Kinh tế Việt Nam 2019: Mục tiêu và khuyến nghị

Theo Thùy Linh/congthuong.vn

Sự chuyển mình của nền kinh tế trong năm 2018 được thể hiện rõ nét không chỉ ở những con số mà chất lượng tăng trưởng ngày càng đi vào chiều sâu, tạo tiền đề cũng như kỳ vọng và lạc quan cho năm 2019.

Xuất khẩu - điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2018. Nguồn: Internet
Xuất khẩu - điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2018. Nguồn: Internet

Tăng trưởng cao nhất 10 năm qua

Những ngày cuối cùng của năm 2018, các con số được công bố đã cho thấy một kết quả đầy tích cực của nền kinh tế, trên nhiều phương diện. Theo Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018 - một sản phẩm thường niên của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đã được đưa vào danh mục ấn phẩm định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ - tăng trưởng kinh tế năm 2018 ước đạt 6,9 – 7%, mức cao nhất 10 năm qua nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ; lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%...

Theo ông Đặng Ngọc Tú - Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát (NFSC) - các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo: cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao; nợ công và cân đối ngân sách được kiểm soát đảm bảo các mục tiêu Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, nền tảng tài chính tiếp tục được củng cố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng giảm nhưng hiệu quả và chất lượng hơn; thanh khoản hệ thống được đảm bảo, lãi suất và tỷ giá ổn định. Thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt bậc về quy mô với mức vốn hóa thị trường đạt 75% GDP, vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2020.

Phân tích những mặt được trong tăng trưởng kinh tế 2018, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam - chỉ ra rằng, động lực tăng trưởng của năm 2018 đến từ hai khu vực chính là công nghiệp chế biến và dịch vụ, song đã có sự thay đổi căn bản trong cấu thành của hai bộ phận này. Nếu như năm 2017, nước ta phụ thuộc vào điện thoại và thiết bị điện tử với tốc độ tăng trưởng 20 - 30% thì nhóm ngành này chỉ tăng khoảng 11% trong 11 tháng năm 2018. "Bánh xe" tăng trưởng của năm nay lại đến từ những ngành hưởng lợi từ chính sách để thay thế hàng nhập khẩu, như sản xuất ôtô và dược phẩm. Đặc biệt, theo TS. Thành, dấu ấn tăng trưởng tích cực của kinh tế Việt Nam 2018 cần phải nhắc đến là không bị phụ thuộc vào tín dụng.

Hy vọng và lạc quan

Nền kinh tế có quyền hy vọng, lạc quan về một năm 2019, thậm chí trong những năm tiếp theo với những tăng trưởng ổn định, đi vào chiều sâu, tận dụng, duy trì và phát triển được những thế mạnh vốn có.

Dự báo của NFSC cho thấy, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%; Lạm phát có thể chỉ 3,6%, tương đương mức lạm phát năm nay và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được Quốc hội thông qua.

Những dự báo nêu trên không phải không có cơ sở nếu nhìn lại chặng đường vừa qua, nền kinh tế trong nước đang bước đi những bước vững chắc, và những "ổ gà" trên đường đi của "bánh xe" kinh tế đã được lấp đầy bằng các chính sách cụ thể, bởi một Chính phủ kiến tạo, hành động vì doanh nghiệp. Những động lực cho tăng trưởng năm 2019 được nhắc tới là tiềm năng từ khu vực kinh tế tư nhân.

Theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư tư nhân/GDP ngày càng cao trong khi của khu vực công ngày càng giảm và đầu tư của FDI có xu hướng ngày càng giảm. Đặc biệt, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh đầu tư tư nhân là mục tiêu trọng tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực trong năm 2019 được đánh giá sẽ tạo cơ hội lớn trong thu hút dòng vốn dịch chuyển từ các thị trường khác sang Việt Nam.

Ông Trương Văn Phước - quyền Chủ tịch NFSC - cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% của năm 2019, bên cạnh việc cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, chính sách điều hành cần hướng đến trọng tâm ổn định tài chính. Yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế 2019 là xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại; triển vọng tích cực từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và một số các FTAs… Do đó, lạm phát có thể kiểm soát ở mức khoảng 4% nếu việc điều chỉnh giá dịch vụ công được kiểm soát chặt chẽ.

Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy khuyến nghị, CPI là chỉ số cần quan tâm nhưng điều hành chính sách năm 2019 phải linh hoạt hơn. Mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% phải có điều chỉnh co giãn 0,5% nhằm lường trước yếu tố bất thường.

Kinh tế Việt Nam năm 2019 ít nhiều sẽ chịu tác động bởi yếu tố quốc tế biến động khó lường. Do đó, ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong những ưu tiên khi điều hành chính sách.