Kinh tế tư nhân – “Lực kéo” quan trọng của kinh tế Việt Nam thời hậu Covid-19
Khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò, động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Như vậy, kinh tế tư nhân chính là “tấm đệm giảm sốc” và là “lực kéo” quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, do đó Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách để thúc đẩy, phát triển bền vững động lực quan trọng này.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 đến nay, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh cả về chất, lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Theo tính toán, nếu đầu tư tư nhân (chưa tính đến hộ kinh doanh cá thể) tăng 1%, sẽ giúp GDP của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm khoảng 0,15 điểm %. Trong số đó, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trở thành "những con sếu đầu đàn", dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế của đất nước.
Khảo sát trong 5 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam được thế giới biết đến qua những tên tuổi các tập đoàn tư nhân như: Vingroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk, Masan... Nhiều doanh nghiệp tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh, xã hội. Thống kê cho thấy, 29 doanh nghiệp Việt Nam đã có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt con số 1 tỷ USD.
Có thể khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân là “tấm đệm giảm sốc” cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang bị tác động bởi các yếu tố bất định như dịch Covid-19; biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá...
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã chung tay cùng các bộ, ngành và Chính phủ góp phần chống dịch hiệu quả, động thái này thể hiện sự đồng hành hiệu quả 3 bên, giữa Chính phủ - Doanh nghiệp - Người dân.
Nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ trọng tâm như: (1) Hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, doanh nghiệp thông qua các giải pháp về tài khóa, tiền tệ, tín dụng, hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; (2) Giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; (3) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư quan trọng quốc gia; (4) Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển…
Kinh tế tư nhân - “lực kéo” quan trọng của nền kinh tế Việt Nam
Thời gian qua, đồng hành cùng các khu vực kinh tế khác, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát huy sức mạnh nội tại và trở thành “lực kéo” quan trọng của nền kinh tế nước ta, cụ thể như:
Thứ nhất, khu vực kinh tế tư nhân duy trì sự đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (bao gồm kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân) đã thể hiện được khả năng chống chịu lớn nhất trong ba khu vực, mức thu ngân sách giảm 9,5% so với thực hiện năm 2019, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực có vốn FDI tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm lần lượt là 15,7% và 11,3%.
Điều này cho thấy, doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thể hiện vai trò là công cụ điều tiết của Nhà nước khi nền kinh tế gặp khó khăn và khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục thể hiện được vai trò là động lực quan trọng như khẳng định tại Nghị quyết số 10-NQ/TW.
Thứ hai, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục là một nguồn vốn đầu tư quan trọng trong tổng vốn đầu tư của nền kinh tế, khi vốn đầu tư khu vực kinh tế tư nhân trong quý III/2020 tăng gấp đôi quý II/2020 và đạt 7,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính trong 9 tháng năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4,8% bằng 1/2 tốc độ tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2019. Sự gia tăng vốn đầu tư toàn xã hội so với cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ lực kéo của vốn đầu tư từ ngân sách, trái phiếu chính phủ (tăng lần lượt 48,9% và 8,1%) và một phần không nhỏ của đầu tư tư nhân (tăng 2,8%), trong khi nguồn vốn quan trọng là đầu tư nước ngoài suy giảm (-2,5%).
Thứ ba, bất chấp những tác động tiêu cực do Covid-19 gây ra, 9 tháng đầu năm 2020, vẫn có gần 99 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, chỉ giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lại đạt tới 34,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,5% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tăng vốn là 29,5 nghìn doanh nghiệp. Nhờ vậy, 9 tháng đầu năm 2020, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt 3.601,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Có thể thấy, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực vươn lên trong khó khăn với trọng tâm là: (i) Cắt giảm chi phí, duy trì quan hệ hoặc tìm kiếm đối tác và thị trường mới; (ii) Chuyển đổi mô hình kinh doanh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; (iii) Chuyển đổi sản phẩm trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu và gắn với xu thế tiêu dùng phù hợp với bối cảnh đại dịch; (iv) Cập nhật thông tin về diễn biến dịch bệnh để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tiếp cận thị trường khi dịch bệnh được đẩy lùi; (v) Tận dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước để duy trì hoạt động, đầu tư phát triển hạ tầng sản xuất kinh doanh…
Những khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, khu vực kinh tế tư nhân cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức bởi các vấn đề hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, cụ thể như:
Một là, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trước những khó khăn do Covid-19 gây ra ngày càng suy giảm. Trong tháng 9/2020, mặc dù tâm lý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã dần ổn định trở lại sau khi dịch Covid-19 tái xuất hiện, nhưng số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh để giải thể còn lớn, lên tới 9.101 doanh nghiệp trong quý III/2020.
Tác động của đại dịch Covid-19 đến các ngành, các doanh nghiệp ngày càng hiện hữu. Báo cáo khảo sát doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (9/2020) cho thấy, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có 20% doanh nghiệp được khảo sát đã phải tạm dừng hoạt động; 76% doanh nghiệp không cân đối được thu, chi; 2% doanh nghiệp đã giải thể; chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Các khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay và thời gian tiếp theo là: (i) Không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; (ii) Khó khăn trong đảm bảo trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; (iii) Khó khăn trả tiền vay ngân hàng (gốc và lãi); (iv) Khó khăn trả tiền điện, nước và nguyên liệu đầu vào; khó khăn trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị. Trong lĩnh vực du lịch, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (làm dịch vụ đại lý tour, bán vé) sa thải 100% lao động, doanh nghiệp lữ hành quốc tế sa thải khoảng 80% lao động.
Đồng thời, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cũng cho thấy bức tranh khó khăn của các doanh nghiệp. Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2020, chỉ có 4/18 ngành không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có khả năng tiếp tục phát triển, bao gồm: Ngành Dịch vụ tài chính có lợi nhuận sau thuế tăng 156,2% so với cùng kỳ năm 2019; ngành Bảo hiểm (Lợi nhuận sau thuế tăng 61,1%); ngành Tài nguyên cơ bản (Lợi nhuận sau thuế tăng 11,1%); ngành Thực phẩm và Đồ uống (Lợi nhuận sau thuế tăng 8,9%). 10/18 ngành có lợi nhuận suy giảm, trong đó du lịch và giải trí bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 67,2% và 376,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp đến là dầu khí với lợi nhuận sau thuế giảm 130,1%.
Theo khảo sát của Fiingroup, chỉ trừ ngành Viễn Thông, các ngành khác đều cho thấy số lượng doanh nghiệp thua lỗ phổ biến từ 15%-50%. Nhiều doanh nghiệp ngay tại thời điểm giữa tháng 5/2020 khi dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát đều đặt mục tiêu có lợi nhuận, tỷ lệ số doanh nghiệp đang thua lỗ tin tưởng sẽ có lãi trong cả năm 2020 khá cao ở tất cả các ngành. Tuy nhiên, sự bùng phát dịch đợt 2 vào cuối tháng 7/2020 đã làm thay đổi đáng kể triển vọng trên của các doanh nghiệp.
Hai là, các chính sách hỗ trợ chưa thực sự có hiệu quả. Trên thực tế, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cho tới nay mới chỉ thực hiện được một phần nhỏ, chưa tạo ra động lực giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Theo Ngân hàng Thế giới, kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ (gói 62 nghìn tỷ đồng) đạt thấp hơn rất nhiều so với dự kiến, khoảng 12,75%, do tiêu chí điều kiện nhận hỗ trợ phức tạp. Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí và tiền thuê đất chỉ đạt hơn 35% giá trị gói hỗ trợ.
Như vậy, nguồn lực dành cho gói hỗ trợ lần 1 chưa được khai thác triệt để. Gói hỗ trợ càng chậm triển khai, hiệu quả và kỳ vọng đặt ra ban đầu càng giảm, trong khi các doanh nghiệp, người lao động và người dân đang chịu tác động nặng nề sau 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát. Vì thế, các bộ, ban, ngành, địa phương cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, nút thắt để khơi thông dòng vốn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân bị tác động hiệu quả bởi dịch Covid-19 có thể sớm tiếp cận các gói hỗ trợ.
Ba là, mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 khó đạt được, khi số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm 30/9/2020 mới đạt 794.858 doanh nghiệp. Ngoài tác động của dịch Covid-19, còn do các nguyên nhân sau: Nỗ lực đổi mới thể chế chậm được triển khai (Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp đều đến năm 2019 mới được sửa đổi và có hiệu lực vào năm 2020); chưa tạo được sự đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh.
Đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, tính tự chủ về tổ chức cán bộ, tài chính và hoạt động chưa cao; chưa thực hiện được lộ trình tính đầy đủ chi phí đề ra; đại dịch Covid-19 cũng làm cho nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị khó khăn hơn. Việc thực hiện tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng mức tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhiều thách thức.
Bốn là, khu vực doanh nghiệp trong nước gia tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng không có lợi thế cạnh tranh, điều này cần được đánh giá chính xác để tránh các nhận định sai lầm. Nếu là năng lực xuất khẩu thực sự của các doanh nghiệp trong nước thì đây là tín hiệu đáng mừng về sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đây chỉ là hàng nhập khẩu từ một nước thứ ba, sau đó núp bóng doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác, thì xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ bị áp thuế lẩn tránh, điều này ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh về trung và dài hạn.
Năm là, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch, mặc dù Chính phủ, Bộ Tài chính đã vào cuộc khá mạnh mẽ, quyết liệt ngay từ đầu năm 2020. Điều này làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, tăng chi phí quản lý vốn vay, gây lãng phí và trong bối cảnh đại dịch Covid-19, không mang lại hiệu ứng lan tỏa, cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng của các nguồn vốn khác, trong đó có vốn đầu tư tư nhân.
Nguyên nhân là do chậm trễ thực hiện các quy định của các quan trung ương và địa phương. Ngoài ra, hiệp định vay vốn ODA có thời gian xây dựng, đàm phán dài, nay tình hình tiến độ thay đổi, song việc điều chỉnh hiệp định vẫn phải trải qua nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian.
Phát huy tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân
Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, các chuyên gia tư vấn đã đặt ra các vấn đề cần giải quyết để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Trong đó, xóa bỏ các rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60%-70%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ đang dần tiến đến giới hạn. Nếu kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến xấu, trước mắt Chính phủ cần xây dựng kịch bản ứng phó mang tính dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hạn chế đổ vỡ trong nước và không đẩy các giới hạn an toàn vĩ mô quá xa.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công hỗ trợ trực tiếp (nhất là nguồn tài chính thiết thực) cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp đang tạm ngừng sản xuất kinh doanh để khôi phục lại sản xuất kinh doanh; xây dựng các kịch bản hỗ trợ các doanh nghiệp lớn có nguy cơ mất khả năng thanh toán; tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu để tận dụng đà xuất khẩu đang phục hồi.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp căn cơ như: cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục điểm nghẽn hạ tầng, chủ động thu hút các dự án đầu tư nước ngoài trong xu hướng điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh kích cầu thị trường trong nước, nỗ lực xây dựng thương hiệu; chủ động đẩy mạnh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành và sản phẩm xuất khẩu trên cơ sở đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực… Các hiệp hội cần tích cực đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao vị thế của doanh nghiệp, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Đặc biệt, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự làm tốt vai trò lực đẩy, trong giai đoạn 2021-2030, Nhà nước tiếp tục tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước.
Theo đó, tập trung vào các vấn đề cốt lõi: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.
Tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều bất định và kinh tế thế giới có thể diễn biến theo các chiều hướng khác nhau. Do đó, trong điều hành, các cơ quan Nhà nước cũng cần bám sát diễn biến của dịch bệnh, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu để kịp thời có các kịch bản điều hành, ứng phó phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Tài chính, Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2020;
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Kỷ yếu Diễn đàn doanh nghiệp “Lựa chọn nào thời hậu Covid?”, Tháng 7/2020;
Đại học Kinh tế quốc dân, Kỷ yếu Hội thảo “Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”, Tháng 10/2020.