IMF: Năm 2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt trên 10.000 USD


Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), kết thúc năm 2020, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1.050 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến hết năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của IMF, kết thúc năm 2020, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1.050 tỷ USD và GDP bình quân đầu người phải đạt trên 10.000 USD.

Đây là minh chứng cho thấy, Việt Nam đã vững bước trên con đường đổi mới, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Thực tế cho thấy, năm 2020, dưới tác động của Covid-19, nhiều nước trên thế giới đã rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương (+2,91%), dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất...

Bước sang năm 2021, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đặt mục tiêu quy mô GDP bình quân đầu người “chốt” ở mức 3.700USD - chỉ tiêu được coi là "rất dũng cảm và quyết liệt".

Như vậy, chỉ trong một năm, từ năm 2020 đến 2021, việc xác định mục tiêu tăng từ 2.750 USD/người lên 3.700 USD/người. Theo TS. Nguyễn Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đây sẽ là bước chân “ngàn đô” đầy khó khăn, thách thức. Theo chuyên gia này, đã đến lúc, Việt Nam không chỉ quan tâm tới tốc độ tăng trưởng mà còn là các giá trị tuyệt đối. Ở đây, thu nhập của người dân đã được coi trọng hơn nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu còn nhiều tác động tiêu cực. Việc đưa ra chỉ tiêu rất cụ thể về quy mô GDP bình quân đầu người không phải là “giao đề bài khó” mà có thể hiểu là động thái thể hiện sự quyết tâm và hành động.

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng bày tỏ trong bài phát biểu trước phần chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: “Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất của chúng ta không phải là tụt hậu về kinh tế; mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động”. Do vậym nhiều ý kiến đồng thuận rằng, mức 3.700 USD/người chính là cơ hội để thể hiện ý chí và hành động, ngay từ thời điểm cuối năm 2020.

Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất...