Khu vực kinh tế trong nước trở thành điểm sáng xuất khẩu

Hoa Sơn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động thương mại toàn cầu và Việt Nam, khu vực kinh tế trong nước đã vượt qua khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong xuất khẩu hàng hóa, để đóng góp vào kết quả xuất siêu gần 12 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.

Trong 8 tháng đầu năm, sản phẩm gạo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Trong 8 tháng đầu năm, sản phẩm gạo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước trở thành điểm điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỷ USD (chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 4,5%. Kết quả tích cực này đã đóng góp vào kết quả xuất siêu gần 12 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, bất chấp dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động thương mại toàn cầu và Việt Nam.

Khu vực kinh tế trong nước trở thành điểm điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỷ USD (chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 4,5%.

Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng với kim ngạch đạt 46,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 27 tỷ USD, tăng 13%; Thị trường EU đạt 22,9 tỷ USD, giảm 4%; Thị trường ASEAN đạt 15 tỷ USD, giảm 13,6%; Hàn Quốc đạt 12,6 tỷ USD, giảm 1,5%; Nhật Bản đạt 12,5 tỷ USD, giảm 6,1%...

Trong 8 tháng có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt 31,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD, tăng 24,8%; hàng dệt may đạt 19,2 tỷ USD, giảm 11,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ tăng 31,9%; giày dép đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 9,6%; thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,2 tỷ USD, giảm 9,5%... 

Khá ngạc nhiên là trong bối cảnh dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản lại đều giảm so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 2,3 tỷ USD, giảm 11,3%; hạt điều đạt 2 tỷ USD, giảm 5,4% (lượng tăng 9%); cà phê đạt 2 tỷ USD, giảm 1,3% (lượng giảm 1,3%); cao su đạt 1,2 tỷ USD, giảm 12,7% (lượng giảm 5,9%); hạt tiêu đạt 445 triệu USD, giảm 20% (lượng giảm 7,4%); chè đạt 134 triệu USD, giảm 6,2% (lượng tăng 3,5%). Chỉ riêng sản phẩm gạo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% (lượng giảm 1,7%)...

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khu vực kinh tế trong nước  trở thành điểm điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD, bất chấp dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu cho thấy Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã rất chủ động ứng phó với khó khăn để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng.

Được biết, từ nay đến cuối năm, để đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do với mục tiêu rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Bên cạnh đó, tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch...