Hợp tác, chia sẻ trách nhiệm để không một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau

PV.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có sức chống chịu” ngày 22/11 (giờ Việt Nam), trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Nguồn: baochinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Nguồn: baochinhphu.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, đại dịch Covid-19 đã kéo lùi thành quả phát triển của thế giới hàng thập kỷ, đẩy hàng chục triệu người rơi vào nghèo đói. Bên cạnh tác động của dịch bệnh, diễn biến phức tạp của thiên tai, ô nhiễm môi trường..., càng làm đẩy tình trạng đói nghèo, khoảng cách số, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước trở thành những thách thức toàn cầu mà không riêng một quốc gia nào có thể xử lý được.

Trước tình hình đó, hơn bao giờ hết, các quốc gia cần đoàn kết, xây dựng lòng tin, thực tâm hợp tác và chia sẻ trách nhiệm chung hướng tới phát triển bền vững, bao trùm và không để một quốc gia hay người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi G20 cùng với sự hợp tác của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới... tích cực kiến tạo những nền tảng phát triển mới, như chuyển đổi nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… để vượt qua thách thức và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước G20 hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp cận thị trường và các nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời đẩy mạnh hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nhất là chống suy giảm chất lượng đất, bảo tồn san hô, giảm rác thải nhựa và quản lý bền vững nguồn nước...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cam kết của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận Paris, nỗ lực giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước và có thể giảm tới 27% khi có thêm các nguồn hỗ trợ quốc tế.