Không quản lý, sàn vàng còn tệ hơn... sòng bạc!

Vietnamnet

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á châu (ACB) cho rằng sự cố nhập nhầm giá xảy ra vừa qua trên sàn vàng là rủi ro rất đáng tiếc. Ông Toại khẳng định với VietNamNet là sẽ gặp mặt các nhà đầu tư trao đổi, thương lượng. Nếu thương lượng không đạt thỏa thuận, ACB đành phải chấp nhận nhà đầu tư khiếu nại lên cấp trên hoặc kiện ra tòa kinh tế”, ông Toại nói.

Qua sự cố xảy ra vừa rồi và những lần trước đây, có thể thấy nhiều câu chuyện còn bất ổn xung quanh  sàn vàng này.

Từ câu chuyện phục vụ...

Câu chuyện “nhập nhầm giá” xảy ra từ ngày 9/12, đến nay đã 22/12. Nửa tháng trôi qua, mặc dù nhà đầu tư đi lên đi xuống, gửi đơn, kêu gào, nhưng đơn vị cung cấp dịch vụ gây ra sự cố và phải chịu trách nhiệm về việc này là ngân hàng ACB vẫn bình chân như vại.

Chưa thể khẳng định đây là tính thiếu chuyên nghiệp nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng ngân hàng không có trách nhiệm.

Một nhà đầu tư đã 3 lần đến chi nhánh ACB tại địa phương khiếu nại, nơi đây thản nhiên trả lời là lãnh đạo “bận họp”, “đi vắng”. Khi nhà đầu tư này đề nghị in sao kê quá trình giao dịch, lần đầu nhân viên nói rằng “máy bị trục trặc”, lần thứ hai trắng trợn thông báo “việc này hiện giờ chưa giải quyết được”! Sau khi báo chí lên tiếng quá nhiều, ngân hàng ACB mới chịu tiếp nhà đầu tư (trong buổi tiếp nhà đầu tư Phạm Thị Ngọc Sơn , ông Giám đốc chi nhánh Đồng Nai nói rõ như vậy).

Cứ nhìn thái độ của ACB, người ta không nghĩ đây là một ngân hàng thuộc vào top đầu của những ngân hàng lớn, mạnh và chuyên nghiệp nhất Việt Nam, mà lại thấy có chế xin - cho, cửa quyền từ hồi nào ở đâu đó xuất hiện lại ở nơi này.

Những gì đã xảy ra trong những ngày qua đã khiến cho uy tín của ngân hàng này mất mát ít nhiều trong đánh giá của khách hàng. Điều đó thể hiện rõ trong các thư bạn đọc gửi về VietNamNet.

...Đến câu chuyện quản lý

Mặc dù đến “giờ chót” ngân hàng ACB đã phải ngồi lại để nhận một phần trách nhiệm, nhưng những gì ngân hàng này đã đối xử với nhà đầu tư những ngày qua và sự im hơi lặng tiếng của Ngân hàng Nhà nước, đã cho thấy pháp luật còn bộc lộ rõ một lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý nhà nước.

Nhà đầu tư ra chi nhánh thì chi nhánh chỉ lên hội sở. Lên hội sở, nhà đầu tư được chỉ về chi nhánh với lý do “mọi việc giải quyết ở chi nhánh”! Nếu không nói rằng đây là sự lòng vòng quanh co, thì sẽ là tính thiếu chuyên nghiệp, bởi trong một hệ thống mà không phân biệt, phân cấp, phân công rõ nhiệm vụ quản lý.

Những quanh co này xảy ra, lỗi của ngân hàng một phần, còn một phần khá lớn nữa thuộc công tác quản lý của Nhà nước. Khi báo chí hỏi cơ quan quản lý cao nhất là Ngân hàng Nhà nước thì được trả lời là “thuộc trách nhiệm giải quyết của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM”. Nhưng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng không thể buộc họ giải quyết được vì không có một quy định, cơ chế, chế tài nào cả. Còn nhà đầu tư gửi đơn lên Thanh tra ngân hàng Nhà nước, thư đi mà không thấy hồi âm!

Còn tệ hơn ... sòng bạc!

Qua trao đổi với một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, được biết rằng cách đây 4-5 tháng, cơ quan này đã có một văn bản gửi lên Chính phủ, đề nghị có một quy định về quản lý sàn vàng, nhưng đến này vẫn chưa có ý kiến trả lời.

Chính vì thiếu một quy định quản lý, nên trong cuộc đỏ đen này, thế mạnh thuộc về nơi cầm tiền và cung cấp dịch vụ. Điều thấy rõ nhất là tất cả các quy định đều do ngân hàng tự soạn. Những nội dung này, khi gặp sự cố, đã bộc lộ tính bất hợp lý, nhưng ngân hàng vẫn không sửa. Và như vậy nếu có sự cố tiếp theo tương tự thì nhà đầu tư vẫn phải chịu.

Vì không có luật nên cách chơi chẳng cần sự sòng phẳng, công bằng. Trong Luật Các tổ chức tín dụng, Luật giao dịch điện tử… đều quy định “đảm bảo bí mật thông tin tài khoản của khách hàng”, nhưng thực tế tài khoản của khách hàng hoàn toàn không được bảo mật.

Bí mật chỉ được đảm bảo khi Ngân hàng ACB là nơi giữ tài khoản của khách hàng đứng ở trung gian. Khi ACB cũng tham gia mua bán, nếu xét ở góc độ cùng là nhà đầu tư, thì “nhà đầu tư” này lại được quyền theo dõi, biết rõ từng chi tiết từng đồng tiền trong túi, biết rõ từng hoạt động mua bán của các nhà đầu tư khác, thậm chí có quyền can thiệp vào tài khoản của “đối phương” bất cứ lúc nào để “khắc phục sự cố” khi chính mình gây ra sai sót!  Chưa cần nói đến việc trung thực hay không nhưng một khi tài khoản bị lộ như thanh thiên bạch nhật thế này thì thật sự tồn tại nhiều điều bất ổn.

Không người bảo vệ

Một lĩnh vực gần như hoàn toàn thả nổi! Một lần trong nhận định của mình, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã cho rằng “sàn vàng là sòng bạc” không phải là hoàn toàn không có cơ sở.

Tuy nhiên, ở sòng bạc vẫn có luật chơi, và rất công bằng ở chỗ không ai biết bí mật của ai, từ túi tiền đến cách “đánh”. Trong khi đó trên sàn vàng có một người được quyền “lật bài” tất cả những người khác, là hoàn toàn bất bình đẳng. Sàn vàng hoàn toàn không có luật, còn nguy cơ và rủi ro hơn cả sòng bạc.

Nguy hiểm hơn, ở lĩnh vực này, người ta “đánh” với số tiền rất lớn, vài trăm triệu, vài tỷ đến cả chục tỷ (vài chục, vài trăm đến cả ngàn lượng vàng). Chưa biết điều gì sẽ xảy ra với những ván đỏ đen khủng khiếp như thế này.

Mặc dù ngân hàng ACB đã chấp nhận ngồi lại thương lượng với nhà đầu tư, và chấp nhận nếu không đạt thỏa thuận thì sẽ dắt nhau đến tòa, nhưng một khi không có một luật cho sàn vàng, thì chưa rõ tòa sẽ xử cách nào. Nếu không có một quy định quản lý, thì dù sự cố ngày hôm nay có giải quyết được thì những lần sau này vẫn cứ xảy ra tranh chấp, mà kết cục phần thiệt thòi sẽ luôn thuộc về nhà đầu tư, bởi họ gần như không có vũ khí gì để bảo vệ.