Kiểm tra chuyên ngành chưa có cải cách đáng kể


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung trong quý II/2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể.

Vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi.
Vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi.

Cần xem xét công tác kiểm tra chuyên ngành 

Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6 năm 2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước sang thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ.

Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các yêu cầu về quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong một số lĩnh vực của Bộ Công Thương (như kiểm tra formaldehyte trên sản phẩm dệt may, kiểm tra hiệu suất năng lượng, yêu cầu xin giấy phép bổ sung về phân phối rượu…) đang gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Những nội dung này đã được kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được Bộ quan tâm giải quyết.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới những ví dụ như Thông tư số 21/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyte trong sản phẩm dệt may đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm tra hợp quy theo lô. Quy định này không những không giảm gánh nặng cho doanh nghiệp mà thậm chí còn gây tốn kém hơn nhiều so với trước (vì vừa mất thời gian và chi phí kiểm tra theo lô như trước đây, vừa tốn kém thời gian và chi phí cho việc dán tem QR).

Một ví dụ khác, theo quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về quản lý kinh doanh rượu, thương nhân muốn nhập khẩu rượu trực tiếp phải có giấy phép phân phối rượu. Tuy nhiên, mỗi lần muốn nhập thêm rượu từ một nhà cung cấp mới, doanh nghiệp lại phải làm thêm thủ tục xin Bộ Công Thương cho cấp sửa đổi bổ sung. Yêu cầu này không có ý nghĩa về quản lý nhà nước, song lại tạo ra rào cản khó khăn cho doanh nghiệp. 

Vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động và tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tính đến ngày 26/6/2019, 85% tổng số các nhiệm vụ đã được hoàn thành, 15% đang được triển khai tích cực.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước... 

"Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thức. Các bộ, ngành và địa phương gặp  khó  khăn  trong  bố  trí  nguồn  lực  để  triển  khai  các  chính  sách  hỗ  trợ  cho doanh nghiệp nhỏ và vừa" - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.