Huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Trong những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã không ngừng đổi mới, cải tiến nội dung chương trình giảng dạy; tìm kiếm các cơ hội liên kết với các đối tác trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng và cung ứng nguồn nhân lực tốt cho xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, nguồn lực tài chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Để khắc phục tình trạng này cần phải hoàn thiện cơ chế để huy động nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước.

Tình hình huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp

Những năm qua, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng ở Việt Nam đã có những bước phát triển về quy mô, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có 1.989 cơ sở GDNN, trong đó có 1.337 cơ sở công lập, chiếm 67% (gồm 331 trường cao đẳng, 350 trường trung cấp và 656 trung tâm). Số lượng nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở GDNN là 91.555 người, trong đó các cơ sở GDNN công lập là 71.771 người, chiếm 78%.

Chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN đã có những chuyển biến tích cực, đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các DN đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến…

Từ những đòi hỏi và yêu cầu thực tiễn, việc thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ của các cơ sở GDNN là yêu cầu bức thiết. Thực hiện chủ trương này, các cơ sở GDNN đã chủ động thực hiện quyền và nghĩa vụ tự chủ tài chính, chủ động khai thác các nguồn thu sự nghiệp, tăng cường hoạt động dịch vụ, liên kết đào tạo cho DN gắn với lao động sản xuất, thực hiện hợp đồng đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề.

Thời gian qua, việc huy động nguồn lực tài chính ngoài NSNN cho hoạt động GDNN tại các cơ sở GDNN chủ yếu từ học phí và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

- Về học phí: Hiện nay, nguồn thu từ học phí chiếm khoảng 18% tổng nguồn lực tài chính cho dạy nghề. Tại các cơ sở GDNN, nguồn thu chủ yếu là học phí, song mức thu học phí còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí cho các hoạt động giảng dạy, đầu tư trang thiết bị của nhà trường. Do vậy, dù nguồn thu từ học phí vẫn tăng đều đặn qua các năm, nhất là trong giai đoạn 2014-2018 với mức tăng từ 1.523 tỷ đồng năm 2014 lên khoảng 4.892 tỷ đồng năm 2018 (tăng xấp xỉ 3,2 lần), nhưng mức học phí học nghề hiện còn ở mức thấp.

So với chi thường xuyên cho dạy nghề, tỷ trọng học phí thu được năm 2018 bằng khoảng 34%, trong khi năm 2014 chỉ khoảng 30%. Hiện nay, nguồn thu học phí tăng hàng năm và phần lớn được sử dụng để bù đắp các hoạt động đào tạo, một phần tích lũy để tái đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đã góp phần tích cực trong việc tăng cường năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề.

- Về nguồn ODA: Nguồn vay và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng 9% trong tổng nguồn tài chính cho đào tạo nghề. Nguồn tài chính ODA đầu tư cho các dự án dạy nghề còn rất nhỏ; qua khảo sát chưa đầy đủ vốn ODA đầu tư cho đào tạo nghề trọng điểm năm 2015 là gần 32 tỷ đồng, năm 2016 gần 38 tỷ đồng, năm 2017 là gần 40 tỷ đồng. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách tài chính đối với nguồn kinh phí này còn nhiều bất cập. Nguồn vốn vay trong và ngoài nước cho đào tạo nghề còn hạn chế về số lượng và chất lượng; thủ tục giải ngân còn phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều cơ quan. Vì vậy, vốn giải ngân thường là chậm, kéo dài thời gian dự án và thường không giải ngân hết được số vốn vay theo hiệp định đã ký kết, dẫn đến vốn đối ứng cũng không được bố trí đủ, không đạt được hiệu quả từ nguồn vốn này.

Việc huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước của các cơ sở GDNN còn một số tồn tại, hạn chế khác như: Huy động nguồn tài chính ngoài ngân sách từ chính sách tín dụng và học bổng cho sinh viên còn thấp; Quản lý tài chính cho GDNN nói chung và cho huy động nguồn tài chính chưa theo kịp thực tiễn; Các cơ sở GDNN chưa chủ động trong gắn kết với DN tham gia một cách tích cực chủ động vào hoạt động GDNN…

Giải pháp huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, các cơ sở GDNN cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, xây dựng phương thức huy động nguồn tài chính thông qua sự tham gia của khu vực tư nhân trong GDNN.

Hai là, mở rộng đối tượng được vay tín dụng để có khả năng tài chính tham gia học tập; Xem xét hỗ trợ trong giai đoạn đầu đối với các trường về cơ sở vật chất để đủ tiêu chuẩn triển khai tự chủ tài chính hoàn toàn vào năm 2020. Thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng như ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN...

Ba là, đẩy mạnh cơ chế tự chủ để đổi mới quản lý GDNN. Theo đó, cơ sở GDNN thực hiện tự chủ được trao quyền tự chủ toàn diện về các nội dung thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, nhân sự và tài chính. Thông qua hợp tác liên doanh, liên kết huy động được nhiều nguồn vốn để tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhà giáo, tạo động lực để nâng cao chất lượng đào tạo...

Bốn là, tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở GDNN và DN, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của DN; Hoàn thiện các quy định để DN là chủ thể của GDNN, được tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Thế Lữ (2018), Huy động nguồn lực tài chính phát triển giáo dục nghề nghiệp công lập ở Việt Nam;

2. Phạm Thu Hạnh (2019), Huy động và phát triển các nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề tại Việt Nam;

3. Lê Kim Anh (2019), Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo;

4. Nguyễn Đắc Hưng (2019), Hoàn thiện chính sách xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, https://gdnn.edu.vn/giao-duc-nghe-nghiep/hoan-thien-chinhsach-xa-hoi-hoa-giao-duc-nghe-nghiep-204.html;

5. Như Chính (2019), Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, https://baodautu.vn/huy-dong-cac-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-giaoduc-d101709.html.