Kết quả kiểm toán năm 2009: Nhiều bất ngờ!

PV

Kiểm toán Nhà nước vừa tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2009 của 4 chuyên đề là: Chương trình 135, việc quản lý sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường, cấp bù lỗ xăng dầu tại các đầu mối nhập khẩu và Báo cáo tài chính của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo đó, đã phát hiện và kiến nghị xử lý trên 6.566 tỷ đồng; đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng công bố nhiều số liệu liên quan khiến không ít người phải giật mình trước đồng vốn nhà nước bị thất thoát, sử dụng không hiệu quả...

Đáng chú ý trong số 4 chuyên đề mà KTNN công bố hôm nay có chuyên đề về báo cáo Tài chính của Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước SCIC. Theo Kiểm toán Nhà nước thì mặc dù SCIC đang quản lý 1 số vốn khổng lồ lên tới trên 40.700 tỷ đồng, và có vốn đầu tư tại hơn 800 doanh nghiệp, nhưng lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu trong cả năm 2008 chỉ là 12,4%. Trong khi đó, báo cáo của KTNN cũng cho thấy, mức lương của lãnh đạo siêu tổng công ty này đã khiến nhiều người giật mình với trên 78 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, liên quan đến việc quản lý vốn nhà nước tại 1 số DN của SCIC, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện và kiến nghị xử lý hàng tài chính với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng trường hợp góp vốn tại Công ty Hàng không Jetstar Pacific Airlines, SCIC đang âm 121 tỷ đồng. Mặc dù thua lỗ trên 31 triệu USD, nhưng Công ty Hàng không Jetstar Pacific Airline vẫn trả lương cho Ban lãnh đạo rất cao…

Về kiểm toán chuyên đề cấp bù lỗ mặt hàng dầu tại các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu giai đoạn 2006-2008, theo KTNN, kiểm toán 10 đầu mối nhập khẩu xăng, dầu và Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), ngoài việc cơ bản chấp hành pháp luật, tích cực quản lý, điều hành cấp bù lỗ, kịp thời nhập khẩu, kinh doanh xăng, dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, còn những hạn chế, tồn tại: Một số đầu mối nhập khẩu xăng, dầu áp dụng mức chiết khấu bán hàng cao hơn mức quy định; phần lớn các đầu mối hạch toán các khoản đầu tư tài sản, các nguồn khác đài thọ vào chi phí, phân bổ chi phí không đúng đối tượng; chưa tính toán đầy đủ các khoản thu chi hoạt động khác liên quan đến kết quả kinh doanh các mặt hàng dầu, nên qua kiểm toán phải điều chỉnh giảm số lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu đề nghị Nhà nước cấp bù hơn 1.025 tỷ đồng. Cục Tài chính doanh nghiệp không lập bản tổng hợp quyết toán cấp bù theo năm, chưa có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, phê duyệt quyết toán cấp bù cho các đầu mối dẫn đến việc cấp bù không bảo đảm tiến độ nên có khoản cấp bù tạm ứng, quyết toán kéo dài gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong cân đối nguồn vốn; chưa xử lý kiên quyết, kịp thời số tạm ứng vượt năm 2008 đối với Công ty thương mại xăng, dầu đường biển. Việc ban hành chính sách quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu và cấp bù các mặt hàng dầu của các cơ quan quản lý nhà nước chưa bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp... KTNN kiến nghị: xử lý tài chính hơn 1.025 tỷ đồng, trong đó thu hồi số tiền cấp bù lỗ các mặt hàng dầu tăng thu cho NSNN hơn 87 tỷ đồng (năm 2006, 2007); giảm quyết toán, giảm cấp bù lỗ các mặt hàng dầu năm 2008 từ NSNN gần 938 tỷ đồng; các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu chấn chỉnh công tác hạch toán, phản ánh và xác định số lỗ kinh doanh mặt hàng dầu; Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Tài chính doanh nghiệp căn cứ kết quả kiểm toán yêu cầu hoàn trả NSNN số tiền cấp bù vượt mức quy định cho các đầu mối xăng, dầu năm 2006, 2007; tổ chức thẩm định, phê duyệt quyết toán và cấp bù lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu năm 2008 cho các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu theo quy định hiện hành...

Về kiểm toán Chương trình 135 giai đoạn II, kiểm toán 14 tỉnh cho thấy công tác quản lý, chỉ đạo chương trình đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên còn những hạn chế, sai phạm mà KTNN phát hiện và kiến nghị: UBND và Ban chỉ đạo chương trình các tỉnh xử lý tài chính 27 tỷ đồng; kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trong việc tổ chức thực hiện mô hình đậu tương vụ hè thu, mua trâu không đúng hướng dẫn của tỉnh (xã Yên Hoa, Na Hang, Tuyên Quang); quyết toán sai thực tế trong việc hỗ trợ bò (thôn 6, xã Hồng Thủy, A Lưới, Thừa Thiên-Huế); chấm dứt việc ra các văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện Chương trình trái với quy định chung của Nhà nước...

Về kiểm toán chuyên đề quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường giai đoạn 2006-2008, theo KTNN, lĩnh vực sự nghiệp môi trường rất quan trọng được Ðảng, Nhà nước quan tâm, kinh phí hằng năm được bố trí bằng 1% tổng chi NSNN, kiểm toán ba bộ, 12 tỉnh, thành phố cho thấy một số hạn chế, thiếu sót... KTNN đã kiến nghị xử lý những sai phạm tại TP Hồ Chí Minh, trong đó kiểm điểm rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm trong việc quyết toán sai khối lượng quét dọn vệ sinh, chi phí vận chuyển rác do tính sai giờ làm đêm theo quy định 22 tỷ đồng, thẩm định và phê duyệt lựa chọn nhà thầu không đúng quy định tại Khu quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở Giao thông vận tải, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để tạm ứng cho Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam để đầu tư xây dựng Dự án Bãi xử lý chất thải rắn Ða Phước sai quy định 9 triệu USD

Đại diện Ủy Ban tài chính ngân sách Quốc hội cũng cho biết, từ năm nay, những phát hiện và kiến nghị xử lý của Kiểm toán Nhà nước sẽ được Quốc Hội đề đạt Chính phủ để xem xét xử lý và sớm thông báo kết quả.