Khẳng định cam kết xây dựng Chính phủ kiến tạo và minh bạch

TS. Phạm Việt Hà

Trình bày Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận một số vấn đề tồn tại trong điều hành kinh tế, đồng thời khẳng định rõ quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, minh bạch, thực sự là điểm tựa hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và phấn đấu hoàn thành tối đa các mục tiêu kinh tế năm 2016 và kế hoạch 2017.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14 làm việc trong 26 ngày. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14 làm việc trong 26 ngày. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016, đồng thời tập trung ban hành các cơ chế, chính sách phát triển cho giai đoạn 2016 - 2020.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể:

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm

Ngay từ khi bước vào năm 2016, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Nợ xấu tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.

Tổng thu NSNN 9 tháng đạt 70,8% dự toán, ước cả năm tăng 2,4%; bội chi giữ bằng mức Quốc hội thông qua; huy động vốn cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2016, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng 12,4%; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi giải ngân đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Mức vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 63% GDP, cao nhất từ trước đến nay; vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt 32,5% GDP (kế hoạch là 31,5%).

Chính phủ đã nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt luôn đề cao phương châm lời nói đi đôi với hành động, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm; đã ban hành Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN, Nghị quyết 60/2016/NQ-CP về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, cả nước có trên 81 nghìn DN thành lập mới và trên 20 nghìn DN hoạt động trở lại; tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, tính chung 9 tháng đầu năm 2016 tăng 5,93%; tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,3- 6,5%, tạo niềm tin, không khí phấn khởi cho DN và nhà đầu tư yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tái cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả bước đầu

Chính phủ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào các trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, DN nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém; chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn và thực hiện đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai minh bạch, không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước…

Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân

Chính phủ đã hoàn thành việc hỗ trợ về nhà ở cho gần 84 nghìn gia đình người có công theo Nghị quyết của Quốc hội. Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, học sinh sinh viên và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác được tiếp tục quan tâm thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến cuối năm 2016 giảm còn khoảng 8,5%.

Chính sách bảo trợ xã hội được tập trung triển khai, đã xuất cấp trên 92 nghìn tấn gạo cứu trợ đột xuất và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Chất lượng dạy nghề và tạo việc làm được cải thiện, trong 9 tháng đầu năm 2016, đã tạo việc làm cho gần 1,2 triệu người. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5,5%. Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 12,8 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 10,8 triệu. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy hỗ trợ phát triển nhà ở được quan tâm, ban hành kịp thời...

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường

Chính phủ đã chủ động tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nhất là hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và bão, lũ ở miền Bắc, miền Trung. Khẩn trương, chủ động chỉ đạo xử lý sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung; sau khi nhận được tiền bồi thường của Formosa, đã có phương án tổng thể và tạm ứng 3. 000 tỷ đồng cho 4 tỉnh để chi trả cho người dân.

Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí

Liên quan đến nội dung này, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội 20 dự án luật, pháp lệnh; ban hành 103 nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, đặc biệt là đối với Luật đầu tư, Luật DN; khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản. Ban hành Chỉ thị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Hình thành cơ chế thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với các ngành, các cấp.

Nghiêm túc triển khai các kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài...

Giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội

Quốc phòng, an ninh quốc gia được tăng cường; chủ quyền quốc gia, biển đảo được giữ vững. Thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh, nhất là trên các địa bàn trọng điểm. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn việc kích động, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện trọng đại của đất nước...

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Triển khai Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế và xây dựng Đề án thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định kinh tế- xã hội trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đến nay, đã có 64 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Một số tồn tại và hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng  Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại và hạn chế như: Mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2016 đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%), dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%); sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, trong 9 tháng có khoảng 45 nghìn DN tạm ngừng hoạt động và trên 8,3 nghìn DN giải thể.

Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến. Thu ngân sách khó khăn, một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn…

Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm. Hoạt động xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Một số DNNN hoạt động kém hiệu quả; Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng môi trường bị xuống cấp, chậm được cải thiện.

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức.

Khẳng định cam kết xây dựng Chính phủ kiến tạo và minh bạch  - Ảnh 1

9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu kinh tế năm 2016 và kế hoạch 2017, Chính phủ đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Nâng cao năng lực dự báo và ứng phó kịp thời với những biến động trong nước và quốc tế.

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế. Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng; phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính – NSNN. Tập trung chống thất thu, chuyển giá, mở rộng cơ sở thuế, giảm nợ đọng thuế. Triệt để tiết kiệm chi, gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực.

Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi trả nợ; giảm bội chi NSNN. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công; chú trọng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, nhất là vay về cho vay lại, khắc phục tình trạng các khoản vay bị tăng chi phí do chậm tiến độ và hạn chế tối đa cấp bảo lãnh mới.

Tăng cường quản lý, giám sát đầu tư công, chống thất thoát, lãng phí. Thu hút mạnh đầu tư ngoài nhà nước, kể cả khu vực FDI tham gia phát triển kết cấu hạ tầng. Phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản…

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư kinh doanh. Trình Quốc hội dự án Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa; sửa đổi quy chế bảo lãnh tín dụng và Quỹ Bảo lãnh tín dụng đối với DN nhỏ và vừa. Triển khai hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh sau khi được Quốc hội thông qua.

Đề ra mục tiêu cụ thể đối với từng bộ ngành, địa phương, tạo chuyển biến rõ nét trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực, đồng thời, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã kiểu mới và các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả.

Thứ ba, tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển.

Ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020. Triển khai Kế hoạch tổng thể tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 – 2020. Thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN. Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.

Thứ tư, phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân.

Thứ năm, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên.

Thứ sáu, xây dựng nền hành chính hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương.

Thứ bảy, giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Đẩy mạnh đối ngoại quốc phòng, an ninh, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Thứ tám, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ với các nước và đối tác. Tích cực tham gia Cộng đồng ASEAN, tổ chức tốt Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Thứ chín, đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017, tháng 10/2016;

2. Một số website: quochoi.vn; chinhphu.vn, mof.gov.vn, tapchitaichinh.vn…