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Các Văn bản số 623/TTg-KTTH, Văn bản số 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020 xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Kết luận số 242/TB-VPCP ngày 18/7/2020 chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

Trong đó, 3 nhóm giải pháp Thủ tướng Chính phủ đặt ra như: (i) Rà soát hệ thống pháp luật về ngân sách, đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; (ii) Khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 cho các dự án; (iii) Tổ chức thực hiện dự án nhằm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa tạo nền tảng tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong dài hạn. Cụ thể: Ngay từ đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo toàn ngành Tài chính thực hiện đồng bộ các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả vốn vay nước ngoài.

Chỉ trong quý I/2020, Bộ Tài chính đã có nhiều lượt văn bản đôn đốc các bộ, ngành địa phương sớm phân bổ và nhập dữ liệu dự toán được giao vào Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để có cơ sở thanh toán vốn; đồng thời đã rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan đến kiểm soát chi, rút vốn, hạch toán.

Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị quyết, chỉ thị về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn đôn đốc các chủ dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các bộ, ngành và địa phương báo cáo và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vốn.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đẩy mạnh công tác hiện đại hóa việc quản lý đơn rút vốn (ghi nhận và giải quyết trên 1.300 khoản rút vốn trong gần 6 tháng); xây dựng Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ... Đồng thời, triển khai các đoàn công tác làm việc trực tiếp với các bộ, địa phương có các dự án sử dụng vốn ODA với quy mô vốn lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Giáo dục và Đào tạo để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.

Các bộ, ngành khác liên quan cũng đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như: Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, dự toán các dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư cử cán bộ có thẩm quyền tại hiện trường để đôn đốc nhà thầu, tư vấn thực hiện hoạt động; ban hành quy định trình tự, thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ thanh toán nội bộ tại đơn vị, lấy tiêu chí kết quả giải ngân kế hoạch để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập và kiện toàn Tổ công tác thúc đẩy giải ngân; ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn; định kỳ hàng tháng tổ chức rà soát, kiểm tra định kỳ các dự án chậm tiến độ để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án.

Các địa phương đã tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành và với các cơ quan liên quan để nắm bắt tình hình vướng mắc trong giải ngân dự án ODA, vay ưu đãi. Một số địa phương đã thành lập bộ phận chuyên trách quản lý dự án vay ODA, vay ưu đãi trong Sở Tài chính như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Kạn...

Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm 2020 tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, quỹ thời gian năm 2020 để giải ngân hết số vốn còn lại không nhiều, áp lực đặt ra rất lớn, vì vậy, cần phải sớm có giải pháp phù hợp và quyết liệt hơn, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công theo yêu cầu của Chính phủ đề ra.

Hợp lực, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2020

Trên cơ sở nhận diện những tồn tại, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công; Phân tích, tổng hợp, so sánh tư liệu khai thác, nghiên cứu từ các tuyên bố chính thức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê… tác giả đề xuất một số giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn. Các giải pháp này được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và góc độ tổ chức quản trị tốt…

Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công là sự lựa chọn mang tính chiến lược để góp phần giải quyết việc làm, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công chịu tác động của nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan, do vậy, Chính phủ, các bộ, ngành, trung ương và địa phương cần quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, xác định tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế; đồng thời, coi giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí kiểm định khách quan và là cơ sở để đánh giá toàn diện về năng lực quản lý, điều hành của bộ, ban ngành, trung ương đến địa phương. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về sự cần thiết phải tăng tốc giải ngân đầu tư công. Công tác tuyên truyền cần tổ chức toàn diện, liên tục và bao trùm; Nội dung tuyên truyền tập trung làm nổi bật những vấn đề cốt lõi sau:

Một là, làm rõ vai trò, tác động của việc giải ngân vốn đầu tư công đối với tăng trưởng nền kinh tế; tạo việc làm, kích thích tăng cầu nội địa…

Hai là, chỉ ra những rào cản, vướng mắc, bất cập trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công; phản ánh đầy đủ chỉ đạo, điều hành cũng như nỗ lực của Nhà nước trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

Ba là, tổng kết, đánh giá kinh nghiệm quốc tế về quản trị và điều hành, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; nghiên cứu và tổng kết, đánh giá kết quả các mô hình giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả.

Thứ hai, thường xuyên rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ vướng mắc thủ tục và khuyến khích chuyển đổi phương thức đầu tư phù hợp với tình hình thực tế. Việc chuyển đổi phương thức đầu tư cần quyết liệt hơn trong thời gian còn lại của năm 2020, có như vậy mới tạo khả năng huy động vốn nhanh, sẵn sàng thay thế vốn tư nhân bằng vốn nhà nước. Việc thực hiện điều chuyển vốn đầu tư giữa các dự án cũng cần được đặt ra để thích ứng với bối cảnh nền kinh tế đang bị tác động mạnh mẽ bởi dịch Covid-19. Việc chuyển từ vốn Trung ương, nhất là vốn vay nước ngoài sang sử dụng vốn đầu tư địa phương cũng cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch để tạo niềm tin với đối tác cho vay nước ngoài.

Đối với các dự án đầu tư dưới hình thức đối tác công tư (PPP), nếu đối tác tư nhân hạn chế về vốn, khó có khả năng triển khai nhanh theo kế hoạch giải ngân tăng tốc có thể chuyển đổi phương thức từ đầu tư theo PPP sang phương thức đầu tư 100% vốn nhà nước. Đây là cách thức khắc phục nhanh chóng tình trạng chậm trễ trong huy động vốn của tư nhân.

Đối với các dự án đầu tư công giải ngân chậm, cần có cơ chế cho phép và khuyến khích chủ đầu tư ứng trước vốn hay tăng vốn thực hiện huy động từ ngoài vốn đầu tư công để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án. Cơ chế xử lý hài hòa lợi ích nhà đầu tư cũng cần được đảm bảo, tạo động lực để nhà đầu tư yên tâm triển khai và đẩy nhanh tiến độ dự án…

Thứ ba, khẩn trương xây dựng lộ trình tổng thể giải ngân vốn đầu tư công của từng cấp nhằm hỗ trợ tối đa về kỹ thuật cho các đối tượng liên quan trong quá trình triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Lộ trình tổng thể giải ngân vốn đầu tư công cũng cần được cụ thể hóa theo hướng tinh gọn, đơn giản, khoa học và hiệu quả; gia tăng sự đánh giá, giám sát, phản biện của các đối tượng liên quan nhằm tạo động lực thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.       

Thứ tư, tăng cường tính minh bạch thông tin về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư công. Thông tin minh bạch hóa cần đáp ứng mục tiêu tạo động lực sáng tạo và nâng cao trách nhiệm các bên trong triển khai dự án. Việc cải thiện môi trường đầu tư công, nhất là về quy định, thủ tục, phương phức giải ngân cần tiếp tục được cải thiện theo hướng giảm tối đa chi phí và thời gian, tăng cường sử dụng giao dịch phi giấy tờ và các cuộc họp, trao đổi, thảo luận trực tuyến...   

Thứ năm, cần có cơ chế khen thưởng, khích lệ, động viên và chế tài rõ ràng đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Đây là cách thức để tạo khí thế thi đua, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công được xác định là vấn đề ưu tiên hàng đầu, nhận được sự đồng thuận cao nhất của các cấp, ngành, địa phương và chủ đầu tư, vì thế, các dự án đầu tư hoàn thành đúng hoặc vượt mức kế hoạch cần được khen thưởng, động viên, khuyến khích bằng nhiều hình thức như: bố trí thêm vốn, khen thưởng nhà đầu tư, vinh danh cơ quan quản lý trên các phương tiện thông tin đại chúng... Ngược lại, với các dự án đầu tư chậm tiến độ, gây lãng phí cần làm rõ trách nhiệm và có chế tài phù hợp…

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm 2020 tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, quỹ thời gian để giải ngân hết số vốn còn lại không nhiều (4 tháng), áp lực đặt ra rất lớn, vì vậy, cần phải sớm có giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư công theo yêu cầu của Chính phủ đề ra.

Trước mắt, các cơ quan chủ quản cần khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống TABMIS để có cơ sở giải ngân. Lưu ý tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành hoặc các dự án sắp hết thời hạn giải ngân.

Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn. Đồng thời, chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương hoàn chứng từ các khoản đã rút về tài khoản đặc biệt quá 3 tháng, đảm bảo tuân thủ kỷ luật tài chính; Thực hiện các hoạt động kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân.

Đối với số vốn nước ngoài các năm trước thuộc kế hoạch trung hạn đã bị hủy do không kịp giải ngân theo dự toán và ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện của dự án, đề nghị các cơ quan chủ quản tổng hợp để Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ cam kết với nhà tài trợ và đảm bảo cho dự án không bị chậm trễ trong quá trình thực hiện. Cơ quan chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh; Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án.

Đối với các cơ quan tổng hợp, cần sớm tổng hợp các yêu cầu cắt giảm kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nếu cần thiết sẽ điều chuyển cho bộ, ngành, địa phương còn thiếu và có khả năng thực hiện và giải ngân. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét đề xuất của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án để  tổ chức tập huấn việc thực hiện Nghị định số 56/2020/NĐ-CP. Bộ Xây dựng nghiên cứu, xem xét đề xuất của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án và tổ chức tập huấn việc thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP.

Bộ Tài chính tiếp tục tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải ngân  vốn ODA, vay ưu đãi; Thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát và rút ngắn thời gian hoàn chứng từ đối với hình thức thanh toán qua tài khoản đặc biệt. Đồng thời, hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn, để đảm bảo đúng thời hạn quy định; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 4 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm.

Đối với chủ đầu tư và các chủ thể liên quan

Để tháo gỡ những khó khăn và nỗ lực hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, các chủ đầu tư và các đối tượng liên quan cần tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân. Cùng với đó, kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản và các bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời. Cụ thể:

Đối với chủ đầu tư dự án:

Để tăng tốc giải ngân đầu tư công theo đúng chủ trương của Nhà nước, chủ đầu tư cần trực tiếp và tiên phong đề xuất các giải pháp sáng tạo và hiệu quả. Đồng thời, phát huy tối đa vị trí, vai trò, uy tín, năng lực của người đúng đầu, trực tiếp là chủ đầu tư để có thể huy động, tập hợp lực lượng trong xây dưng lộ trình, phân bổ khoa học nguồn lực, áp dụng các giải pháp đề xuất hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thời gian; Nắm chắc chủ trương của Đảng, Nhà nước để đồng hành và sáng tạo trong quá trình đề xuất, sáng kiến, ý tưởng và mô hình giải ngân vốn đầu tư công dưới góc độ người trực tiếp thực hiện.

Ngoài ra, chủ đầu tư cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nguyên lý, mô hình và kỹ thuật của khoa học quản lý; Sử dụng khoa học điều hành tiến độ chặt chẽ, bảo đảm vận hành dự án tiết kiệm, hiệu quả, loại bỏ tối đa sai sót, gây lãng phí. Phát động các phong trào thi đua, khuyến khích các sáng kiến cải tiến công việc và có hình thức khen thưởng về vật chất và tinh thần phù hợp. Có thể thành lập bộ phận chiến lược để theo dõi tình hình, tập hợp sáng kiến và đưa ra các giải pháp hữu ích thúc đẩy giải ngân tăng tốc vốn đầu tư công…

Đối với chủ thể liên quan (gồm: cộng đồng, nhà  cho vay quốc tế, nhà khoa học, chuyên gia, đối tượng thụ hưởng dự án):

Cần phát huy vai trò đánh giá, giám sát tiến độ và chất lượng dự án đầu tư công. Đối tượng thụ hưởng dự án cần tham gia tích cực trong truyền thông lợi ích và tác động dự án để tạo dư luận tích cực, đồng thuận, thể hiện tâm tư, nguyện vọng góp phần tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công…

 

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
2. Quốc hội (2019), Luật Đầu tư công;
3. Chính phủ (2020), Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đầu tư công;
4. Thủ tướng Chính phủ (2020), Bài phát biểu về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Cuộc họp trực tuyến Chính phủ tháng 8/2020;
5. Đại học Kinh tế quốc dân (2012), Giáo trình quản trị dự án đầu tư, NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân