Kinh nghiệm triển khai thuế điện tử

Theo eFinance

Kê khai thuế điện tử là một trong những dịch vụ hành chính công trực tuyến mà ngành Thuế cung cấp tới người dân và doanh nghiệp, giúp nâng cao khả năng và hiệu quả quản lý ngành Thuế. Kê khai thuế điện tử được xác định là dự án trọng tâm trong công cuộc cải cách hiện đại hóa ngành Thuế.

Thí điểm triển khai từ năm 2009 tại 4 tỉnh thành, phố gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và Bình Dương, với số lượng triển khai là 1.500 DN. Năm 2010, hệ thống kê khai thuế điện tử tiếp tục được triển khai mở rộng cho 19 cục thuế với số lượng 9.000 DN và đến năm 2011, mở rộng ra 41 cục thuế với 80.000 DN. Tính đến tháng 8/2012, đã có 149.000 DN đăng ký kê khai thuế điện tử tại 50 tỉnh, thành phố, trong đó đã có 134.000 DN đã thực hiện kê khai thuế điện tử, tăng 75% so với cả năm 2011. Hơn 3 triệu tờ khai thuế điện tử đã được cơ quan thuế các cấp xử lý chính xác.

Kê khai thuế điện tử có thể là coi là bước đi thành công của ngành Thuế bởi lợi ích của hình thức kê khai hiện đại này đã đem lại cho cơ quan thuế và người nộp thuế, giúp giảm chi phí về thời gian, kinh phí và thủ tục giấy tờ trong việc khai thuế; DN có thể kê khai ngay cả ngoài giờ hành chính hay thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ; đảm bảo thông tin và số liệu khai thuế của người nộp thuế (NNT) được gửi đến cơ quan thuế một cách nhanh chóng, chính xác; giảm thiểu tình trạng quá tải tại cơ quan thuế khi đến kỳ hạn nộp hồ sơ khai thuế. NNT lập hồ sơ khai thuế trên máy tính, ký điện tử và gửi qua mạng Internet cho cơ quan thuế.

Hồ sơ khai thuế điện tử có giá trị pháp lý thay thế hồ sơ giấy. Thông tin khai thuế của NNT gửi đến cơ quan thuế được bảo mật, nhanh, chính xác. Tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian cho NNT trong việc khai thuế (24/24, 7/7). Với hình thức khai thuế điện tử giúp giảm nguồn lực, cơ sở vật chất, chi phí của cơ quan thuế trong việc tiếp nhận, xử lý, lưu trữ và thuận lợi trong việc kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ và hoàn thuế cho NNT. Thông qua việc ứng dụng khai thuế điện tử đã giúp cơ quan Thuế kiểm soát được những dấu hiệu rủi ro của DN thông qua vấn đề phân tích các bảng kê đầu vào, đầu ra, tờ khai các tháng, tờ khai quyết toán năm, báo cáo tài chính; biết được một cá nhân chịu thuế thu nhập khi có thu nhập từ nhiều nơi nhưng không khai báo, giảm được tình trạng trốn thuế.

 Quy trình khai thuế điện tử thực hiện như sau: NNT đăng ký kê khai qua mạng với cơ quan thuế. Rồi truy cập Cổng điện tử iHTKK để khai thác mẫu tờ khai hoặc tự cài đặt phần mềm kê khai thuế để thực hiện kê khai nghĩa vụ nộp thuế. NNT gắn chữ ký điện tử vào tờ khai thuế và thực hiện gửi tờ khai thuế qua mạng internet tới Cổng điện tử iHTKK. Cơ quan thuế sau khi nhận tờ khai và gửi thư điện tử xác nhận NNT đã nộp tờ khai.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai kê khai thuế điện tử, ông Vũ Văn Trường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế cho biết: Qua một thời gian triển khai kê khai thuế điện tử, Tổng cục Thuế đã tổng hợp những nội dung phát sinh trong thực tế, những điểm quy định của Thông tư 180/2010/TT-BTC cần được sửa đổi và đã tiến hành dự thảo điều chỉnh Thông tư để trình Bộ Tài chính phê duyệt nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, nâng cấp hệ thống tin học và phần mềm ứng dụng: Tháng 4/2012, hệ thống đã được nâng cấp (hạ tầng, thiết bị và đường truyền) đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục phục vụ 130.000 NNT. Nâng cấp và phát triển mới ứng dụng: nâng cấp ứng dụng đáp ứng các chính sách thuế mới: Thông tư 42/2012/TT-BTC ngày 12/3/2012, Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/05/2012, Thông tư 83/2012/TT-BTC ngày 23/5/2012, Thông tư 80/2012/TT-BTC ngày 22/5/2012 thay thế cho Thông tư số 85/2007/TT-BTC ban hành ngày 18/07/2007. Nâng cấp kiến trúc kết nối giữa hệ thống iHTKK và hệ thống của tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trong lĩnh vực thuế T-VAN.

Có được thành công trong kê khai thuế điện tử trước tiên phải kể tới việc các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế đã phối hợp chặt chẽ, kết hợp giữa phân tích nghiệp vụ, quy trình kê khai thuế qua mạng với các nội dung nâng cấp ứng dụng và mở rộng hạ tầng kỹ thuật CNTT; kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Thuế hoàn chỉnh chính sách, cơ chế pháp lý, hoàn thiện quy trình kê khai thuế qua mạng; chỉ đạo các cục thuế khẩn trương tổ chức tuyên truyển khuyến khích, động viên các doanh nghiệp tham gia thực hiện kê khai thuế qua mạng; tổ chức tốt công tác hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ việc triển khai tại các địa phương.

Với vai trò là đơn trị trực tiếp triển khai hệ thống khai thuế qua mạng tới DN, nhiều cục thuế đã tổ chức tốt công tác triển khai, từ khâu tuyên truyền đến việc tập huấn, hướng dẫn và tổ chức triển khai. Đặc biệt là các Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Đà Nẵng,... triển khai đạt số doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng cao. Kinh nghiệm cho thấy, thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, kết hợp với bài bản tổ chức tốt, có sự phối hợp chặt chẽ của các phòng/đội trong đơn vị, có cơ chế giám sát, khen thưởng, động viên kịp thời thì việc triển khai các ứng dụng CNTT, đặc biệt các ứng dụng liên quan đến danh nghiệp mới có được kết quả thành công.

Bên cạnh đó, có sự tham gia tích cực, hỗ trợ có hiệu quả của các đơn vị cung cấp dịch vụ CNTT như các nhà cung cấp chữ ký số, T-VAN. Với số lượng hàng trăm nghìn doanh nghiệp sử dụng ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật mạng để kê khai thuế, nếu không có sự tham gia hỗ trợ của các nhà cung cấp dịch vụ CNTT thì các cơ quan thuế khó có đủ nhân lực để triển khai và hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong quá trình kê khai thuế qua mạng.

Như vậy, có thể thấy, kết quả triển khai thuế qua mạng đạt kết quả tốt và tiếp tục được mở rộng là tổng hòa sự phối hợp giữa các cấp, giữa cơ quan Thuế với cộng đồng DN và các nhà cung cấp dịch vụ CNTT. Đây là ứng dụng lớn đầu tiên của ngành Thuế mang tính xã hội cao, trực tiếp cung cấp dịch vụ tới tận người người nộp thuế.

Hệ thống bao gồm 3 phần riêng biệt: NNT, cơ quan thuế và kết nối với T-VAN.Việc quản trị hệ thống cần có các quy trình rõ ràng và chi tiết. Cần cử cán bộ theo dõi, vận hành hệ thống liên tục (có công cụ). Quan tâm đến giải pháp sao lưu dữ liệu vì đây là dữ liệu gốc và số lượng dữ liệu lớn.Cần có hệ thống dự phòng để thay thế ngay trong các trường hợp hệ thống bị lỗi: đường truyền, DC, máy chủ, cơ sở dữ liệu hạn chế ảnh hưởng đến NNT.Kiểm tra hiệu năng của ứng dụng, hệ thống trước triển khai.Đối tác phải có kinh nghiệm triển khai hệ thống tập trung với số lượng người sử dụng lớn và có đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ các lĩnh vực: hệ thống, ứng dụng, cơ sở dữ liệu.Tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo, quán triệt của tỉnh ủy, UBND trong việc triển khai...

Trong năm 2012, ngành Thuế tiếp tục triển khai mở rộng khai thuế điện tử tại 63 cục thuế địa phương với mục tiêu đạt 150.000 DN tham gia. Để thực hiện mục tiêu này, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống, nâng cấp hạ tầng mạng, đường truyền thiết bị cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế đảm bảo hệ thống hoạt động nhanh, ổn định. Tiếp tục cấp phép cho cho các đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ T-VAN, đồng thời phối hợp với các đơn vị T-VAN này cung cấp dịch vụ đến DN. Phối hợp tích hợp hệ thống với các đơn vị CA được cấp phép tạo thuận lợi cho DN.