IMF: Đây là thời điểm thích hợp để các quốc gia tăng cường đầu tư công


Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, đây chính là thời điểm tăng cường đầu tư công, khi nhiều quốc gia vẫn đang tiếp tục chống dịch và nhiều người dân đã mất việc làm vì cuộc khủng hoảng do đại dịch nay muốn đi tìm việc làm mới. Đó là nhận định mới nhất được IMF đưa ra trước thềm các cuộc họp mùa Thu của tổ chức này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thời điểm tăng cường đầu tư công

Theo IMF, đầu tư công nên đóng vai trò trung tâm trong giai đoạn phục hồi ở các nền kinh tế mới nổi và phát triển sau thời gian suy giảm vì tác động của đại dịch Covid-19, việc tăng đầu tư công ở mức 1% GDP có thể kéo theo đầu tư tư nhân tăng 10%, việc làm tăng 1,2% và GDP tăng 2,7%. Cùng với đó là niềm tin chung vào khả năng phục hồi cũng sẽ cải thiện. Lãi suất thấp trên toàn cầu cũng báo hiệu đây là thời điểm thích hợp để đầu tư, mặc dù trước đó IMF cũng thường cảnh báo về sự tích tụ lớn nợ công ở các nước đang phát triển.

IMF khuyến khích các quốc gia vừa bảo trì những cơ sở hạ tầng hiện có, vừa xem xét kỹ hơn các dự án đã bị đình trệ trong thời gian qua và vạch ra những dự án mới với trọng tâm là những nhu cầu phát sinh sau khi dịch bệnh qua đi.

Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, tuy nhiên IMF nhận định, kể cả trước khi đại dịch xuất hiện, đầu tư công cũng "yếu kém" trong khoảng hơn 1 thập kỷ qua. Đưa ra dẫn chứng, IMF cho hay, thực tế tại một số quốc gia phát triển vẫn có những đoạn đường, những cây cầu cũ nát hay nhiều quốc gia nghèo hơn vẫn cần đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng giao thông, nước sạch và các hệ thống vệ sinh công cộng.

Tại Báo cáo, IMF cho biết, đầu tư hiện đang được cho là yêu cầu cấp thiết trong các lĩnh vực quan trọng để kiểm soát đại dịch, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, trường học, tòa nhà an toàn, giao thông an toàn và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

IMF cũng cho biết, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng là khả thi và có thể được chuyển giao nhanh chóng nếu các Chính phủ đầu tư vào việc bảo trì cơ sở hạ tầng, xem xét và khởi động lại các dự án đã bị gác lại khi bắt đầu đại dịch, tăng tốc các dự án đang trong quá trình thực hiện và lập kế hoạch ngay lập tức cho hậu đại dịch của các khoản đầu tư.

Chính phủ Việt Nam đã chọn đúng điểm, đúng hướng, để có kết quả giải ngân vừa qua

Tại Việt Nam, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong bối cảnh đầu tư của khu vực tư nhân tăng trưởng chậm, muốn thúc đẩy đầu tư toàn xã hội - động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế - buộc phải đẩy mạnh đầu tư công. Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 với những quy định mới, nhiều thủ tục đã đơn giản hơn, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập 07 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương. Các đoàn công tác này do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số bộ trưởng làm trưởng đoàn. Các đoàn sau khi về địa phương sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Theo tổng hợp từ các đoàn công tác, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Đặc biệt là các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gắn với khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện, hoạt động giải ngân.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm thay vì phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn là phấn đấu giải ngân càng nhiều càng tốt, không chạy theo thành tích nếu công trình, dự án chưa bảo đảm đầy đủ thủ tục đầu tư. Vấn đề là phải tập trung giải ngân vốn cho các dự án có ảnh hưởng lan toả, dự án lớn, dự án tác động đến nhiều địa phương.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, những kết quả đạt được đã cho thấy quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất đúng và trúng. Chính phủ đã chọn đúng điểm, đúng hướng, để có quyết sách đúng đưa tới kết quả giải ngân vừa qua. Nếu giữ được đà này trong những tháng còn lại của năm thì chúng ta có thể tin tưởng rằng năm nay Việt Nam chắc chắn có tốc độ tăng trưởng dương. 

Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Với đầu tư công, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, nếu giải ngân hết khoảng 80% số vốn kế hoạch năm nay, sẽ đóng góp khoảng 0,3% vào tốc độ tăng GDP. 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/9/2020, có 08 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương ước tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%, dù không đạt như kỳ vọng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng kết quả này hết sức ấn tượng vì cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước.