Kinh tế tháng 1/2009 báo hiệu những giảm sút

Theo Anh Quân (VnEconomy)

Sản xuất đình đốn, đầu tư đạt thấp, tiêu dùng tăng chậm lại… Những con số được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy tình hình kinh tế tháng đầu năm 2009 có dấu hiệu giảm sút.

Xem xét các chỉ tiêu đạt được, những con số có liên quan đến yếu tố ngoại đều cho thấy đã có sự ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính thế giới. Trái lại, yếu tố “nội” vẫn còn duy trì được mức tăng hoặc chỉ giảm nhẹ.

Sản xuất giảm sút

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 1/2009 theo giá so sánh 1994 ước tính giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế nhà nước giảm 8,5%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước giảm 2,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,2% (dầu mỏ và khí đốt tăng 14,6%, các sản phẩm khác giảm 4,8%).

Nhiều địa phương đứng đầu về sản lượng công nghiệp của cả nước thì tháng 1/2009 đạt tốc độ tăng thấp hoặc giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2008 như: Đồng Nai chỉ tăng 1,9%; Tp.HCM tăng 0,3%; Cần Thơ tăng 0,2%; Vĩnh Phúc giảm 24,7%; Phú Thọ giảm 19,5%; Quảng Ninh giảm 7,4%; Hải Dương giảm 7,1%; Hà Nội giảm 6,4%; Đà Nẵng giảm 4,9%; Bình Dương giảm 4,3%.

Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 1/2009 cũng cho thấy có sự suy giảm tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, ước tính đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,7% kế hoạch năm. Con số tương ứng của tháng 1/2008 là 6,6 nghìn tỷ đồng và 6,7%.

Sản xuất giảm sút dẫn đến thu chi ngân sách đạt thấp so với kế hoạch năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 1/2009 ước tính bằng 2,4% dự toán năm (con số tương ứng của tháng 1/2008 là 3,8%), trong đó các khoản thu nội địa bằng 2,9%; thu từ dầu thô bằng 1,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 1,9%.

Trong khoản thu nội địa, thu từ kinh tế Nhà nước bằng 2,9%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không kể dầu thô bằng 2,5%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 2,6%; thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao bằng 3,4%; thu phí xăng dầu bằng 3%; thu phí, lệ phí bằng 2,5% so với kế hoạch năm.

Trong 15 ngày đầu tháng 1/2009, tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính bằng 3,3% dự toán năm (con số tương ứng của tháng 1/2008 là 4%), trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng 2,7%; chi sự nghiệp kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (gồm cả chi cải cách tiền lương) bằng 3,5%; chi trả nợ và viện trợ bằng 4,3%.

“Ngoại” giảm mạnh

Tác động từ khủng hoảng tài chính thế giới đã thể hiện rõ trong những hoạt động kinh tế có yếu tố ngoại.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2009 ước tính chỉ đạt 3,8 tỷ USD, giảm 18,6% so với tháng 12/2008 và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

So với cùng kỳ năm 2008, hầu hết các mặt hàng đều cho thấy có sự giảm sút kim ngạch trong tháng 1/2009 như: dệt, may giảm 33,2%; dầu thô giảm 52,4% do giá xuất khẩu dầu thô giảm 57,7%; giày dép giảm 26%; thủy sản giảm 18,6%; cà phê giảm 30,2%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 31,8%...

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 01/2009 ước tính đạt 4,1 tỷ USD, giảm 27,6% so với tháng trước và giảm 44,8% so với cùng kỳ năm 2008.

So với cùng kỳ năm 2008, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước đều giảm trong tháng 1/2009. Cụ thể, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 19,5%; xăng dầu giảm 75,2% do giá giảm 56,2%; hàng điện tử, máy tính và linh kiện giảm 45,1%; sắt thép giảm 82,3%; chất dẻo giảm 53%; nguyên phụ liệu dệt, may, da giảm 35,9%...

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng giảm sút.

Trong tháng 1/2009, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 370 nghìn lượt người, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch đạt 231,5 nghìn lượt người, giảm 10,5%; đến vì công việc đạt 65 nghìn lượt người, giảm 17,6%; thăm thân nhân đạt 55 nghìn lượt người, giảm 1,2%.

Sản xuất và thương mại gặp khó cũng ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động vận tải. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 1/2009 ước tính đạt 51,4 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2008 nhưng hàng hóa luân chuyển chỉ đạt 13,4 tỷ tấn.km, giảm 8,4%.

Hàng hóa xuất nhập khẩu giảm về sản lượng, cùng với tác động từ giảm giá cước vận tải và thuê tàu cũng đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động vận tải biển.

“Nội” còn… cầm cự

Tiêu dùng nội địa do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nên sức mua trong dân có sự giảm tốc so với cùng kỳ. Hoạt động bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 1/2009 nhìn chung không sôi động.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2009 theo giá thực tế ước tính đạt 98,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2008.

Nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 chỉ tăng 8,2%, thấp hơn mức tăng 11,7% của cùng kỳ năm trước.

Do nhu cầu tiêu dùng của dân cư tăng lên trong dịp Tết Nguyên đán, giá tiêu dùng tháng 1/2009 tăng 0,32% so với tháng trước. Nhưng so với tháng 1/2008, giá tiêu dùng tháng này đã tăng 17,48%.

Đáng chú ý là trong khi các nhóm hàng hóa dịch vụ còn lại đều tăng so với tháng trước, giá cước viễn thông vẫn tiếp tục giảm, thúc đẩy tăng trưởng số thuê bao điện thoại phát triển mới.

Trong tháng 1/2009, số điện thoại phát triển mới ước tính đạt 3,2 triệu thuê bao, tăng 160,4% so với cùng kỳ năm 2008, nâng tổng số thuê bao điện thoại trên cả nước tính đến hết tháng 1/2009 lên 82,6 triệu thuê bao.

Tổng doanh thu thuần bưu chính viễn thông tháng 1/2009 ước tính đạt 7,7 nghìn tỷ đồng, tăng 46,6% so với tháng 1/2008, trong đó doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đạt 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 52,7%.