Kho bạc Nhà nước trên hành trình chuyển đổi số

Theo daibieunhandan.com.vn

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020 đang ở chặng nước rút. Với đích đến “Kho bạc điện tử”, từ nhiều năm nay, KBNN đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực, hoạt động nghiệp vụ, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân quỹ và tạo thuận lợi tối đa cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Các đơn vị đến làm thủ tục chi NSNN tại KBNN tỉnh Quảng Ninh.
Các đơn vị đến làm thủ tục chi NSNN tại KBNN tỉnh Quảng Ninh.

Nhìn từ Kho bạc Nhà nước quận Bình Thủy

Ba tháng trước, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc KBNN Cần Thơ, KBNN quận Bình Thủy bắt đầu triển khai thí điểm “Kho bạc điện tử”. Theo đó, từ ngày 1.4.2019, tại KBNN Bình Thủy không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt.

Vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai chính là khâu chi bồi thường sau giờ truyền nhận chứng từ giữa kho bạc với ngân hàng và chi hoàn thuế bằng hình thức tiền mặt, bởi không biết khi nào khách hàng đến nhận tiền. Muốn gỡ được nút thắt này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa kho bạc với Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất và cơ quan thuế, ngân hàng để tránh chậm trễ, gây phiền hà cho khách hàng.

Xác định như vậy, KBNN quận Bình Thủy đã chủ động làm việc với các đơn vị liên quan. Đối với các khoản chi bồi thường sau giờ truyền nhận chứng từ giữa kho bạc với ngân hàng, KBNN Bình Thủy và Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Bình Thủy đã có Biên bản làm việc thống nhất những khoản chi nhỏ dưới 50 triệu đồng thì Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ làm thủ tục tạm ứng để chi cho hộ dân và lập hồ sơ thanh toán tạm ứng hoặc nộp trả (nếu chưa chi hết) vào cuối mỗi tuần.

Đối với các khoản chi hoàn thuế, nếu khách hàng có tài khoản tại ngân hàng, cơ quan thuế sẽ vận động khách hàng nhận tiền bằng hình thức chuyển khoản. Nếu khách hàng không có tài khoản tại ngân hàng, Chi cục Thuế sẽ thông báo cho khách hàng địa điểm nhận tiền tại Ngân hàng NN - PTNT quận Bình Thủy, đồng thời kiểm tra thật kỹ thông tin trên Lệnh hoàn trả trước khi gửi qua kho bạc.

Kho bạc sau khi nhận Lệnh hoàn trả, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của trên Lệnh hoàn trả, nếu có sai sót, kịp thời báo cho Chi cục Thuế để điều chỉnh. Khi khách hàng đến ngân hàng nhận tiền, Ngân hàng NN - PTNT quận Bình Thủy phải kịp thời thông tin họ tên khách hàng, chứng minh nhân dân cho kho bạc để lập Lệnh thanh toán chi trả cho khách hàng theo quy trình thanh toán giữa kho bạc và ngân hàng.

Kết quả sau 1 tháng thực hiện thí điểm Kho bạc điện tử, 100% khoản thu, chi tiền mặt đều được ngân hàng nơi kho bạc mở tài khoản thanh toán chi hộ. KBNN Bình Thủy giảm tải được khối lượng công việc, công tác quản lý quỹ tiền mặt được bảo đảm an toàn do không lưu thông tiền mặt, giảm chi phí các khoản chi ra vào kho, độc hại kho quỹ…

Những bước tiến tới Kho bạc điện tử 

Không chỉ KBNN quận Bình Thủy, toàn hệ thống KBNN đang ở thời điểm nước rút để hoàn thành Chiến lược phát triển đến năm 2020, hướng đến xây dựng “Kho bạc điện tử” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân quỹ và tạo thuận lợi tối đa cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

“Chúng tôi quan tâm cải cách, hiện đại hóa tất cả hoạt động chuyên môn nghiệp vụ”, Phó Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh cho biết. Trong đó, kiểm soát chi được coi trọng hàng đầu, bởi khâu này liên quan đến tất cả đơn vị có sử dụng ngân sách, ước tính khoảng 120 nghìn đơn vị. Bên cạnh đó, số kiểm soát chi qua kho bạc cũng rất lớn, ví dụ năm nay là trên 2 triệu tỷ đồng. “Nếu KBNN cải cách tốt trong hoạt động kiểm soát chi thì sẽ mang lại hiệu quả lớn và ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Vinh chia sẻ.  

Trên thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chi ngân sách được KBNN đẩy mạnh từ năm 2013 bằng việc thực hiện kiểm soát chi trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) tại mọi thời điểm. Việc kiểm soát dự toán của các đơn vị sử dụng ngân sách cũng được thực hiện trên hệ thống TABMIS.

Trên cơ sở dự toán do các bộ, ngành và địa phương nhập và cơ quan tài chính phê duyệt trên hệ thống TABMIS để làm căn cứ kiểm soát chi theo đúng đối tượng, đúng dự toán được giao và chuyển tiền theo đúng nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

 Đặc biệt, từ tháng 2.2018, KBNN triển khai dịch vụ công trực tuyến, theo đó, hồ sơ, chứng từ của đơn vị được gửi đến KBNN qua dịch vụ công trực tuyến và được kiểm soát, kế toán, thanh toán trên các hệ thống liên thông tại KBNN.

“Đây là bước đi tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử”, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN cho biết. Cũng theo ông Hà, kế hoạch cải cách hành chính của hệ thống KBNN trong năm 2019 là 100% thủ tục hành chính KBNN được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% đơn vị sử dụng ngân sách có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia dịch vụ công mức độ 4.

Bên cạnh đó, KBNN đã phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt cho ngân hàng thương mại đảm nhận; thu nộp ngân sách nhà nước qua internet, ATM, thiết bị chấp nhận thẻ (POS/EDC)…; thanh toán cá nhân qua tài khoản; chi tiêu ngân sách nhà nước qua thẻ tín dụng; chi ngân sách bằng tiền mặt qua ngân hàng thương mại… Nếu như trước đây chi bằng tiền mặt qua kho bạc chiếm trên 20%, thì đến năm 2018 giảm xuống dưới 6% và có khả năng tiếp tục giảm trong năm nay.

 Trong ngắn hạn và trung hạn, ngoài việc hoàn thành triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến, KBNN tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi số tiến tới hình thành Kho bạc điện tử như: Hoàn thiện các quy trình và hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cho các nghiệp vụ lõi, nhất là nghiệp vụ chi ngân sách nhằm rút ngắn thời gian thanh toán; ứng dụng công nghệ số hiện đại vào các quy trình nghiệp vụ. Ví dụ, với ứng dụng công nghệ di động thông minh, khách hàng của KBNN có thể tiếp nhận tức thời tiến trình và thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục, số dư tài khoản; các nhà quản lý tiếp nhận kịp thời thông tin về điều hành ngân quỹ; cán bộ KBNN có thể thực hiện các phê duyệt theo các quy trình nghiệp vụ nhất định. Với công nghệ chuỗi khối blockchain, các món thu ngân sách nhà nước có thể kết nối tức thời từ ngân hàng về KBNN và không phải thực hiện đối chiếu cuối ngày như hiện nay mà lại bảo đảm độ tin cậy cao…