Kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Phùng Tuấn

TCTC Online - Ngày 02/12/2010, Liên Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông tư liên tịch số 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/01/2011, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 100/2006/TT-BTC được ban hành cách đây hơn 4 năm.

Theo đó, định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với dự thảo nghị định của Chính phủ, mức phân bổ kinh phí tối đa 25 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung ít phức tạp và tối đa 40 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung phức tạp.

Trường hợp dự thảo nghị định phải tổ chức họp lấy ý kiến rộng rãi, nhiều lần với phạm vi rộng, thì mức phân bổ kinh phí do thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo, xây dựng quyết định trong phạm vi dự toán ngân sách chi thường xuyên được giao.

Đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, nghị quyết liên tịch thì mức phân bổ kinh phí tối đa 20 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung ít phức tạp hoặc ít phải tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến và tối đa 35 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung phức tạp hoặc phải tổ chức họp lấy ý kiến nhiều lần.

Mức phân bổ kinh phí dành cho dự thảo thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước tối đa 15 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung ít phức tạp, phạm vi điều chỉnh hẹp và tối đa 30 triệu đồng/dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản có nội dung phức tạp, phạm vi đối tượng thực hiện rộng trong toàn quốc, phải tổ chức họp lấy ý kiến nhiều lần.

Đối với dự án luật, pháp lệnh thì mức phân bổ kinh phí được thực hiện căn cứ theo mức độ phức tạp của từng dự án luật, pháp lệnh.

Ngoài ra, thông tư này cũng chỉ rõ: Ngoài định mức phân bổ kinh phí trên, căn cứ vào khả năng nguồn kinh phí, trong trường hợp cần thiết thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì sắp xếp, bố trí một khoản kinh phí từ nguồn ngân sách chi thường xuyên đã được giao để hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật…